Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những việc người cao tuổi cần làm để không bị COVID-19 tấn công
Thứ hai: 11:03 ngày 23/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ thực tế diễn biến dịch bệnh COVID-19 cho thấy, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và “gục ngã” khi mắc phải bệnh COVID-19 do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, và đa số người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo. BS. Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị đã có những khuyến cáo hữu ích giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý đường hô hấp ở đối tượng yếu thế này.

Khi hệ miễn dịch “thờ ơ” với tác nhân gây bệnh…

Người cao tuổi, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là người từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay ở Việt Nam, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số lượng người cao tuổi chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Tuổi cao, theo quy luật sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Sự lão hoá còn làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường, tăng khả năng mắc các bệnh lý lây nhiễm từ cộng đồng, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp.

BS. Nguyễn Đặng Khiêm phân tích: Người cao tuổi có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch “thờ ơ” với các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, các hàng rào bảo vệ cơ thể ở đường hô hấp trên (mũi, họng) đáp ứng rất kém, các mầm bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn) thông qua đường hô hấp trên xâm nhập vào đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) dễ dàng và gây bệnh tại đó.

Hệ hô hấp của người cao tuổi “kém” dần theo năm tháng, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém… tất cả những yếu tố đó làm cho hệ hô hấp trở nên suy yếu trước “kẻ thù” là các tác nhân gây bệnh lý đường hô hấp, đó là virus, vi khuẩn, nấm.

BS. Nguyễn Đặng Khiêm thăm khám cho bệnh nhân.

Chuyên gia cấp cứu cũng cho rằng, nếu ở người trẻ tuổi khoẻ mạnh, các tác nhân gây bệnh muốn vào được tới cơ quan hô hấp “sâu nhất” để gây bệnh là phổi thì chúng phải vượt qua được các “hàng rào bảo vệ” ở mũi, họng và khi vào đến phổi chúng sẽ bị “bao vây” rồi tống ra ngoài bởi phản xạ ho, khạc.  Song ở người cao tuổi thì không hoàn toàn là như vậy, bởi lẽ cơ quan hô hấp của người cao tuổi không còn duy trì được các chức năng đó nữa nên họ rất dễ nhiễm và mắc các bệnh lý đường hô hấp, bên cạnh các bệnh lý nền sẵn có (như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…)

Cách nào giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp?

Theo tổng kết của một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa TW, một người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh, con số này sẽ là 6,8 bệnh ở nhóm trên 80 tuổi. Vậy người cao tuổi cần làm gì để có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý đường hô hấp?

Người cao tuổi luôn là đối tượng được quan tâm, chăm sóc tại Việt Nam cũng như trên thế giới, với những cống hiến của họ trong những năm tuổi trẻ, với những kinh nghiệm dày dặn trong cuộc sống hiện tại, họ xứng đáng được xã hội trân trọng, chăm sóc và có những ưu đãi nhất định.

BS. Nguyễn Đặng Khiêm tư vấn, điều đầu tiên, người cao tuổi cần phải nâng cao thể trạng, bao gồm điều trị đúng, đủ và hiệu quả các bệnh lý nền đang mắc, ví dụ kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch...

Ăn đủ chất, uống đủ nước: Người cao tuổi cũng rất cần ăn đủ chất, uống đủ nước, đôi khi chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo cũng làm cho cơ thể thiếu chất, gây suy yếu hệ miễn dịch. Cảm giác khát của người cao tuổi gần như không có, do đó người cao tuổi cần chủ động cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, ít nhất 1,5-2l, không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Hạn chế ra ngoài: Người cao tuổi cũng nên hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá khắc nghiệt (quá lạnh hoặc quá nóng), khi thời tiết thay đổi, khi có dịch bệnh đang lưu hành, đặc biệt là những người có thể trạng yếu, có nhiều bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền chưa được điều trị ổn định.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng lan rộng, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Trong trường hợp có vấn đề về sức khoẻ, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị.

Bệnh nhân được hướng dẫn sát khuẩn tay trước và sau khi đến khám tại BV Hữu Nghị.

Môi trường sống cần thông thoáng: Môi trường sinh hoạt của người cao tuổi nên được thông thoáng, không khí nên được trao đổi, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.

Tránh tập trung đông người, cần giữ vệ sinh chung: Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài, người cao tuổi nên tránh nơi tập trung đông người ở không gian hẹp, nên sử dụng khẩu trang, giấy khô đề phòng ho, khạc, nước sát khuẩn nhanh để vệ sinh tay thường xuyên.

BS. Khiêm cũng cho rằng, các cơ sở khám chữa bệnh cũng nên cân nhắc việc thực hiện cấp thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính tối thiểu 2 tháng/ 1lần, điều này giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, và cũng tạo điều kiện cho người cao tuổi không phải đi lại nhiều, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Trước đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ký văn bản số 1386/BCĐQG gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với người bệnh, người cao tuổi và khai báo y tế điện tử.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều...); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà.
Các cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng).
Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác....

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục