Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực hiện phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế là quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh để nông dân (chiếm gần 80% dân số) làm giàu trên mảnh đất của mình. Qua hơn một năm triển khai, quyết tâm đó đang được thể hiện bằng những hành động cụ thể.
Chăm sóc mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP tại vườn mãng cầu của ông Huỳnh Biển Chiêu. Ảnh: Q.QUÝ
Nói đi đôi với hành động
Vào đầu năm 2017, trước hơn 500 đại biểu, gồm nhiều quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước, khách mời quốc tế, các đối tác, doanh nghiệp cả nước dự hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình thí điểm tại Tây Ninh”, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang đã phát biểu hàm ý về trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền trước cuộc sống của người dân, cụ thể hơn là nông dân.
Làm thế nào để nông dân có thể giàu lên từ mảnh đất của mình? Ông ví von, viết tắt của chữ Tây Ninh là “TN”, mọi người cũng có thể hiểu là “TRÁCH NHIỆM”, nghĩa là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải tìm giải pháp để gỡ cái khó khăn bao năm nay của nông dân.
Và quyết tâm triển khai thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp là một giải pháp, một lời hứa của người lãnh đạo cao nhất tỉnh với nông dân của mình. Và lời hứa đó đang được hiện thực hoá bằng những hành động, việc làm cụ thể.
“Tây Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Vì thế, tỉnh cần lựa chọn đối tượng sản xuất phù hợp, thực hiện các chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp triển khai các mô hình nông nghiệp cao mang lại hiệu quả kinh tế cao”. (Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
Việc đầu tiên của lãnh đạo tỉnh là thành lập “tổ đặc nhiệm” nhằm thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2017-2021 về lĩnh vực nông nghiệp.
“Tổ đặc nhiệm” do đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nông nghiệp Trần Văn Chiến làm nhóm trưởng, lãnh đạo các sở liên quan, doanh nghiệp làm thành viên để “chuyên tâm” thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao.
Hiệu ứng từ hội thảo mang tầm quốc tế cũng lập tức lan toả đến hàng nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Dương Minh Châu, hội nghị triển khai đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản hội nhập thị trường thế giới tỉnh Tây Ninh nhận được sự hưởng ứng của hàng nghìn nông dân.
Lâu nay, nông dân Dương Minh Châu được biết đến là những người cần mẫn, chịu thương chịu khó nhưng vẫn chưa vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Đánh giá về việc triển khai chuỗi giá trị nông nghiệp trên địa bàn, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương cho biết: “Nông dân của huyện vui lắm, như thể họ gặp một cơn mưa rào trút xuống cánh đồng bị khô hạn lâu nay của họ vậy”.
Bao năm nay, người nông dân không băn khoăn nhiều về năng suất. Khó khăn nhất của họ chính là công nghệ chế biến cũng như thị trường tiêu thụ. “Gánh nặng” đó đã được trút bỏ khi Công ty TNHH Lavifood động thổ xây dựng nhà máy tại huyện Gò Dầu, với tổng đầu tư 1.500 tỷ đồng, bao tiêu sản phẩm trái cây, rau quả cho nông dân Tây Ninh.
Sự ra đời của nhà máy là kết quả của chương trình kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Tây Ninh mà Hội thảo quốc tế phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập vào thị trường quốc tế làm cầu nối. Tìm được thị trường tiêu thụ là cơ sở để nông dân tin tưởng đầu tư vào các dự án nông nghiệp lớn hơn trong tương lai.
Nói về điều này, Bí thư Trần Lưu Quang từng nhấn mạnh: “Để nông dân tin tưởng, yên tâm sản xuất, chúng ta sẽ đi làm nông nghiệp theo quy trình ngược, tức là tìm được thị trường, đầu mối tiêu thụ chế biến rồi mới triển khai cho nông dân sản xuất”.
Song song đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng chủ động đề xuất, tham mưu nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, đề án thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu nằm trong danh mục quy định ưu tiên có quy mô từ 50 ha trở lên được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống; cơ sở sản xuất giống cây mắc-ca quy mô 500 nghìn cây giống/năm trở lên có mức hỗ trợ cao nhất 70% chi phí đầu tư/cơ sở.
Về hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy nông sản, công suất ít nhất 150 tấn sản phẩm/ngày, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ hai tỷ đồng/dự án đối với sấy lúa, bắp, khoai; hỗ trợ không quá 60% chi phí và tổng mức không quá 5 tỷ đồng/dự án để nhà đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản...
