Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng đã có những tín hiệu tích cực cho thấy tiến trình công nghiệp hoá ở Tây Ninh có khả năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và là một trong những cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á, châu Á. Thời gian qua, nhất là trong 5 năm gần đây Tây Ninh có nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đã đạt được những kết quả nhất định. Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, do không tránh khỏi ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng đã có những tín hiệu tích cực cho thấy tiến trình công nghiệp hoá ở Tây Ninh có khả năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Nhà máy xi măng hoạt động ổn định sẽ tăng giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm |
Theo thống kê về lĩnh vực công nghiệp, trong giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất công nghiệp ở Tây Ninh tăng bình quân hằng năm 16,8%, tuy chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng qua những nỗ lực kêu gọi đầu tư, cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời tạo sự thông thoáng môi trường đầu tư, đến nay Tây Ninh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, hứa hẹn khả năng tăng trưởng công nghiệp mạnh mẽ trong những năm tới đây.
Tín hiệu lạc quan trước tiên là nhà máy sản xuất xi măng ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu đi vào hoạt động ổn định. Đây là dự án sản xuất công nghiệp có mức đầu tư lớn nhất ở Tây Ninh cho đến nay với tổng vốn lên đến gần 3.000 tỷ đồng- tương đương gần 177 triệu USD, do Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh làm chủ đầu tư, với công suất 1,5 triệu tấn/năm. Theo tính toán, khi nhà máy xi măng đi vào hoạt động ổn định sẽ tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh lên khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất của nhà máy xi măng đã góp phần quan trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp chung toàn tỉnh. Ngoài ra, trong tương lai không xa, chủ đầu tư đang lập dự án xây dựng dây chuyền 2 để nâng tổng công suất lên 3 triệu tấn/năm. Lúc đó chắc chắn giá trị sản xuất sẽ tăng lên gấp đôi. Hiện nay, khu vực dân cư chung quanh nhà máy xi măng đã dần chuyển mình để trở thành thị tứ với nhiều dịch vụ phát triển cùng sự phát triển của nhà máy xi măng.
Tín hiệu lạc quan kế đến là đã có nhiều nhà đầu tư và tập đoàn lớn đến Tây Ninh đầu tư phát triển khu công nghiệp. Quy mô diện tích lớn nhất đã bắt đầu triển khai là Khu Liên hợp công nghiệp -dịch vụ Phước Đông- Bời Lời. Theo quy hoạch, Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời có quy mô diện tích lớn nhất Tây Ninh hiện nay với diện tích là 2.838 ha, nằm trên đất của các xã Phước Đông, Bàu Đồn thuộc huyện Gò Dầu và Đôn Thuận thuộc huyện Trảng Bàng. Khu Liên hợp được quy hoạch bao gồm 2 khu chính là: Khu công nghiệp có diện tích 2.190 ha và khu đô thị- dịch vụ có diện tích 648 ha. Ngoài ra, khu vực gần ngã ba Bùng Binh (xã Đôn Thuận) sẽ được nhà đầu tư xây dựng khu cảng du lịch sinh thái- dịch vụ với diện tích 250 ha, bao gồm các công trình nghỉ dưỡng kết hợp biệt thự nhà vườn, cùng các dịch vụ thể thao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giữa năm 2009, Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời tiến hành triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để GPMB giai đoạn 1 với diện tích khoảng hơn 1.200 ha ở các xã Phước Đông và Đôn Thuận. Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn tất. Tiến độ bồi thường GPMB dự án Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời được đánh giá là khá nhanh so với nhiều dự án khác ở Tây Ninh. Nguyên nhân cơ bản là do giá cả bồi thường hợp lý, đồng thời các cấp, các ngành liên quan hết sức nỗ lực vận động, triển khai. Hiện nay, nhà đầu tư đang xây dựng hạ tầng trong khu vực đã giải toả. Tương lai không xa, khu liên hợp không chỉ hình thành khu công nghiệp mà còn là khu đô thị loại III với hàng trăm ngàn lao động làm việc và sinh sống.
Khu công nghiệp có quy mô diện tích lớn thứ hai là Khu Công nghiệp và dịch vụ Bourbon- An Hoà, tổng diện tích 1.020 ha thuộc địa bàn xã An Hoà, huyện Trảng Bàng, do Công ty CP Bourbon Tây Ninh làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này bao gồm 2 khu chính là: khu công nghiệp có diện tích 760 ha và khu kho cảng, dịch vụ, khu tái định cư có diện tích 260 ha. Trong khu công nghiệp dự kiến đất xây dựng nhà máy chiếm hơn 55%- vào khoảng trên dưới 400 ha, còn lại là đất giao thông, cây xanh, khu hành chính và các công trình kỹ thuật. Khu kho cảng, quy hoạch xây dựng trên diện tích khoảng 185 ha, trong đó dự kiến đất xây dựng kho cảng chiếm khoảng hơn 100 ha giáp sông Vàm Cỏ Đông. Cả khu công nghiệp và khu kho cảng sẽ được xây dựng hoàn chỉnh theo đúng quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Đến nay, Khu Công nghiệp- dịch vụ An Hoà đã triển khai xây dựng mặt bằng và đã có 4 nhà đầu tư thực hiện dự án.
Mô hình khu tái định cư Khu KTCK Xa Mát |
Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Xa Mát cũng đang là một trong những tiềm năng lớn đang được Tây Ninh đầu tư xây dựng và sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ trong những năm tới. Khu KTCK Xa Mát có tổng diện tích quy hoạch hơn 34.000 ha, trong khu có đến 4 cửa khẩu gồm 1 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu phụ. Đến nay tại Khu KTCK Xa Mát đã có 14 dự án đầu tư trong nước được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép đầu tư với tổng diện tích hơn 400 ha và tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 880 tỷ đồng và 200 triệu USD. Trong tương lai không xa, trong Khu KTCK Xa Mát sẽ có những khu công nghiệp, thương mại phát triển không kém Khu KTCK Mộc Bài.
Ngoài ra, các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch năm 2004 và bổ sung năm 2007 cũng sẽ tiếp tục phát triển, trong đó có một số đã triển khai như: Cụm Công nghiệp Thanh Điền, Chà Là, Bến Kéo… và một số đang chuẩn bị triển khai như: Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh I có diện tích quy hoạch 550 ha, Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh -Rạch Sơn quy hoạch 250 ha, Khu Công nghiệp Gia Bình có diện tích quy hoạch 200 ha, Cụm Công nghiệp Bàu Rông quy hoạch 300 ha, Cụm Công nghiệp Tân Hội quy hoạch 150 ha…
Trong 5 năm tới, những khu và cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng hiện nay sẽ đưa vào hoạt động, nâng cao hiệu quả đầu tư và sẽ góp phần không nhỏ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá ở Tây Ninh.
SƠN TRẦN