Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Niềm vui từ “Điểm trao quần áo đã qua sử dụng”
Thứ hai: 20:47 ngày 08/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cứ đều đặn vào sáng thứ 7 tuần cuối tháng, trước Nhà văn hoá ấp Long Khương, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành, nhiều người lại thấy tấm bảng ghi dòng chữ “Ðiểm trao quần áo đã qua sử dụng” xuất hiện. Chủ nhân của gian hàng quần áo miễn phí này là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Thành Nam. Người khởi xướng lập gian hàng quần áo miễn phí là chị Ðặng Ngọc Huyền- Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ xã Long Thành Nam.

Nhiều người đến lựa chọn quần áo miễn phí tại Điểm trao quần áo đã qua sử dụng ấp Long Khương.

Chị Huyền cho biết, trong một lần dọn dẹp, thu xếp quần áo cũ, chị chợt nghĩ đến những người nghèo, bán vé số, ve chai… họ không có điều kiện mua đồ mới để mặc, trong khi có nhiều người thường xuyên bỏ đi những bộ đồ còn tốt. Thế là chị nghĩ ra ý tưởng cho quần áo cũ. Lúc đầu, chị xếp quần áo cũ của gia đình mang cho người nghèo. Chị Huyền cảm thấy vui vì nhiều người thích thú khi nhận những bộ quần áo cũ. Thế là, chị bắt đầu vận động bạn bè, các chị em hội viên cùng quyên góp quần áo cũ, với hy vọng có thêm nhiều quần áo chia sẻ với người cần. Dần dần, việc làm của chị được nhiều người đón nhận và ủng hộ. Số lượng người nhận ngày một nhiều, người cho cũng tăng lên. Vậy là tháng 12.2017, mô hình cho quần áo đã qua sử dụng ra đời. Ðến nay, điểm trao quần áo miễn phí này trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người.

Ðến hẹn lại lên, sáng thứ 7 của tuần cuối tháng 6, điểm trao quần áo đã qua sử dụng lại mở cửa đón khách hàng. Mới sáng sớm, gian hàng đã có rất đông phụ nữ ở địa phương tìm đến. Người mang đồ đến cho, người thì đến phụ, mỗi người một tay cùng phân loại, sắp xếp trưng bày quần áo chờ người đến lấy. Ðồ ở gian hàng gồm đủ các loại quần áo cũ, giày dép, túi xách. Một lúc sau, người đến gian hàng lựa chọn đồ mỗi lúc một đông. Ai cũng mang về cho mình vài món đồ phù hợp. Chỉ khoảng 9 giờ, mấy trăm bộ quần áo, giày dép và túi xách đã được người đến lấy.

Tại gian hàng, bà Nguyễn Thị Thình, ngụ tại ấp Long Khương cẩn thận chọn lựa từng cái quần cái áo. Sau một hồi lựa đồ, bà tỏ ra khá vui vẻ khi lựa chọn được mớ đồ ưng ý. Bà chia sẻ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh rất khó khăn. Vợ chồng tôi già rồi, tiền lo miếng ăn hằng ngày đã đủ chật vật nên tiền đâu mua quần áo. Có chỗ cho đồ và còn được lựa chọn thế này, tôi mừng lắm. Ðây là lần thứ 5, tôi đến đây lấy đồ về dùng. Lần này, tôi may mắn lựa được mấy cái quần cái áo còn mới về cho chồng, cho đứa con bận đi làm có mà thay đổi với người ta”.

Nghe có chỗ cho quần áo cũ miễn phí, chị Cao Thị Mau, ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây tìm đến để xin quần áo. Chị cho biết, đi làm nghề phụ hồ, cuộc sống khó khăn. Chị luôn muốn có mấy bộ đồ, cái áo khoác mặc đi làm, thay đổi vào mùa mưa gió. Vì không có tiền mua sắm đồ, chị cứ bận đi bận lại mấy bộ đồ cũ kỹ. Nhờ đến gian hàng quần áo miễn phí này, chị đã lựa được cho mình nhiều quần áo phù hợp mặc ở nhà và dành để đi làm. Ngoài ra, chị cũng lấy một số quần áo về cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trong xóm của mình. Chị Mau cho rằng: “Quần áo đã qua sử dụng nhưng rất có ý nghĩa với người nghèo. Tuy quần áo đã qua sử dụng nhưng còn mới, tốt. Nó là tấm áo mới của người nghèo”.

Chị Ðặng Ngọc Huyền- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Thành Nam chia sẻ, đến với gian hàng quần áo miễn phí này, mọi người được lấy hàng tuỳ thích, không giới hạn số lượng. Ở đây không phân biệt giàu nghèo, ai cần cứ đến lấy. Có không ít người đến lấy thứ mình cần, rồi cũng đóng góp lại nhiều món khác. Cũng có người tìm đến nhận quần áo giúp cho các hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Theo chị Huyền, nhiều quần áo đã qua sử dụng vẫn còn tốt mà bỏ đi rất uổng phí. Vì thế, mọi người đừng vội vứt bỏ quần áo cũ, hãy đem tặng cho người cần. Hiện nay, mô hình cho quần áo cũ cũng đã được nhiều nơi làm, nhưng vẫn có nhiều người nghèo chưa được tiếp cận. Vì thế, Hội sẽ cố gắng duy trì mô hình, mỗi tháng cho quần áo đã qua sử dụng một lần, nhằm động viên và sẻ chia khó khăn với người nghèo.

THẾ ANH

Tin cùng chuyên mục