Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Niềm vui của cô giáo về hưu
Thứ sáu: 20:11 ngày 15/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Tụi nhỏ khó khăn, mình lại ở không, nên nhận dạy để ba mẹ mấy đứa nó đỡ lo”. Nghĩ vậy nên hơn 2 năm nay, dù đi lại không dễ dàng nhưng cô Nguyễn Thị Kim Thoa (ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành) vẫn mở lớp để dạy học miễn phí cho các em.

Cách đây gần 40 năm, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hoá - Sinh của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, cô Thoa về nhận công tác tại Trường THCS Thái Bình A, huyện Châu Thành. Sau đó cô làm Hiệu trưởng của trường. Đến khi lập gia đình và có con, năm 1994 cô Thoa xin chuyển về Hoà Thành, dạy học ở một trường tiểu học trên địa bàn.

Được dạy học cho các em là niềm vui của cô Thoa.

Cô Thoa nhớ lại, những năm đó, khu vực ấp Trường Xuân nơi cô ở, cuộc sống của mọi người còn rất khó khăn, các gia đình chỉ tập trung làm kinh tế, chuyện học hành của trẻ chưa được quan tâm nhiều. Thấy trẻ học kém nhưng gia đình không có điều kiện cho các em đi học thêm, cô Thoa tình nguyện nhận kèm các em. Cứ vậy, cô củng cố dần kiến thức cho các em học trò trong xóm nhỏ của mình. Đến năm 2012, cô Thoa nghỉ hưu nhưng lớp học ở nhà vẫn mở, vẫn ưu tiên cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, cô Thoa còn tham gia làm Tổ trưởng Tổ tự quản, Tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoà Thành.

Dốc mình tham gia công tác xã hội những mong mang lại nhiều thay đổi tích cực cho xóm nhỏ, nhưng một ngày, cô Thoa phát hiện căn bệnh lạ ở miệng. Căn bệnh cứ kéo dài mãi mà không thể nào chữa trị được khiến cô không ăn uống, sức khoẻ cứ thế sa sút dần. Suốt hơn hai năm, cô chỉ nằm một chỗ, không đi lại được. Lúc đó, cô không còn đi bệnh viện điều trị mà quay qua phương ngoại, ai chỉ gì làm đó. May mắn, cô dần khoẻ lại. Nhưng do thời gian dài không vận động, cơ thể thiếu chất, hai chân cô giờ đây không thể đứng được, mọi việc di chuyển phải nhờ vào chiếc khung tập đi.

Không đi lại được nhiều, không thể hỗ trợ địa phương làm công tác xã hội, nhưng nhiệt huyết của một nhà giáo vẫn cháy trong cô. Vậy là, vừa khoẻ lại, cô Thoa bắt đầu nhận dạy cho các em nhỏ. Tuần nào cũng vậy, cứ vào thứ bảy và chủ nhật, nhà cô Thoa lại vang lên tiếng ê a của trẻ nhỏ, tiếng giảng bài của cô giáo. Hiện tại, lớp cô Thoa có 9 em đăng ký học với nhiều trình độ khác nhau, từ vỡ lòng, tiểu học đến trung học cơ sở.

Để đảm bảo tiết học chất lượng, cô bố trí giờ dạy khác nhau. Những học trò đến với cô đa phần mất căn bản từ lớp dưới, sau thời gian được cô chỉ dạy, đã tiến bộ rõ rệt. Như trường hợp của bé Quyên, hiện đang học lớp 4. Theo lời mẹ của bé, trước đây, dù học đến lớp 2 nhưng Quyên đọc, viết tiếng Việt chưa rành, toán làm rất chậm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn theo học cô Thoa, Quyên đã tự tin hơn khi đến lớp.

“Mình dạy một phần, nhưng quan trọng là nỗ lực của các em. Thấy tụi nhỏ chịu khó, chăm chỉ đi học không bỏ buổi nào cô mừng lắm, càng cố gắng để dạy. Khi chương trình dạy có thay đổi, đồng nghiệp cũ ở trường mang tài liệu đến chia sẻ. Nhờ đó, cô có thể cập nhật, theo sát với chương trình giảng dạy trong nhà trường để dạy cho các cháu”- cô Thoa chia sẻ.

Không chỉ dạy các môn Toán và tiếng Việt bậc tiểu học, với bằng ngoại ngữ Anh văn trước đây của mình, mỗi ngày cô Thoa đều dành một khoảng thời gian nhỏ để ôn lại những kiến thức cơ bản về tiếng Anh cho các em.

Đặc biệt, hơn một năm nay, lớp của cô Thoa còn có hai cậu học sinh lớp 8, được cô kèm thêm cho môn Hoá. Cô Thoa kể lại: “Hồi đó, cô đang dạy cho em của Đăng Khoa, nghe mẹ em than thở, Khoa học yếu môn Hoá nhưng không có khả năng cho em đi học thêm nên rất lo. Thật sự mà nói, môn Hoá là chuyên ngành của cô, nhưng do đã lâu không dạy, chương trình cải cách nhiều năm, cô khá lưỡng lự. Nhưng cô nghĩ kiến thức cơ bản vẫn như vậy và mình phải giúp cháu nó. Nghĩ vậy nên cô nhờ mẹ Khoa mua sách giáo khoa, và trong vòng một tháng hè, cô đã ôn lại những kiến thức cơ bản về Hoá cho Khoa, sau đó dạy em vào chương trình. Vừa rồi, kết quả học môn Hoá của em được đứng đầu cả lớp. Nghe vậy cô mừng hết sức”.

Cô Thoa sống cùng người con trai. Gia đình neo đơn, cô lại bệnh tật nhưng trong đợt tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2018, cô đã động viên con tham gia nghĩa vụ. “Con đi nó cũng lo lắm, nhưng cô nghĩ, cho con đi trước hết là hoàn thành nhiệm vụ của một thanh niên với đất nước, thứ nữa là đi vào đó để rèn luyện, đào tạo cho cháu nó trưởng thành hơn. Mình ở nhà đây, dù đi lại khó khăn thiệt nhưng vẫn có thể tự lo được. Vả lại, còn bà con chòm xóm, rồi phụ huynh của các cháu học sinh quan tâm, giúp đỡ nhiều lắm”, cô Thoa nói.

Dù bệnh, cô Thoa vẫn là con người lạc quan, sống có ích.

Điều kiện gia đình khó khăn, mỗi tháng cô chỉ được hơn 500 ngàn đồng từ trợ cấp của ngành Thương binh xã hội cho căn bệnh của cô, ngoài ra không còn khoản thu nào nữa. Dù vậy, cô Thoa vẫn không nhận tiền dạy kèm. “Có một mình nên cô không chi tiêu bao nhiêu. Ăn uống hằng ngày bà con quanh xóm cho nhiều khi ăn đã không hết. Người thì cho nắm rau, con cá, rồi học trò cũ của cô, lâu lâu về thăm cho bao gạo. Bệnh, cô uống thuốc đông y. Cô thấy vậy là vui lắm rồi. Giờ chỉ mong có sức khoẻ, dạy cho các cháu học thật tốt”, cô Thoa vui vẻ nói.

Gia đình thuộc diện khó khăn, nhưng với với cô Thoa dường như cuộc sống vẫn luôn đủ đầy, không có khái niệm của sự thiếu thốn. Ngày ngày, cô có thể dõi theo mọi người qua facebook, ngồi chép lại những vần thơ cho riêng mình, hay lắng nghe những nhỏ to tâm sự về chuyện trường lớp, về gia đình của những cô cậu học trò khó khăn nhưng hiếu học của mình. Đó là những niềm vui giúp cô vượt qua mọi bệnh tật, khó khăn để tiếp tục vượt lên, làm những điều có ích.

N.D

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục