Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Tây Ninh được tổ chức 2 năm/lần, nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua 2 năm phát động, Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 12 năm 2020-2021 tiếp nhận 121 giải pháp dự thi.
Máy gắp mía thuỷ lực đang hoạt động dưới chân núi Bà Đen- sản phẩm đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh Tây Ninh lần thứ 12, năm 2020-2021
Kết quả, có 35 giải pháp đạt giải, gồm 4 giải Nhì (không có giải Nhất), 12 giải Ba và 19 giải Khuyến khích. Các giải pháp đạt giải là những giải pháp giàu sáng tạo, mang lại hiệu quả trong đời sống.
Theo đó, trong lĩnh vực “Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông” có 7 giải pháp dự thi, đạt 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Trong kỳ thi này, số lượng giải pháp dự thi ở lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông bằng với Hội thi lần thứ 11 nhưng phong phú hơn về đề tài (ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý trồng dược liệu, phát thanh - truyền hình, sinh hoạt đời sống…).
Giải pháp “Hệ thống hỗ trợ và đánh giá Toán cấp THPT qua môi trường internet” (giải Ba) của nhóm tác giả: Mai Văn Thành, Võ Thuý Kiều (Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế - xã hội Tây Ninh), Nguyễn Thị Kim Ngân (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Tây Ninh), Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường cao đẳng Lý Tự Trọng - TP. Hồ Chí Minh) là đề tài có đầu tư trên môi trường web và tham khảo các web khác về tính khoa học của môn Toán.
Nhóm tác giả đã xây dựng được các lớp bài toán và thuật giải mang tính sáng tạo; thiết kế ma trận soạn đề thi theo nhóm bài học, tuỳ chỉnh được độ khó trong chuẩn kiến thức. Bên cạnh đó, đề tài giúp học sinh học tập trực tuyến hiệu quả hơn.
Đặc biệt, hệ thống sử dụng phiên bản không thu phí, có thể ứng dụng đánh giá các môn học tương tự như Lý, Hoá (theo đánh giá của Hội đồng chấm thi, hiện nay giáo viên chưa làm được các bài toán và thuật toán này trong ứng dụng công nghệ thông tin ở Tây Ninh).
Các giải pháp: “Ứng dụng mã hoá dữ liệu MD5 trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình” (giải Khuyến khích) của Phạm Văn Tình, Nguyễn Ngọc Minh (Đài PT-TH Tây Ninh) xây dựng một phần mềm riêng, sử dụng mã nguồn mở để kiểm tra sự vẹn toàn dữ liệu các chương trình sản xuất hoặc có quyền sở hữu trước khi phát sóng; hay giải pháp “Cây dược liệu ở Tây Ninh - bảo tồn và phát triển qua hệ thống quản lý QR code” (giải Khuyến khích) của Trần Phong Vũ (Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh) là một ứng dụng mới trong lĩnh vực nông nghiệp và y học của tỉnh; cung cấp thông tin chính xác, chọn lọc có giá trị về 110 cây giống dược liệu.
Lĩnh vực “Cơ khí tự động hoá, xây dựng, giao thông vận tải” có 30 giải pháp dự thi; đạt 7 giải, gồm 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Đây là lĩnh vực có nhiều giải pháp dự thi và đạt giải cao, nhưng chỉ tập trung ở giải pháp cơ khí tự động hoá (không có xây dựng và giao thông vận tải).
Các tác giả đạt giải trong lĩnh vực này hầu hết là những nhà sáng tạo không chuyên, lần đầu tham gia hội thi. Điển hình, giải pháp “Mô hình máy gắp mía thuỷ lực” (giải Ba) của Thi Khánh An (ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) là một sáng tạo độc đáo với bộ phận gắp mía cơ cấu bằng thuỷ lực, có thể xoay 3600, cấu hình gọn nhẹ, thuận lợi cho việc gắp mía lên xe tải một cách cơ động, phù hợp với nhiều địa hình.
Giải pháp “Mô hình máy phay CNC 4 trục” (giải Nhì) của nhóm tác giả Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh (Khuất Anh Vũ, Nguyễn Khoa Huân, Nguyễn Thanh Thảo, Hồ Văn Nguyên, Nguyễn Xuân Hưng) là mô hình ứng dụng từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của trường, từng đạt giải Nhì “Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2019”.
Mô hình này giúp học sinh, sinh viên tiếp cận và hình thành kỹ năng vận hành tốt máy phay CNC thật thông qua mô hình máy phay CNC, từ đó tránh hư hao, hỏng hóc máy phay CNC thật vốn rất đắt tiền, góp phần làm giảm chi phí giảng dạy...
Lĩnh vực “Nông, lâm, thuỷ sản, tài nguyên và môi trường” là lĩnh vực tập trung nhiều giải pháp dự thi nhất và có khá nhiều giải thưởng (56 giải pháp dự thi, đạt 13 giải, gồm 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 10 giải Khuyến khích).
Nét mới của Hội thi lần này là ở lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, ngoài lực lượng nông dân tham gia từ chính những sáng tạo mang tính trải nghiệm thực tiễn, thì có khá nhiều cán bộ, viên chức, thanh niên ở các đơn vị, trung tâm nông nghiệp, doanh nghiệp khoa học tham gia bằng các mô hình, quy trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt chuyển giao hiệu quả cho nông dân, mang tính ứng dụng vào thực tiễn.
Giải pháp “Hiệu quả mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên ao nổi” (giải Nhì) của nhóm tác giả Nguyễn Văn Giàu (ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), Nguyễn Văn Giàu (Hội Nông dân huyện Tân Biên) và Phạm Thị Thu Hiền (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh) là một trong những mô hình đầu tiên nuôi cá chạch lấu thương phẩm trên ao nổi lót bạt và cho cá sinh sản thành công với quy mô lớn tại Tây Ninh (1.400m
Lĩnh vực “Y dược” có số lượng đề tài tham dự ít nhất (3 giải pháp), nhưng là lĩnh vực đạt kết quả cao nhất với 2 giải Nhì. Giải pháp “Thiết kế sử dụng bộ khung nắn cố định xuyên da trong phẫu thuật đóng đinh nội tuỷ kín gãy thân xương đùi” của bác sĩ Phan Dương Minh (Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã khắc phục được những hạn chế của phương pháp phẫu thuật cũ (kẹp nắn trên bàn chỉnh hình, sửa ổ gãy bằng tay hoặc bằng khăn vải; kéo dài thời gian phẫu thuật, phải kiểm tra C Arm nhiều lần làm cho phẫu thuật viên và người bệnh phơi nhiễm cao tia X) bằng việc thiết kế và sử dụng bộ khung nắn cố định xuyên da trong đóng đinh nội tuỷ kín, thiết kế trên 2 mặt phẳng cố định vững chắc, không làm tổn thương xương vì không khoan qua 2 vỏ xương, ít nhiễm trùng với đường mổ nhỏ, tỷ lệ truyền máu ít, thẩm mỹ hơn mổ hở; tỷ lệ phẫu thuật thành công cao (97,6% qua 41 ca phẫu thuật tại BVĐK Tây Ninh); không biến chứng, chi phí thấp, bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm tải tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Giải pháp “Quy trình sản xuất nước rửa tay bổ sung Polyphenol từ dịch trích ly vỏ và hạt mãng cầu Tây Ninh” của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh (Nguyễn Thị Hiếu Trang, Nguyễn Văn Lai, Trần Thị Thuý Vy) là sản phẩm ra đời từ phòng thí nghiệm nhưng mang tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hoá. Nhóm nghiên cứu đã tận dụng vỏ và hạt mãng cầu là phế - phụ phẩm từ các nhà máy chế biến nước ép trái cây trên vùng nguyên liệu sẵn có của cây mãng cầu Tây Ninh để sản xuất Polyphenol với quy mô lớn, kết hợp chất nền làm gia tăng tác dụng diệt khuẩn cao hơn nước rửa tay thông thường nhưng không làm hại da; dùng sát khuẩn tay nhanh không cần rửa lại bằng nước, tiện lợi cho người sử dụng, mang ý nghĩa thiết thực trong công tác phòng bệnh (sản phẩm đã kiểm nghiệm đạt chất lượng và được Trung tâm KH&CN tặng cho nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, các chốt kiểm soát phòng dịch, các trường học trong tỉnh…). Lĩnh vực “Giáo dục và đào tạo” có 16 giải pháp dự thi, đạt 6 giải thưởng, gồm 4 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Các giải pháp dự thi của ngành GD&ĐT được tuyển chọn từ sáng kiến cấp tỉnh; cấp ngành của các trường trong tỉnh; trải đều ở các cấp học và nội dung đề tài thể hiện những vấn đề trọng tâm, đổi mới của ngành giáo dục tỉnh nhà: sách giáo khoa mới, dạy học online, giáo dục đạo đức và thể chất học đường… Lĩnh vực Tổ chức – Quản lý có ít giải pháp tham gia (8 giải pháp), đạt 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Hầu hết các giải pháp dự thi là của ngành Giáo dục, tập trung cho các đề tài: Bảo vệ môi trường, Xây dựng đơn vị - trường học xanh sạch đẹp, với các giải pháp: “Xây dựng cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo xanh, sạch, đẹp và an toàn” (giải Ba) của các tác giả Trương Công Thức, Phạm Đình Tứ (Sở GD&ĐT) và “Nâng cao hiệu quả giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp của Hiệu trưởng Trường TH Trường Đông A, thị xã Hoà Thành” (giải Ba) của Lê Minh Trí; “Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” của Nhan Hoa Phương, Nguyễn Thị Lan Phương (Sở GD&ĐT); phòng, chống tai nạn đuối nước với “Giải pháp đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh Trường TH Truông Mít B” (giải Khuyến khích) của Lê Thành Nhân và Nguyễn Xuân Liệt; các vấn đề khác về an toàn vệ sinh thực phẩm trường học, giáo dục giới tính, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tham gia cuộc thi KHKT học sinh THPT, xây dựng trường học xanh sạch đẹp… Căn cứ chất lượng, nội dung và khả năng ứng dụng của các giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh lần thứ 12, Ban Tổ chức đã xét chọn 10 giải pháp (trong số 16 giải pháp đạt giải Nhì và giải Ba) tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021). Với những kết quả tích cực, Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 12 năm 2020-2021 tiếp tục khẳng định là nơi hội tụ, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khơi dậy phong trào quần chúng tiến công vào khoa học kỹ thuật. Đối tượng đa dạng, phong phú thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi tham gia, đóng góp tích cực vào việc áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hải Âu