BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án Bệnh viện tâm thần:

Niềm mong đợi của nhiều gia đình người bệnh

Cập nhật ngày: 23/01/2015 - 07:58

Phối cảnh Bệnh viện tâm thần Tây Ninh.

Theo thống kê kết quả khảo sát nhu cầu chăm sóc người tâm thần nặng năm 2014 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Tây Ninh có 4.690 gia đình có người bị bệnh tâm thần nặng với tổng số người bệnh là 4.711 người.

Trong đó có đến 1.057 người trong độ tuổi từ 25 đến 34 và có đến 2.865 người chưa có vợ, có chồng. Một điều đáng quan ngại qua kết quả khảo sát là có đến 806 người bị bệnh tâm thần nặng đi lang thang ngoài đường, 663 người có biểu hiện đập phá, 172 người có biểu hiện đánh người…

Tuy nhiên, chỉ có 2.877 người bị bệnh tâm thần nặng có uống thuốc hằng ngày, trong đó 1.759 người uống thuốc do Nhà nước cấp và gia đình có mua thêm thuốc điều trị. Có 1.118 người bị bệnh tâm thần do gia đình tự lo thuốc men điều trị hoàn toàn và có đến 1.843 người không có uống thuốc hằng ngày.

Đợt khảo sát cho thấy trong số các hộ gia đình của 4.711 người bị bệnh tâm thần nặng, chỉ có một số hộ (thân nhân của 238 người bệnh) đề nghị đưa con em mình vào trung tâm chăm sóc người bệnh tâm thần. Có 1.788 người bệnh tâm thần được gia đình đề nghị cấp thuốc chữa bệnh (đối với người bệnh chưa được cấp thuốc của nhà nước) và 407 trường hợp đề nghị được trợ cấp xã hội hằng tháng.

Những số liệu trên cho thấy nhu cầu chăm sóc y tế cho người bị bệnh tâm thần ở Tây Ninh rất lớn. Thế nhưng Tây Ninh lại chưa có bệnh viện chuyên khoa về điều trị bệnh tâm thần để chăm lo cho những người không may mắn.

Qua tìm hiểu, những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả khi chẳng may có người thân bị bệnh tâm thần họ còn có điều kiện để đưa người bệnh đi chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (ở Đồng Nai). Còn những gia đình nghèo, khó khăn chỉ biết trông chờ vào thuốc điều trị do Nhà nước cấp phát. Khi người nhà trở bệnh nặng, các gia đình cũng chỉ biết trông cậy vào cơ quan chức năng về việc làm hồ sơ, thủ tục đưa người bệnh đi bệnh viện điều trị.

Có hộ có đến 2 người bị bệnh tâm thần nhưng hoàn cảnh rất khó khăn như một trường hợp ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành mà trước đây báo Tây Ninh từng có bài phản ánh; cả hai anh em trai bị bệnh tâm thần sống cùng với cô em gái. Một người thường xuyên bỏ đi lang thang, một người lâu lâu “lên cơn” lại lấy dao lam rạch mặt mình.

Cô em gái đi làm thuê để lo việc mưu sinh, thu nhập còn chưa đủ sống nên không có khả năng đưa 2 người anh đi điều trị, bởi chỉ riêng chi phí đi lại từ Tây Ninh sang Đồng Nai và ngược lại cũng đã khá tốn kém. Thời gian qua ở Tây Ninh từng xảy ra những vụ án đau lòng mà thủ phạm chính là người bệnh tâm thần, điều đó làm cho nhiều người trở nên quan tâm, lo ngại hơn về việc điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh tâm thần.

Điều mong đợi của nhiều người hiện nay là Tây Ninh có được một bệnh viện chuyên khoa về tâm thần. Nếu có bệnh viện chuyên khoa tâm thần tại tỉnh, các gia đình không may có người mắc bệnh tâm thần sẽ giảm bớt khó khăn trong việc đưa con em đi điều trị.

Theo lời một vị lãnh đạo Chi cục Bảo trợ xã hội tỉnh, do Tây Ninh chưa có trung tâm chăm sóc, điều trị người bệnh tâm thần nên Chi cục phải làm công văn để gửi người bệnh tâm thần nặng đến các trung tâm ở tỉnh Long An và Tiền Giang. Tuy nhiên số lượng người bệnh tâm thần được Chi cục gửi đi tỉnh bạn điều trị còn rất ít, năm 2013 chỉ có 3 người được gửi đến Tiền Giang và năm 2014 chỉ có 9 người được gửi đến Long An.

Được biết vừa qua, Trung tâm Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Tây Ninh đã lập xong dự án xây dựng bệnh viện tâm thần của tỉnh. Theo đó bệnh viện sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 3 ha tại đường Nguyễn Hữu Thọ, phường 3, thành phố Tây Ninh. Hiện dự án đang chờ UBND tỉnh xem xét thông qua.

THIÊN TÂM