Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trưa nắng, đoạn đường về nhà khá xa khiến lưng áo cậu học trò Nguyễn Văn Trọng ướt đẫm. Mồ hôi nhễ nhại nhưng em vẫn tươi cười và nói rằng mình quen rồi nên không thấy mệt. Trọng hiện là học sinh lớp 7A2, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.
Qua hết những khúc đường ngoằn ngoèo mới thấy ngôi nhà nhỏ của mẹ con Trọng nằm xen lẫn giữa những rẫy mì, mãng cầu. Trọng mất 30 phút đạp xe đến trường học. Căn nhà mái tole, vách gỗ và trống hoác là nơi cư ngụ của Trọng cùng mẹ và em trai những năm qua.
Chị Trần Thị Ngọc Bích (46 tuổi), mẹ của Trọng cho biết, 3 giờ chiều hằng ngày là chị bắt đầu đi làm thuê cho trại nấm, hay cạo mủ cao su... đến 10 giờ sáng hôm sau mới trở về, chỉ có Trọng và em trai đang học lớp 2 ở nhà. Hai anh em đã quen việc mỗi sáng thức dậy tự chuẩn bị mọi thứ và đạp xe đến trường. Buổi trưa tan học, hai anh em lại chờ nhau cùng về.
Vợ chồng chị Bích trước ở xã Suối Dây (huyện Tân Châu). Sau ly hôn, chị mang theo Trọng tìm chỗ trọ tại xã Tân Hưng cùng huyện để sống. Quanh năm làm thuê kiếm sống, tích góp ít tiền, gần ba năm trước chị mua mảnh đất cất căn nhà nhỏ để mẹ con cùng cư ngụ tại ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh đến nay. Vì cuộc sống mưu sinh, chị Bích thường bấm bụng bỏ con một mình để đi làm thuê. Trọng từ nhỏ đã quen với cảnh này, em hồn nhiên chia sẻ: “Lúc nhỏ ở nhà một mình con sợ lắm, có lúc khóc. Con không biết từ lúc nào mình quen và không còn sợ nữa”.
Ở một mình nên những sinh hoạt cá nhân Trọng đều thành thạo, mỗi sáng tự ý thức chuẩn bị đi học, tan học về nhà là quét dọn, nấu cơm. Ba Trọng mất khoảng 2 năm trước, em trai về ở chung, Trọng lại thêm việc chăm em. Cậu bé vui vẻ nói: “Từ ngày có em trai về ở cùng, con vui lắm vì không còn một mình như trước”.
Trong xóm, cùng trang lứa với Trọng có hai bạn học cùng trường, các bạn đều có người nhà đưa đi học và rước về mỗi ngày. Nhìn cảnh ấy, thỉnh thoảng Trọng cũng ao ước hai anh em có ba, có mẹ đưa đi học. Chợt nhớ hoàn cảnh gia đình, cậu học trò nhỏ rất hiểu chuyện lại thỏ thẻ: “Con chỉ ước vậy thôi, chứ con biết mẹ phải đi làm mà”. Để mẹ an tâm, đỡ phần vất vả, căn nhà nhỏ luôn được anh em Trọng dọn dẹp sạch sẽ và ngăn nắp.
Những suy nghĩ, hành động lớn hơn tuổi được cậu bé này rèn luyện qua nhiều năm tự lập. Em trưởng thành hơn trong việc tự chăm lo cho bản thân và là điểm tựa của đứa em trai. Không vì cảnh khó mà Trọng lơ là việc học, đây là điều đáng quý ở cậu học sinh này. Em chia sẻ: “Có năm học, con chỉ đạt loại trung bình nên thấy buồn, sau đó con ráng học nhiều hơn để đạt loại khá”.
Gia đình khó khăn, không có điều kiện học thêm, thành tích học tập có được đều nhờ ý thức và nỗ lực của em cùng sự dạy bảo của thầy cô. Mỗi tối, anh em Trọng đều dành thời gian học bài cùng nhau. Chị Bích nói: “Tôi không biết chữ nên không giúp được gì cho con trong việc học.
Trọng toàn tự học thôi, sau này còn dạy em trai học nữa”. Người mẹ này chia sẻ thêm, thấy con học hành tốt chị mừng lắm, nhìn con tự giác đi học mỗi ngày, chị vừa mừng vừa thương nên luôn cố gắng làm việc vì cuộc sống của mấy mẹ con.
Đoạn đường đến trường khá xa nhưng Trọng chưa bao giờ than mệt nhọc. “Con chưa biết sau này sẽ làm gì, chỉ biết mình phải ráng học và học tốt nhất thôi, vì mẹ sẽ vui hơn”- Trọng chia sẻ. Niềm vui của cậu học trò nhỏ chính là mỗi ngày được đến trường, gặp gỡ bạn bè, được thầy cô dạy học. Còn với chị Bích, dù cuộc sống có nhiều khó khăn, chị luôn cố gắng để con mình tiếp tục được đến trường với hy vọng, có cái chữ, cuộc sống của các con sau này sẽ đỡ vất vả hơn.
VI XUÂN