Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà Phan Thị Ngân, 70 tuổi, ngụ ấp Thạnh Ðông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh có gương mặt tròn phúc hậu. Bà Ngân cho biết, bà sống ở Thạnh Ðông từ bé. Bà đã làm thợ nấu gần ba mươi năm.
Bà Ngân
Hồi trước, bà đi nấu đám theo kiểu chủ nhà rước thợ nấu về, thợ “ra toa”, chủ nhà mua đồ về nấu ăn công theo từng mâm. Riêng nấu cho đám tang, bà Ngân hoàn toàn không nhận tiền công. Nhờ nghề thợ nấu này, bà nuôi nấng năm người con khôn lớn. Sau này, con của bà mở dịch vụ nấu ăn, bà làm thợ chính.
Hơn 10 năm nay, sau khi truyền nghề cho con, bà Ngân chỉ nhận nấu đám công quả. Chẳng hạn vào dịp tết năm mới của người Khmer, bà đến chùa phụ giúp nấu ăn.
“Phụ nữ không yêu bếp thì không được đâu. Ở đó, mình thoả sức sáng tạo để nấu món ngon cho chồng con, rồi còn chế tạo ra những món mới phục vụ đám tiệc.
Và quan trọng là người phụ nữ yêu bếp thực sự sẽ biết được thực phẩm nào tốt cho sức khoẻ người dùng. Người phụ nữ yêu bếp thực sự sẽ tự trồng các loại rau gia vị vừa làm gian bếp mình bắt mắt, vừa khử được khí độc trong nhà bếp.
Cháu thử về trồng một vài chậu gừng, hành, tần dày lá, quế, húng cây trên cửa sổ nhà bếp đi. Gian bếp của cháu sẽ thơm tho suốt ngày đó”- bà Ngân nói.
Khói bếp nghi ngút làm mồ hôi càng chảy dài trên khuôn mặt đã có những đốm da trổ đồi mồi của bà Ngân.
Bà chia sẻ: “Nước lèo chay cứ mướp hương, cải đỏ, cải trắng, cải muối, hành phi, trái su su cho vào là ngọt ngay. Nồi nước này có thể dùng cho bánh canh hay hủ tiếu gì cũng được”.
Không khí tết năm mới của bà con Khmer ấp Thạnh Ðông vẫn rộn ràng trong sân chùa Khedol. Bà Ngân vẫn còn phải mướt mồ hôi bên lò bếp nhưng bà rất vui.
THUỲ TRANG