Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những việc cần làm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà

Cập nhật ngày: 21/09/2010 - 09:48

Năm học đầu tiên sau ngày giải phóng, Tây Ninh chỉ có 23 trường cấp 1-2 với 15.728 học sinh, 11 trường cấp 3 với 5.245 học sinh. Còn hiện nay, toàn tỉnh có 117 trường mầm non và mẫu giáo; 286 trường tiểu học; 107 trường trung học cơ sở, 31 trường trung học phổ thông; 10 trung tâm giáo dục thường xuyên; 1 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp. Ngoài ra Tây Ninh còn có 3 trường trung cấp nghề. Hằng năm, hơn 99% học sinh trong độ tuổi được vào lớp 1. Hệ thống giáo dục phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên trao học bổng khuyến học cho học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông được tiếp tục học lên trung cấp, cao đẳng và đại học, ngành Giáo dục-Đào tạo đã tăng cường công tác tư vấn cho các em, đặc biệt là các em ở trường vùng sâu, học sinh người dân tộc thiểu số. Hằng năm có từ khoảng 2.500 đến 3.000 lượt học sinh trúng tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010, Tây Ninh có 3.215 lượt thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1.

Những năm qua, toàn tỉnh phát triển khá mạnh loại hình liên kết đào tạo đại học. Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh đã liên kết với 12 trường đại học, cao đẳng trong cả nước đào tạo hơn 3.000 sinh viên đại học, cao đẳng hệ vừa làm vừa học và 1.800 sinh viên hệ đào tạo từ xa.

Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, UBND tỉnh vẫn dành ra hàng chục tỷ đồng xây dựng ký túc xá Tây Ninh trong khuôn viên Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (tại Thủ Đức) để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Tây Ninh học tập. UBND tỉnh đã ban hành quy định về chế độ thu hút nhân tài, hỗ trợ kinh phí học tập với mức cao nhất là 50 triệu đồng cho một nghiên cứu sinh trong nước; có chế độ chính sách cụ thể cho cán bộ, học sinh đi học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước.

Có thể nói, thời gian qua, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà đã đạt được những kết quả quan trọng, bổ sung dần đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu công việc; đảm bảo tương đối đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, loại hình đào tạo theo nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà, trong những năm tới, ngành Giáo dục-Đào tạo Tây Ninh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là tổ chức tốt công tác hướng nghiệp, mở rộng chức năng, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm GDTX và các trung tâm văn hoá- thể thao- học tập cộng đồng. Việc cần làm là tham mưu tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT qua công tác tuyên truyền và đổi mới công tác giáo dục, tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; đầu tư mở rộng quy mô các trường dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp, tạo ra con đường và cơ hội học tập cho người dân; mở rộng chức năng và tạo điều kiện thuận lợi cho trung tâm GDTX các huyện, thị liên kết đào tạo trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp với các trường trong và ngoài tỉnh. Các trường chuyên nghiệp trong tỉnh công khai các tiêu chí xét tuyển, tăng cường cán bộ đến các trường phổ thông tuyển sinh, quan tâm tư vấn cho đối tượng trung học cơ sở nhằm góp phần thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các trung tâm GDTX hoạt động theo 3 chức năng “trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề”. Ngành cũng tăng cường các giải pháp chống tái mù chữ, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của 95 trung tâm văn hoá- thể thao và học tập cộng đồng theo hướng bền vững, linh hoạt, hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân “cần gì học nấy”, học thường xuyên, học suốt đời; tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước nâng dần tỷ lệ tốt nghiệp, trang bị kiến thức cơ bản để các em có thể theo học các trường trung cấp, cao đẳng nghề, giải quyết nhu cầu thiếu hụt nhân lực kỹ thuật hiện nay tại các khu công nghiệp địa phương.

Vấn đề không kém quan trọng tiếp theo là tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo học sinh, sinh viên. Toàn tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách thu hút nhân tài và các chế độ đãi ngộ của tỉnh để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về tỉnh; tiếp tục cụ thể hoá các chính sách hiện có để thu hút con em tỉnh nhà đang học ở các trường đại học, học viện khi tốt nghiệp ra trường về công tác ở tỉnh. Đồng thời mở rộng quy mô đào tạo, tiếp tục củng cố, nâng cấp đào tạo các trường trung cấp chuyên nghiệp. Sở Giáo dục-Đào tạo đã lập thủ tục trình Bộ cho chủ trương nâng cấp Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật thành Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật. Tiếp tục công tác quy hoạch, sắp xếp hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo bằng cách mở các mã ngành mới (như Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật: mở ngành Trắc địa, Kiểm soát và Bảo vệ môi trường; Trung cấp Y tế mở mã ngành Y sĩ đa khoa định hướng y học cổ truyền, Y sĩ đa khoa định hướng dự phòng), mở rộng hình thức đào tạo, gắn đào tạo với sản xuất và dịch vụ, đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương. Tiếp tục thực hiện xét tuyển trong tuyển sinh đào tạo trường trung cấp chuyên nghiệp cho cả học sinh tốt nghiệp THCS và học sinh không tốt nghiệp THPT. Tiếp tục áp dụng chế độ cử tuyển đại học, cao đẳng theo quy định và chỉ tiêu của Bộ Giáo dục-Đào tạo, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có trình độ trung cấp cho vùng sâu, vùng xa.

Văn nghệ tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Sớm đưa trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh đi vào hoạt động, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ, từng bước hoàn chỉnh đề án nâng cấp Trường Trung cấp Nghề lên Cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Y tế lên Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Sư phạm lên Trường Đại học đa ngành trong giai đoạn 2015- 2020 để góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là xây dựng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha thành trung tâm đào tạo học sinh giỏi.

Ngành đã tham mưu và được lãnh đạo tỉnh phê duyệt đề án đầu tư xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha thành mô hình kiểu mẫu để nâng cao chất lượng giáo dục bậc trung học phổ thông. Trường sẽ được xây dựng cơ sở mới với kinh phí ước tính 100 tỷ đồng, có cả khu nội trú. Mục tiêu là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại, định hướng đến năm 2020 đây sẽ là trường THPT chuyên trọng điểm, chất lượng cao của tỉnh.

Sau tiếng trống khai giảng, ngành Giáo dục-Đào tạo Tây Ninh đang bước vào thực hiện năm học với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

ĐỔNG NGỌC LẬP

(Phó Giám đốc Thường trực Sở GD-ĐT)