Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được hai bên thoả thuận, thế nhưng sau đó, một bên “phản kèo”, làm cho bên kia gặp không ít khó khăn, thậm chí tài sản bị “đóng băng”.

Nại cớ bị lừa để chiếm đất (!?)
![]() |
(ảnh minh hoạ) |
Ngày 29.6.2009, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lợi và Mai Văn Méo, ngụ ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu vay của vợ chồng ông Trần Quốc Vũ số tiền 3,8 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng bà Lợi không vay được tiền để trả cho ông Vũ. Vì vậy ngày 8.7.2009, họ làm tờ hợp đồng thoả thuận, cam kết đến ngày 8.10.2009, nếu không trả được nợ, sẽ chuyển nhượng 204.024m2 đất cho ông Vũ (trước đây vợ chồng bà Lợi đã thế chấp số đất này cho ông Vũ khi vay tiền).
Quá thời hạn trên, vợ chồng bà Lợi đành phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và được công chứng tại Phòng công chứng số 1 Tây Ninh. Sau đó, vợ chồng bà Lợi tiếp tục làm một hợp đồng thoả thuận giao tài sản cho ông Vũ, với điều kiện ông Vũ cho họ được tiếp tục canh tác vụ mía năm 2009-2010 và vợ chồng bà Lợi giao cho ông Vũ các giấy CNQSDĐ, để thế chấp ngân hàng vay tiền, hằng tháng vợ chồng bà Lợi phải trả lãi suất là 50 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó ông Vũ được cấp giấy CNQSDĐ và đã làm thủ tục chuyển nhượng số đất trên cho bà Nguyễn Thị Tươi và ông Nguyễn Văn Á.
Sau đó, vợ chồng bà Lợi đã gửi đơn thưa ông Vũ ra toà, yêu cầu huỷ các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng bà với ông Vũ. Họ cho rằng các hợp đồng chuyển nhượng nói trên, thực chất chỉ là thế chấp để vay tiền chứ không phải là “mua bán đứt đoạn”. Theo cam kết sau khi thu hoạch mía xong, vợ chồng bà vẫn không giao lại đất, nên ông Vũ đã thưa ra xã. Tại buổi làm việc ở UBND xã Tân Hội ngày 20.1.2011, bà Lợi nại ra lý do không giao đất, là vì trước đây ông Vũ “lừa bà ký tên”, nói là “ký giấy uỷ quyền để ông Vũ đi vay vốn ngân hàng”. Cho đến sau này, họ mới biết là “ký hợp đồng chuyển nhượng đất”. Trên thực tế, vợ chồng bà chỉ vay 3,8 tỷ đồng, nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng đất lại ghi đến 5,1 tỷ đồng. UBND xã khẳng định ông Vũ đã chuyển nhượng QSDĐ cho bà Tươi, ông Á và họ đã được UBND huyện Tân Châu cấp giấy CNQSDĐ. UBND xã thông báo cho vợ chồng bà Lợi biết, nếu trong thời gian 1 tháng, không có cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn quyền sử dụng đất của bà Tươi, ông Á thì xã sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên quá thời hạn trên, nhưng bà Lợi vẫn không giao đất, nên UBND xã lập biên bản về việc bà Lợi có hành vi chiếm đất. Đến ngày 8.2.2011, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý vì vượt quá thẩm quyền của huyện. Sau đó, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai đối với bà Lợi, số tiền phạt là30 triệu đồng.
Ký hợp đồng chuyển nhượng, nhưng không biết rõ nội dung?
Bài liên quan: |
Vào cuối năm 2009, do làm ăn không hiệu quả, lại đến kỳ đáo hạn ngân hàng nên bà Lê Thị Thuý (ngụ xã Tân Hà, huyện Tân Châu) qua giới thiệu của một người tên Trí, đến gặp vợ chồng bà Phạm Thị Kiều Trang (thị xã Tây Ninh) để vay số tiền gần 5 tỷ đồng. Và bà Trang đặt điều kiện bà Thuý phải giao thêm tài sản để đảm bảo. Vì vậy, bà Thuý phải giao 16 giấy CNQSDĐ, với tổng diện tích 34 ha, đồng thời làm hợp đồng thế chấp tài sản với số nợ 8 tỷ đồng (Số tiền vay 5 tỷ, trả nợ thay cho bà Thuý tại Thi hành án và các khoản nợ khác). Sau đó, vợ chồng bà Thuý ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Trang, Phạm Diễm Phúc Hậu, Lê Thị Thu Thảo… tại Phòng Công chứng Nguyễn Gia Thôn. Ngày 20.1.2011, họ được UBND huyện Tân Châu cấp giấy CNQSDĐ với tổng diện tích 18,8 ha.
