Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những tư liệu mới về thành phủ Tây Ninh
Thứ tư: 00:10 ngày 27/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách Tây Ninh Đất và Người, bộ mới do Nxb Thanh niên tái bản năm 2021 được nhóm tác giả bổ sung một số chuyên đề nghiên cứu mới. Một trong số đó là bài nghiên cứu “Thành phủ Tây Ninh” của tác giả Võ Nguyên Phong.

Cổng chính “thành Săng-đá”.
Sách Tây Ninh Đất và Người, bộ mới do Nxb Thanh niên tái bản năm 2021 được nhóm tác giả bổ sung một số chuyên đề nghiên cứu mới. Một trong số đó là bài nghiên cứu “Thành phủ Tây Ninh” của tác giả Võ Nguyên Phong. Thật đáng khâm phục, bởi quê tác giả ở tận Quảng Ngãi, nhưng qua bài viết cho thấy sự am hiểu sâu sắc về một công trình quan trọng tại Tây Ninh.

Công trình này gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Tây Ninh, từ thời phong kiến triều Nguyễn cho đến tận ngày nay. Chỉ với một mục đích, là: “Tác giả khảo sát và hồi cố lại một công trình lớn và quan trọng bậc nhất tại đây, đã góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước vào buổi đầu nơi biên địa, giúp chúng ta hình dung được nhiều hơn những công sức mà tiền nhân đã để lại trên vùng đất này…”.

 
Chúng tôi xin giới thiệu những chi tiết mới qua nghiên cứu của Võ Nguyên Phong. Và cũng xin có đôi điều bổ sung hoặc bàn lại.

Chi tiết mới thứ nhất tác giả viết: “Đồn Xỉ Khê chính là tên gọi khác của thủ sở đạo Thuận Thành, được di dời từ phía Bắc khu vực (thủ sở đạo Thuận Thành năm 1806 ở quãng ngã ba rạch Tây Ninh, suối Vàng) về khu vực thành phố Tây Ninh ngày nay…”. Trên bản đồ hành chính Tây Ninh cho thấy, ngã ba ấy nay thuộc về ấp Tân Lập, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh.

Chúng tôi bàn lại: Quả đúng là có cái tên Thuận Thành, ở vị trí tác giả đã kể, nhưng đây không phải là đạo, mà chỉ là thủ- một cái đồn nhỏ, thuộc sự chỉ huy của đạo mà thôi. Ta hãy cùng đọc đoạn văn sau đây của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, trong bài Tổ chức hành chính Tây Ninh 1836-1970 (Tạp chí xưa nay, số 96, năm 2001): “Mùa thu năm 1836, đặt phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định, Sử thực lục ghi: Một dải địa phương thành Quang Hoá giáp với các phủ Cao Miên là Tuy Lạp, Tầm Đôn, Kha Lâm, Ba Nam có địa thế rất xung yếu. Trước đây đã đặt đạo Quang Hoá (đạo Quang Phong, đạo sở là thành Quang Hoá- TV) và các thủ sở Thuận Thành, Quang Phong, Quang Phục, Quang Uy, Kiên Uy coi giữ….”.

Đoạn văn trên cho thấy, đạo Quang Phong (Quang Hoá) có tới 5 đồn thủ. Chúng tôi đã xác định được thủ sở Quang Phong nằm ở vị trí Lò Gò hiện nay. Còn Võ Nguyên Phong xác minh được đồn thủ Thuận Thành nằm ở ngã ba Suối Vàng. Nhưng xin đừng nhầm Thuận Thành ngang cấp với đạo Quang Phong (một số tài liệu gọi theo tên thành trì là Quang Hoá).

Tham khảo thêm trong sách Trảng Bàng phương chí (Nxb Tri Thức, năm 2016) của Vương Công Đức; tại mục 2 Quang Hoá trong bản đồ xưa, thì tác giả cho rằng đạo Quang Uy ở: “vùng Hóc Môn, Củ Chi ngày nay”; còn đạo Thuận Thành lại ở “hướng tây-bắc của trấn Gia Định” tức là vùng Lộc Ninh, Bình Long hiện tại.

Nhưng với Quang Uy, thì Hóc Môn, Củ Chi đã ở quá gần với dinh phiên trấn Sài Gòn; quá sâu trong vùng đất đã được triều đình quản lý với cơ cấu hành chính là phủ Tân Bình, trái với định nghĩa của chính tác giả là: “Đạo… chỉ lập ở khu vực biên cương hay vùng đất mới chiếm được…”.

Còn đạo Thuận Thành (nếu có) thì ở quá xa, không còn liên quan hay phụ thuộc gì với đạo Quang Phong. Vì vậy mà Thuận Thành chỉ là 1 trong 5 thủ sở thuộc đạo Quang Phong, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã kể.

Và do đó, chi tiết mà Võ Nguyên Phong cung cấp thủ sở Thuận Thành ở tại ngã ba suối Vàng với rạch Tây Ninh là đáng tin cậy. Chính ở khu vực này còn truyền tụng câu chuyện về “Đạo binh vô hình ở vùng núi Cậu Tây Ninh” (Huỳnh Minh- Tây Ninh xưa, Nxb Thanh niên, 2001). Núi Cậu xưa, nay là núi Phụng gần với suối Vàng.

Tác giả viết: “Muốn đến núi Cậu, chúng ta phải đi đường lên Cà Tum, ngả đến suối Vàng… Tương truyền cách đây lâu năm… thường thấy một đạo binh xuất hiện trên núi mỗi tháng vài ba lần và liên tục khoảng 15 năm như vậy…”.

Những mô tả tiếp theo cho thấy đây là quân lính triều Nguyễn, nhưng người dân lại tin đấy là đạo “âm binh của Quan lớn Trà Vong”. Do vậy mà có ngôi đền thờ Quan lớn Trà Vong ở bên hữu ngạn suối Vàng, nay thuộc xã Thạnh Tân.

Chi tiết mới thứ hai là: Đồn Xỉ Khê (tiền thân của thành phủ Tây Ninh) có thể có từ trước năm 1836- năm lập phủ Tây Ninh. Đấy là vào khoảng năm 1812 đồn Xỉ Khê được đắp. Việc chuyển thủ sở đạo (Thủ sở- TV) Thuận Thành từ phía bắc về khu vực TP. Tây Ninh nhằm chặn đường tiến của quân Xiêm theo hướng đường Sứ…

Đồn Xỉ Khê được xây dựng ở khu vực làng Thanh Điền, gần đối diện với TP. Tây Ninh ngày nay qua rạch Tây Ninh và lệch về phía Nam. Đến năm 1836, khi thành lập phủ Tây Ninh, đã đặt lỵ sở tại đồn Xỉ Khê. Và cũng năm này, khi xây dựng thành phủ Tây Ninh tại TP. Tây Ninh ngày nay, thì chuyển lỵ sở qua và vị trí đồn Xỉ Khê bị triệt bỏ gọi là Phủ Cũ.

Xem triển lãm ảnh Tây Ninh xưa.

Như vậy là đã có một tình tiết rất mới ở đây. Đấy là khái niệm “Phủ Cũ”. Một số sách sử, tư liệu ở Tây Ninh như Tây Ninh xưa, hoặc Lược sử Tây Ninh (Ban Tổng kết chiến tranh thuộc Tỉnh uỷ Tây Ninh, 1986), đều cho Phủ Cũ là phủ dưới thời vua Chân Lạp Nặc Ông Chân.

Nhưng Võ Nguyên Phong lại phát hiện rằng, đó là thành phủ Tây Ninh đầu tiên khi thành lập phủ, sau di dời bỏ đi nên gọi là Phủ Cũ. Bổ sung cho phát hiện này là trích dẫn sách của bác sĩ người Pháp Baurac viết năm 1899, có câu: “Phủ Phú Củ (?) được chuyển về chỗ nay là lỵ sở tức tại Tây Ninh. Chuyện xảy ra năm 1838 dưới thời Minh Mạng…”.

Đoạn trích trên là phù hợp với tài liệu ghi trong sách Đại Nam Nhất thống chí, mục Thanh Trì ở tỉnh Gia Định về thành phủ Tây Ninh. Đó là: “thành phủ Tây Ninh; chu vi 188 trượng 8 thước 4 tấc, cao 7 thước, hào rộng 4 trượng, sâu 5 thước, mở 3 cửa ở địa phận thôn Khang Ninh, huyện Tân Ninh do phủ kiêm lý. Năm Minh Mệnh thứ 17 đặt phủ hạt; năm thứ 19 xây đắp thành phủ…”, theo Võ Nguyên Phong thì thành có chu vi 800m, cao 3m, hào rộng 17m, sâu 2m.

Như vậy thì đến năm 1838, thành phủ Tây Ninh mới được đặt tại vị trí nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; xưa thuộc thôn Khang Ninh, sau nhập vào làng Ninh Thạnh, nay là phường 1, TP. Tây Ninh. Vậy Phủ Cũ ấy ở đâu, thật là chuyện đáng và cần tìm hiểu. Bởi Võ Nguyên Phong, bằng những nghiên cứu khá chi tiết và cẩn trọng đã cho biết “ở làng Thanh Điền, gần đối diện với TP. Tây Ninh (trung tâm- TV) ngày nay qua rạch Tây Ninh và lệch về phía Nam”.

Trong khi đó, các tư liệu có tại Tây Ninh, như Tây Ninh xưa cho rằng: “phủ này cách tỉnh lỵ Tây Ninh lối 3km đi theo đường thuỷ”. Ông còn ghi một chi tiết rất đáng chú ý, là: “Phủ này tuy trước của người Miên (thời Nặc Ông Chân), nhưng về sau, đời chúa Nguyễn Phúc Ánh, phủ này vẫn được trùng tu, để một quan đàng cựu của ta trấn đóng...”.

Sách Lược sử Tây Ninh (1986) có lẽ cũng theo các thông tin về khoảng cách đã kể mà xác định Phủ Cũ nằm trên “cánh đồng Bà Lưu”. Tuy nhiên, trên thực tế, đồng Bà Lưu nay chỉ là đồng lúa, ao sen với một cụm gò mả nhỏ của người Việt. Các bậc cao tuổi ở đây xác nhận nơi này xưa nay chưa từng có bờ thành cao hay thành trì gì cả.

Trong khi đó, theo bác sĩ Baurac thì: “đó là khu vực ban đầu mà đường sứ trong lịch sử đi qua…”, và: “Họ lập một phủ ở Phủ Cũ và xây một cây cầu 100 nhịp, mà nay vẫn còn vài trụ cầu…”. Dù có thể không hoàn toàn là sự thật, nhưng Phủ Cũ chắc chắn vẫn còn chứa đựng những điều bí ẩn.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục