BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm gì để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài:

Những vấn đề đặt ra 

Cập nhật ngày: 15/08/2022 - 00:09

BTN - Trung ương và địa phương sớm xác định phát triển KKTCK Mộc Bài theo hướng đa chức năng, gồm công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế; lấy công nghiệp hiện đại làm động lực chính cho sự phát triển.

Khách quốc tế ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài

Vừa qua, trong khuôn khổ hội thảo “Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài theo hướng khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đặt ra một số vấn đề nhằm định hướng phát triển KKTCK này theo hướng công nghiệp - đô thị - dịch vụ cửa khẩu. Các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học cũng nêu lên nhiều quan điểm, giải pháp về việc tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển KKTCK Mộc Bài trong thời gian tới.

“Nâng tầm” Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Theo đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh đề nghị Trung ương quan tâm, đánh giá để xác định Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài là khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, của khu vực, là cực tăng trưởng quan trọng ở khu vực phía Nam, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Với vai trò đó, tỉnh Tây Ninh đề nghị Trung ương quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo từ định hướng, mục tiêu, điều chỉnh quy hoạch cho ngang tầm trong giai đoạn tới đến việc điều phối, phân bổ nguồn lực, phân công, liên kết phát triển cho cả khu vực, cả vùng một cách đồng bộ, hiệu quả.

Trung ương cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho KKTCK Mộc Bài so với các mô hình khu kinh tế cửa khẩu hiện nay. Trong đó, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về đầu tư; cơ chế sử dụng nguồn thu được để lại; chính sách phân bổ, sử dụng đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ áp dụng riêng cho khu kinh tế theo quy hoạch chung xây dựng được duyệt (trong đó, về đất đai không phụ thuộc vào chỉ tiêu phân bổ đất đai như hiện nay, rất bất cập, không còn dư địa để chuyển đổi phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ).

Kế đến, Trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để xử lý các vấn đề trong khu kinh tế liên quan đến quy hoạch cấp chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường... nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian, tạo được sự thông thoáng nhất cho nhà đầu tư.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Trung ương và địa phương sớm xác định phát triển KKTCK Mộc Bài theo hướng đa chức năng, gồm công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế; lấy công nghiệp hiện đại làm động lực chính cho sự phát triển. Trong đó, công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao; năng lượng sạch, đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics kết nối vùng; phát triển du lịch mang tầm cỡ quốc tế... Những yếu tố này bảo đảm cho sự phát triển KKTCK tạo nên cực tăng trưởng mới, có mối quan hệ tương hỗ, phù hợp định hướng phát triển chung của vùng TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Tây Ninh cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, mang tính kết nối vùng, tạo đột phá để khơi thông việc ách tắc giao thông tại các cửa ngõ vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước mắt, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh trong quá trình chuẩn bị và sớm khơi thông đầu tư xây dựng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Về công tác mời gọi đầu tư, tỉnh mong muốn được Trung ương hỗ trợ mời gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển đô thị, dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Về lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp, cần mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, có năng lực tài chính mạnh, có đối tác tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các sản phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động kỹ thuật, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu....

Lãnh đạo tỉnh cũng nêu quan điểm: các dự án chậm triển khai kéo dài tại KKTCK Mộc Bài cần được giải quyết dứt điểm; kiên quyết thu hồi các dự án không còn khả thi, chưa bảo đảm về pháp lý theo quy định…

Phương tiện nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.,

Chú trọng thu hút đầu tư có chất lượng

Đánh giá về bối cảnh tác động đến KKTCK Mộc Bài, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, luồng vốn đầu tư trên thế giới đang có xu hướng rút khỏi các thị trường truyền thống và di chuyển đến các nền kinh tế khác.

Việt Nam đang là một quốc gia có vốn di chuyển đến. Tuy nhiên, việc có thể hấp thu được hay không là một thách thức đối với KKTCK Mộc Bài. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp và khu chế xuất của cửa khẩu bên phía Campuchia hiện đang thu hút nguồn đầu tư khá lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, hiện nay KKTCK Mộc Bài được áp dụng ưu đãi của địa bàn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng những cơ chế, chính sách hiện hành, động lực nào sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của khu trong thời gian tới đây?

Kế đến, bối cảnh hiện nay đang đặt ra cho nhiệm vụ phát triển KKTCK Mộc Bài nói riêng và KKTCK nói chung nhiều thách thức. Giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đưa ra danh sách 8 KKTCK tập trung ưu tiên đầu tư, gồm: 4 khu kinh tế trên tuyến biên giới đất liền giáp Trung Quốc là cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), cửa khẩu tỉnh Lào Cai, cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; tuyến biên giới đất liền giáp Lào gồm KKTCK Cầu Treo (Hà Tĩnh), Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị); tuyến biên giới đất liền tiếp giáp Campuchia gồm KKTCK Mộc Bài (Tây Ninh), KKTCK tỉnh An Giang.

Về chủ trương, quan điểm, các văn bản của Nhà nước có liên quan đều thể hiện coi trọng vị trí địa kinh tế cũng như tiềm năng phát triển của KKTCK Mộc Bài. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách cũng như đầu tư đối với KKTCK này chưa đúng tầm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Một vấn đề khác được đặt ra là cần có những đột phá về cơ chế chính sách, những chủ trương phân cấp mạnh hơn và đặt KKTCK Mộc Bài vào đúng tầm.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các ngành nghề đã thay đổi vị thế và cơ cấu mạnh mẽ. Các ngành nghề mới xuất hiện, cần có những địa bàn thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới trước khi đưa ra áp dụng trên diện rộng, toàn quốc. Vì vậy, đòi hỏi những địa bàn như KKTCK Mộc Bài phải đi tiên phong trong việc thử nghiệm, áp dụng những cơ chế mới đối với những ngành nghề mới, những hoạt động kinh tế mới dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.

Thêm một vấn đề đặt ra và cũng là thách thức lớn hiện nay đối với KKTCK Mộc Bài, đó là: mục tiêu và định hướng phát triển của KKTCK nay hiện không còn phù hợp trong khi sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực về thu hút FDI ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Tình trạng thiếu động lực phát triển và thiếu chính sách phù hợp dẫn đến khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có tầm vóc lớn, có chất lượng ở trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, tầm cỡ quốc tế... càng khiến KKTCK Mộc Bài thêm nhiều khó khăn.

An Khang