Ngày 5.4.2011, một đương sự khác là bà Lâm Thị Ngọc Hiền được các chủ sở hữu QSDĐ nêu trên uỷ quyền đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) huyện Tân Châu làm thủ tục chuyển quyền sử dụng 18,8 ha cho ông Hà Văn Thuần và Hà Xuân Luỹ. Hợp đồng đã được công chứng. Tuy nhiên, UBND huyện Tân Châu chưa ký duyệt thủ tục chuyển nhượng QSDĐ cho bà Hiền, với lý do bà Thuý có đơn khiếu nại cho rằng việc chuyển nhượng này “có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Bà Thuý cho PV biết, thực chất bà ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là “để làm tin vay mượn”, chứ không chuyển nhượng. Dù ký hợp đồng chuyển nhượng với bà Trang, nhưng không biết rõ nội dung trong hợp đồng (!?). Trong đơn khiếu nại, bà Thuý còn cho rằng cán bộ văn phòng ĐKQSDĐ làm “sai quy định pháp luật”, “có dấu hiệu tiêu cực”.
Cán bộ VPĐKQSDĐ có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
![]() |
(ảnh minh hoạ) |
Trao đổi với PV, bà Hiền, ông Bùi Phúc Thạch – chuyên viên Văn phòng UBND huyện Tân Châu khẳng định, UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ cho vợ chồng bà Trang là hoàn toàn hợp pháp. Sau đó, khi bà Hiền (đại diện bà Trang) làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ cho người khác, UBND huyện giao cho Văn phòng ĐKQSDĐ thẩm tra và báo cáo hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, cùng lúc đó, UBND huyện nhận đơn thưa của bà Thuý, tố cáo một cán bộ Văn phòng ĐKQSDĐ tiếp tay cho bà Trang chiếm đất, nên UBND huyện cho ngưng việc chuyển nhượng QSDĐ. Ông Thạch cho biết, vụ việc đã được đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra, vì bà Thuý có đơn tố cáo cán bộ này tiêu cực. Việc bà Thuý và bà Trang tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, UBND huyện hướng dẫn bà Thuý kiện ra toà giải quyết theo thẩm quyền.
Vụ việc làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ của bà Hiền, UBND huyện có Công văn số 210/UBND ngày 15.4.2011, gửi hai xã Tân Hà, Tân Hội yêu cầu báo cáo việc bà Trang sang nhượng đất “có trực tiếp hay gián tiếp quản lý và tổ chức sản xuất hay không” hoặc “có nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào hay không” để củng cố thêm cho việc cấp giấy CNQSDĐ cho đương sự. Trong hồ sơ chuyển lên Văn phòng ĐKQSDĐ, UBND xã chỉ ký xác nhận của đương sự là đất không tranh chấp. Còn theo yêu cầu của huyện phải xác minh có trực tiếp sản xuất hay không, trong báo cáo gửi huyện, Chủ tịch UBND xã Tân Hà, Nguyễn Thiện By chỉ nêu: “qua xác minh từ trưởng ấp, thấy hằng ngày có người đến canh tác, sản xuất nhưng không biết họ là ai”. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, Dương Quý Hà thì cũng chỉ có báo cáo rằng, “những chủ sử dụng đất lân cận cho biết có công đến làm, nhưng không rõ ai canh tác trên đất”.
Trong vụ việc này, bà Hiền cho rằng chính quyền địa phương “đã làm khó người dân” khi biến vụ việc dân sự trở thành hình sự (!?).
ĐỨC TIẾN
(Còn tiếp)