Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Niềm vui của cô gái khiếm thị
Chủ nhật: 08:53 ngày 17/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, cô gái khiếm thị Lê Hồng Trang (30 tuổi, ngụ tại ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng nhờ bán hàng online.

Trang phụ mẹ lặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều.

Tìm thấy ánh sáng từ trong bóng tối

Lê Hồng Trang là cô gái năng động, hoạt bát, được hàng xóm, bạn bè yêu mến. Vốn có năng khiếu bán hàng từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trang bắt đầu dấn thân vào bán hàng, từ việc bán bảo hiểm, rồi làm sale cho các công ty thực phẩm để học hỏi kinh nghiệm.

Sau một thời gian, Trang tự mở quán bán trà sữa và bán bánh mì vào buổi sáng cho người dân tại xã Đồng Khởi. “Mỗi sáng, Trang bán khoảng 300 ổ bánh mì, xong việc, tiếp tục dọn quán bán trà sữa. Do cháu nhiệt tình, vui vẻ, bánh mì, trà sữa rất ngon nên người dân hay lui tới ủng hộ”- mẹ Trang nói.

Công việc buôn bán thuận lợi, Trang kiếm khoảng vài triệu đồng/ngày. Nhưng rồi tai hoạ ập đến, Trang bị đau bụng, đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh xơ gan. Sau nhiều ngày uống thuốc điều trị, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, Trang đến bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tổng quát.

Lúc này sức khoẻ Trang đã suy yếu. Kết quả kiểm tra, gan to, lá lách to, thiếu máu cơ tim, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch phổi. Đứng trước cơn thập tử nhất sinh, gia đình buộc phải ký giấy cam kết để bác sĩ kê toa thuốc liều mạnh “một mất một còn” để cứu sống Trang. May mắn Trang qua khỏi, nhưng do cơ thể thiếu sức đề kháng, Trang bị teo dây thần kinh thị giác, nhìn các vật xung quanh ngày một mờ dần và đến một ngày không còn thấy được ánh sáng.

Lúc ấy (năm 2018), từ một cô gái 25 tuổi tràn đầy sức sống, ham làm việc kiếm tiền, giờ phải sống trong bóng tối khiến Trang chới với. Trang đi tới đâu va vấp tới đó, có khi té u đầu, tay chân bầm tím. Trang rơi vào sợ hãi cùng cực. Trang sợ không thể làm việc và tự chăm sóc được cho bản thân, phải phụ thuộc vào người khác.

Trang khóc ròng nhiều ngày liền. Khi đó, mẹ của Trang và 3 chị gái thay phiên luôn bên cạnh chăm sóc, trò chuyện để Trang không cảm thấy cô đơn. Dần dần, Trang lấy lại tinh thần và thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người. “Em thấy nhiều người còn bị bẩm sinh, người ta sinh ra đã không thấy đường, còn em may mắn thấy được hai mươi mấy năm cũng được rồi”- Trang vui vẻ chia sẻ.

Trang được một cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Đồng Khởi hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp chính sách cho người khuyết tật. Mỗi tháng, Trang nhận được 720.000 đồng.

Số tiền này Trang tích góp dần để làm vốn bán mỹ phẩm online. Để việc bán hàng đạt doanh số, Trang nhờ hai người cháu hiện đang học lớp 8 và lớp 9 phụ giúp. Sau giờ học ở trường, hai cháu giúp Trang đăng bài bán hàng và trả lời câu hỏi của khách theo sự hướng dẫn của Trang.

Khi lượng khách mua mỹ phẩm ổn định, Trang bắt đầu đăng bài bán thêm chăn, drap, gối, nệm để nhận chiết khấu hoa hồng từ đại lý phân phối. “Vì chất lượng vải tốt, nằm mát, không xù lông, giá lại mềm nên khách mua nhiều lắm chị, đặc biệt là trong dịp tết. Có khi khách ở xa, em chỉ cần báo địa chỉ rồi đại lý họ giao hàng. Sau khi nhận tiền họ trích lại hoa hồng và chuyển khoản cho em”- Trang cho biết thêm.

Bây giờ Trang có thu nhập trung bình mỗi tháng dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. “Ngày xưa lúc chưa bệnh, con gái cô kiếm tiền nhiều lắm, nhưng nó sắm quần áo, giày dép, xe cộ, laptop này nọ chứ không cho cô tiền. Giờ không thấy đường mà nó làm ra tiền chăm lo cho gia đình và hai cháu ăn học đó”- mẹ Trang nói.

Sống cởi mở với người, với đời

Trải qua cơn thập tử nhất sinh đã làm cho cô gái này ít nhiều thay đổi. Từ một người chỉ biết vun vén riêng cho bản thân mình, giờ đây Trang đã biết nghĩ cho người thân trong gia đình, cho những người kém may mắn hơn.

Trang không thích đi chơi, la cà quán xá, tụ tập bạn bè như trước. Trang chọn sống giản dị và giúp đỡ mọi người. Trong xóm, những gia đình nào khó khăn, không có điều kiện hoặc nợ xấu nên không thể mua sắm vật dụng trong gia đình theo hình thức tín chấp tại các siêu thị điện máy, Trang giúp họ mua và hoàn trả tiền theo từng tháng thấp hơn so với mức trả góp của các trung tâm mua sắm rất nhiều.

Vào dịp tết nguyên đán và tháng 7 âm lịch, Trang và các chị gái trong gia đình gói 50 phần quà (gồm 10 ký gạo và các nhu yếu phẩm) mang đến tận nhà thăm hỏi, động viên các gia đình khó khăn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, hằng tháng Trang đều tham gia đóng góp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho nhóm hỗ trợ mai táng cho các gia đình không có điều kiện lo tang lễ cho người thân mất. Những gia đình nào trong xóm gặp chuyện không may, Trang đều hỗ trợ.

Trang cho biết: “Ngày xưa em sống ích kỷ lắm, chỉ biết giữ cho riêng mình. Khi gặp chuyện, em thấy tiền bạc rồi cũng đi hết. Bây giờ em suy nghĩ thoáng lắm, ai cần gì em giúp đó. Em cũng không suy nghĩ là mình sẽ được đền đáp gì, giúp mọi người trong lúc khó khăn là em vui rồi”.

Chị Đặng Thị Thuý Hằng- cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Đồng Khởi cho biết: “Lúc đầu khi biết mình không thể nhìn thấy ánh sáng được nữa, Trang rất sốc, đôi khi còn nghĩ quẫn, nhưng nhờ sự động viên, chăm sóc của gia đình và bằng ý chí, nghị lực Trang đã vượt qua được. Giờ Trang sống rất vui vẻ, tự tin, lạc quan. Có lúc xã vận động được quà cho người khuyết tật, mang đến nhà trao, Trang và gia đình đều từ chối nhận để xã trao cho những gia đình nghèo, khó khăn khác”.

Ngọc Giàu

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục