BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên:

Niềm vui chưa trọn…

Cập nhật ngày: 13/05/2015 - 09:39

Điện được kéo về từng hộ gia đình.

Trước đây, Báo Tây Ninh đã từng phản ánh về những khó khăn của hơn 30 hộ dân ở ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên vì không có điện lưới sử dụng, phải dùng đèn dầu lay lắt hoặc dùng đèn bình ắc quy. Đáng lưu ý là việc này lại xảy ra ở một xã được chọn là xã trọng điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh. Những tháng gần đây, 30 hộ dân này đã được hưởng niềm vui khi có điện sử dụng.

Ông Lê Tấn Thành- Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình đưa chúng tôi đến thăm những hộ dân ở ấp Thạnh Tân. Con đường vào ấp phẳng lì do mới được nâng cấp, mở rộng. Đó là một trong những thành quả của việc XDNTM ở địa phương trong những năm qua.

Gia đình ông Trần Văn Mạnh là hộ chúng tôi ghé thăm đầu tiên. Khi chúng tôi đến, ông và các cháu nhỏ đang chăm chú vào chiếc ti vi mới, phía dưới giá đặt tivi là chiếc đầu đĩa. Thấy chúng tôi, ông Mạnh chia sẻ: “Vui lắm, sướng lắm. Trước đây gia đình tui phải dùng đèn dầu leo, đầu tối đã đi ngủ, chẳng biết tin tức gì ngoài cái xóm nhỏ này.

Nay có ti vi, dàn nhạc, có nồi cơm điện để dùng, còn gì vui hơn”. Ông Mạnh năm nay đã 58 tuổi, quê gốc ở Đồng Tháp, về mảnh đất Thạnh Tân này ở từ năm 1990. Trước đây mỗi ngày gia đình ông phải tốn 30.000 đồng tiền dầu, vừa dùng để thắp sáng, vừa để bơm nước tưới cho cây trồng.

Sau 24 năm chờ đợi, mãi đến những tháng cuối năm 2014 nơi này mới có điện lưới sử dụng. Có trải qua nhiều năm tháng chờ đợi mới cảm nhận được hết niềm vui của ông và những người chung quanh khi điện lưới kéo về đây.

Anh Ca Văn Quý - nhà nằm gần cuối đường điện mới kéo cũng hết sức vui mừng khi tiếp chúng tôi. Trước đây không có điện, gia đình anh cũng phải dùng đèn dầu. Anh Quý chia sẻ: “Tôi ở đây với gia đình năm 13 tuổi, năm nay tôi đã 33 tuổi. 20 năm phải sống dưới ánh đèn dầu và chờ đợi. Giờ đây gia đình tui đã mãn nguyện vì được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia”.

Ông Lê Tấn Thành cho biết: “Khi xã Thạnh Bình được chọn là 1 trong 9 xã trọng điểm XDNTM thì các xã kia đều đạt tiêu chí về điện- trừ xã Thạnh Bình. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với ngành chức năng tăng cường kéo điện về các khu vực chưa có điện, nhưng do thiếu kinh phí đầu tư nên ngành điện lực chưa thể thực hiện.

Để xã Thạnh Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014 theo kế hoạch, Ban chỉ đạo XDNTM xã đã vận động doanh nghiệp tư nhân chế biến mì Phúc Thắng (đóng trên địa bàn ấp Thạnh Tân) cho các hộ dân chưa có điện trong ấp sử dụng chung bình điện.

Không những vậy, doanh nghiệp Phúc Thắng còn kéo đường điện dài khoảng 1km từ trụ sở doanh nghiệp đến khu vực các hộ dân. Sau đó, các hộ gom tiền dựng cột theo tuyến đường và kéo điện về từng nhà. Tiền điện được tính theo giá thị trường, hằng tháng có một người đại diện thu gửi lại cho doanh nghiệp Phúc Thắng”.

Ông Nguyễn Minh Sơn- Bí thư Đảng uỷ, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM xã Thạnh Bình cũng cho biết, từ khi có thêm 30 hộ dân ở ấp Thạnh Tân được sử dụng nguồn điện qua sự hỗ trợ của doanh nghiệp Phúc Thắng, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện ở xã Thạnh Bình đạt 99,32%- đạt tiêu chí về điện nông thôn.

Tuy nhiên, do có nhiều hộ dân tham gia sử dụng nên nguồn điện này còn yếu, chỉ phục vụ cho thắp sáng, không thể tưới tiêu phục vụ sản xuất. Điều đó khiến cho niềm vui của các hộ dân ấp Thạnh Tân chưa được trọn vẹn.

Theo anh Ca Văn Quý, do nhà anh nằm gần cuối đường điện nên vào giờ cao điểm phải chờ khá lâu đèn mới bắt sáng. Điện quá yếu nên vợ chồng anh phải tranh thủ cắm nồi cơm điện từ sớm, còn tủ lạnh, máy giặt không dám mua vì có mua cũng không sử dụng được.

Hiện anh bơm nước sinh hoạt bằng bơm tay và bơm nước tưới rẫy vẫn bằng máy dầu, đồng thời vẫn “thủ” bình ắc quy dự phòng lúc điện yếu. Anh Quý cũng như bà con nơi đây mong có đường điện mạnh hơn để phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, việc vận động doanh nghiệp giúp nhân dân có nguồn điện sử dụng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài rất cần ngành điện lực hỗ trợ để xây dựng hệ thống điện lưới quốc gia trực tiếp cung cấp cho người dân.

Từ đó người dân được sử dụng nguồn điện tốt hơn, an toàn hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như phát triển sản xuất, góp phần duy trì và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

HUY LIỆU