Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những vướng mắc trong quy hoạch phát triển đô thị thành phố Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 11/11/2017 - 07:30

BTN - Việc tính toán quy mô theo sức chứa đã trở nên lạc hậu. Việc lập quy hoạch chỉ đơn thuần về không gian và sử dụng đất, chưa nghiên cứu thấu đáo những vấn đề liên quan như tác động của quy hoạch đến đời sống xã hội- nhất là tầng lớp thu thập thấp, kinh tế đô thị, tài chính đô thị, biến đổi khí hậu…

Lắp đặt đường ống cấp nước trong Dự án mở rộng, nâng cấp đường 30.4, TP Tây Ninh. Ảnh: Ð.H.T

Ngày 29.12.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135 thành lập 2 phường Ninh Thạnh, Ninh Sơn và công nhận thị xã là thành phố Tây Ninh với 7 phường, 3 xã, diện tích 1.400km2, dân số quy đổi là 165.000 người.

Từ khi được công nhận là Thành phố - đô thị loại III, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tây Ninh đã rất nỗ lực thực hiện những dự án chỉnh trang đô thị, diện mạo Thành phố thay đổi theo hướng tích cực, nhiều lĩnh vực phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập.

Quy hoạch phát triển đô thị của Thành phố

Năm 2013, để chuẩn bị các điều kiện để được công nhận là đô thị loại III, UBND tỉnh phê duyệt Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1591/QÐ-UBND). Theo đó, đô thị được định hướng phát triển chính theo hướng Ðông Bắc, dựa vào thế núi Bà Ðen để làm điểm tựa cho sự phát triển, khai thác yếu tố cảnh quan và văn hoá vùng miền đặc trưng.

Ðồ án đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu rất bài bản, xác định được chiến lược phát triển, làm rõ vị thế và khả năng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố trong bối cảnh chung của tỉnh. Ðây là một quy hoạch tốt, lý tưởng để Thành phố phát triển xứng tầm một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Tây Ninh và là điểm nhấn trong vành đai của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, để đưa công tác quản lý quy hoạch đô thị đi vào nền nếp, UBND tỉnh đã phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Cùng với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng thì quy chế là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đô thị.

Trên cơ sở quy hoạch chung, Thành phố đã lập 13 quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và các quy hoạch khác, trong đó có 5 quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 4 quy hoạch chi tiết, 2 quy hoạch lĩnh vực tài nguyên - môi trường... Thành phố cũng rà soát, kiến nghị tỉnh xoá quy hoạch các cụm công nghiệp Bình Minh, Tân Bình và Thạnh Tân; điều chỉnh cục bộ 45 nội dung của quy hoạch chi tiết; loại khỏi danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh 6 quy hoạch dự án khu nhà ở và khu tái định cư...

Những vướng mắc trong quá trình thực hiện

Ðể thực hiện các quy hoạch đô thị, tháng 10 năm 2015, Thành phố mở hội nghị công bố quy hoạch và công khai quy hoạch bằng pa-nô tại trụ sở UBND các phường, xã và trên cổng thông tin điện tử; đồng thời lấy quy hoạch làm căn cứ phục vụ công tác quản lý đất đai, thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng…

Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch và hoàn thiện các quy hoạch cho đầy đủ theo quy định pháp luật phải cần có nguồn kinh phí khá lớn. Do vậy, có những quy hoạch chưa xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết... nên chưa triển khai được, trở thành “quy hoạch treo”, gây bất lợi cho người dân.

Mặt khác, do sự phát triển của đô thị, nên hằng năm, Thành phố phải điều chỉnh cục bộ các quy hoạch- từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm điều chỉnh trên dưới 15 dự án. Có những dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhiều năm nhưng do không kêu gọi được nhà đầu tư nên lãnh đạo tỉnh phải xoá quy hoạch như:

Dự án chung cư cao tầng khu dân cư số 1, phường 3; Dự án khu dân cư khu phố 1, 2 phường 2 (phân khu 2); Dự án khu dân cư khu phố 1, 2 phường 2 (phân khu 3); Dự án dân cư tái định cư an sinh xã Bình Minh và Dự án khu dân cư số 2, phường 3. UBND Thành phố đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch và công bố quy hoạch mới để giúp người dân được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ về nhà ở, đất ở, ổn định cuộc sống lâu dài.

Thế nhưng, Thành phố gặp phải khó khăn là phải điều chỉnh toàn diện các quy hoạch mới có thể khắc phục cơ bản tình trạng những dự án bất hợp lý, không còn tính khả thi, trong khi đó nguồn ngân sách thì có giới hạn. Cụ thể như kinh phí quy hoạch phân khu 4, 5, 7 đã được phê duyệt từ năm 2013 nhưng đến nay tỉnh mới chỉ cấp được khoảng 40% (chưa tính kinh phí cắm mốc quy hoạch), nên chưa công bố trên thực địa được.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá nhanh, nhu cầu nhà ở đô thị cũng tăng, làm cho thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh. Nhiều chủ đất có diện tích đất lớn đã tiến hành chuyển đổi mục đích để tách thửa bán cho những người có nhu cầu mua đất cất nhà như dọc theo các trục đường Nguyễn Chí Thanh, Dương Minh Châu...

Từ đó dẫn đến tình trạng xây dựng không đúng quy hoạch. Như khu dân cư số 2, phường 3 là khu quy hoạch y tế, giáo dục và dân cư, nhưng trong quá trình phát triển, đã có dự án nhà ở đô thị xây dựng liền kề, thực hiện sai nội dung trong giấy phép; cũng có dự án chưa lập dự án đầu tư xây dựng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, được ngành chức năng phê duyệt (theo Khoản 6, Ðiều 2, Nghị định số 59/2015 của Chính phủ), nên đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép xây dựng.

Cần nâng cao chất lượng quy hoạch

Có nhiều nguyên nhân phát sinh những khó khăn, hạn chế trong công tác phát triển đô thị ở thành phố Tây Ninh.

Theo lãnh đạo Thành phố, nguyên nhân trước tiên là do thời gian lập và duyệt quy hoạch đô thị kéo dài, nhiều giai đoạn- từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết (chưa kể thiết kế đô thị riêng và chưa kể thời gian chờ báo cáo, thẩm định, phê duyệt...). Trong trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch thì chu trình lập lại sẽ tiếp tục kéo dài do thời gian chờ đợi.

Bên cạnh đó, việc xin ý kiến cộng đồng còn mang tính hình thức và chưa được quan tâm đúng mức. Phương pháp lập quy hoạch nghiên về số học, nặng về các chỉ tiêu, chưa bám sát nhu cầu thực tế, nên thiếu tính khả thi và phải điều chỉnh liên tục. Việc tính toán quy mô theo sức chứa đã trở nên lạc hậu.

Việc lập quy hoạch chỉ đơn thuần về không gian và sử dụng đất, chưa nghiên cứu thấu đáo những vấn đề liên quan như tác động của quy hoạch đến đời sống xã hội- nhất là tầng lớp thu thập thấp, kinh tế đô thị, tài chính đô thị, biến đổi khí hậu… Ngoài ra, công cụ trong việc đánh giá hiện trạng và dự báo phát triển còn thiếu cho nên tính khoa học, logic, tính chiến lược và toàn diện trong quy hoạch chưa cao.

Lãnh đạo Thành phố khẳng định: “Ðể có một đô thị thu hút, đô thị văn minh, thân thiện, tạo động lực phát triển bền vững, chúng ta đã có chủ trương đúng là điểm tựa, vấn đề còn lại là chuyên môn sâu về quy hoạch xây dựng. Cần phải có những người làm quy hoạch giỏi, tham mưu đúng, để lãnh đạo có những chủ trương, quyết sách phù hợp, từ đó tạo đà cho thành phố Tây Ninh vươn lên đúng tầm thời đại”.

KỲ Ý