Và để bảo đảm tính bền vững, cam kết lâu dài, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đặt ra một số yêu cầu như: các nhà đầu tư phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định, giá trị sản phẩm sau chế biến tăng ít nhất hai lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP và trồng tập trung với diện tích từ 10 đến 20 ha trở lên, công suất chế biến đạt 20 tấn sản phẩm/ngày; có vùng nguyên liệu bảo đảm ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu…
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Đức Trong, trước mắt, tỉnh đã chuẩn bị quỹ đất sạch khoảng 1.000 ha để chào đón các nhà đầu tư, theo thời gian, diện tích này sẽ tăng lên tương ứng khoảng 15.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030.
Trong giai đoạn 2017-2020, các nhà đầu tư cam kết đầu tư vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh với tổng vốn hơn 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã đến tìm hiểu tại địa phương, song với quan điểm phát triển bền vững, tỉnh sẽ xem xét kỹ lưỡng để “chào đón” những nhà đầu tư thực sự có tâm, có tầm để cùng với tỉnh phát triển ngành nông nghiệp.
Có thể thấy, dù mới hơn một năm triển khai, nhưng sự hưởng ứng của nông dân trên địa bàn tỉnh rất tích cực. Nhiều nông dân đã bỏ số vốn hàng tỷ đồng để “đón đầu” chủ trương thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh.
Khi nông dân tin tưởng
Trong tỉnh, nhắc đến nông dân trồng mãng cầu, nhiều người hẳn biết đến cái tên Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh). Sản phẩm mãng cầu của ông Chiêu đã lên sạp siêu thị ở Sài Gòn, Hà Nội và cả xuất khẩu.
Ông Chiêu cho hay, trước đây, ông chỉ triển khai mô hình trồng mãng cầu VietGAP khoảng 5 ha vì thị trường khó tiêu thụ, nhưng năm qua, ông đã mạnh dạn triển khai tổng cộng hơn 20 ha. Ông Chiêu giải thích: “Sản phẩm của mình nếu bảo đảm chất lượng, sạch, sản xuất bằng cái tâm thì đối tác sẽ tin, thị trường sẽ chấp nhận”.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Nhành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cho biết: “Sản xuất nông nghiệp “bẩn” bây giờ không khó, thậm chí lãi cao, nhưng nếu như thế chúng ta lại làm trái lương tâm của mình. Nông nghiệp sạch mới là nông nghiệp bền vững”.
Với quan điểm đó, hiện nay, toàn bộ diện tích lúa (120 ha), bắp (135 ha) đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhờ có uy tín, HTX Bàu Đồn từ chỗ chưa tới 20 hội viên năm 2016, đến cuối năm 2017 đã có tổng cộng 39 hội viên tham gia để cùng hợp tác sản xuất.
Là đơn vị được Tỉnh uỷ giao triển khai thực hiện thí điểm dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng xoài Úc xen chanh dây trái tím Đài Loan, Công ty TNHH MTV Thanh niên Xung phong Tây Ninh đang triển khai 75 ha tại huyện Tân Châu.
Để thực hiện được dự án này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh niên Xung phong Tây Ninh Nguyễn Anh Huy cho biết, đơn vị đã liên tục đi tham quan thực tế các vườn cây tại Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia lai, Trung tâm Công nghệ cao Tỉnh Khánh Hoà, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, thăm dây chuyền sản xuất rau củ quả của nhà máy Lavifood Long An, vườn xoài Úc của Công ty Huy Long An, các vườn trồng chanh dây tại Tân Biên, Tân Châu… để tìm ra giống cây thích hợp.
Đây là một trong những dự án thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, nên đơn vị đặt trọng tâm là chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sạch theo quy định. Cũng đi theo hướng sản xuất sạch, anh Nguyễn Thành Chiến, 30 tuổi, ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, lúc đầu triển khai thí điểm mô hình trồng rau thuỷ canh trên diện tích chỉ 80m2 nhưng khi thấy thị trường “chuộng”, anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên hơn 400m2, và thành lập hợp tác xã để mở rộng quy mô đầu tư sản xuất.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, chương trình phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) cùng với phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nhân ra diện rộng và hình thành nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hướng đến chất lượng theo thị trường xuất khẩu.
Quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất rau quả, cây ăn trái chất lượng cao, đồng thời gắn với xây dựng thực hiện chính sách phù hợp thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện dẫn dắt nông dân cùng phát triển. Tây Ninh đang đặt ra mục tiêu sẽ trở thành “thủ phủ rau sạch” của cả nước trong tương lại.
Lời hứa đó, trách nhiệm đó đang được Đảng bộ, chính quyền triển khai một cách hết sức trách nhiệm và nghiêm túc. Một khi nông dân đã tin và cùng chung tay hành động, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, cuộc sống của người nông dân sẽ khấm khá lên ngay trên mảnh đất của chính mình.
“Chúng tôi tin tưởng, nhà máy Tanifood sẽ là điểm tựa để nông dân mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến việc sản xuất và làm giàu bằng nông nghiệp theo hướng bền vững”.
(Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lavifood)
XUÂN PHÚ