BAOTAYNINH.VN trên Google News

Niềm vui từ nghề làm bánh đa 

Cập nhật ngày: 04/08/2018 - 06:30

BTN - Gia đình ông Nguyễn Văn Ha, 71 tuổi, ngụ tại khu phố 7, phường 3, thành phố Tây Ninh đã có hơn 30 năm sinh sống bằng nghề làm bánh đa. Cái nghề này đã giúp gia đình ông Ha đi lên từ hai bàn tay trắng, có cuộc sống ổn định.

Vợ chồng ông Ha với sản phẩm bánh đa của mình.

Ấn tượng đầu tiên về vợ chồng ông Ha là ông bà rất hiền lành, chăm chỉ. Ông Ha tâm sự, để có được như ngày hôm nay, gia đình ông trải qua những ngày tháng khó khăn, vất vả. Thời mới lập nghiệp, vợ chồng ông chỉ có hai bàn tay trắng, phải làm đủ mọi việc để kiếm sống.

Thấy vợ chồng ông thiệt thà, một người đã chỉ cho vợ chồng ông cái nghề làm bánh đa. Những ngày đầu chưa quen tay, quen việc, vợ chồng ông khá vất vả để tráng ra được một chiếc bánh hoàn chỉnh. Những mẻ bánh đầu tiên cũng chưa được ngon miệng như mong đợi. Không nản chí, vợ chồng ông mày mò nghiên cứu, chế biến để bánh được ngon và đẹp mắt hơn.

Cuối cùng, vợ chồng ông cũng làm ra được chiếc bánh đa ngon, có hương vị riêng. Làm ra chiếc bánh đa ngon đã thành công, vợ chồng ông lại gặp khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ. Bánh làm ra bán không chạy, chưa thu hút được khác hàng, thu nhập từ nghề làm bánh đa không đủ trang trải cuộc sống.

Ðôi lúc vợ chồng ông bất mãn, muốn bỏ nghề, nhưng rồi lại tiếc công gầy dựng, lại đắn đo rằng nghỉ làm cái nghề này biết làm nghề gì sinh sống. Thế là, vợ chồng ông quyết định theo đuổi nghề, bỏ công đi chào hàng ở khắp nơi. Lâu dần, bánh đa của gia đình ông Ha ngày càng được nhiều người biết tới, yêu thích, có thêm nhiều bạn hàng, mối mang ở khắp nơi.

Nguồn tiêu thụ ngày càng tăng, số lượng bánh làm ra không đủ bán cho khách hàng. Nắm bắt cơ hội này, vợ chồng ông mở rộng sản xuất, đầu tư thêm lò và mướn thêm người phụ tráng bánh. Mỗi ngày, lò bánh của ông Ha cho ra trên 2.000 chiếc banh đa, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Lò bánh còn tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.

Nghề không phụ người, sau hơn 30 nắm bám trụ với nghề. Chiếc bánh đa của ông Ha được yêu thích bởi mùi vị thơm ngon, bùi, béo rất đặc trưng, làm người ta ăn một cái muốn ăn thêm cái nữa.

Theo ông Ha, hiện nay, nhiều công đoạn làm ra chiếc bánh đa đã được cải tiến, với sự hỗ trợ của máy tráng bánh, lò sấy bánh, giúp người làm bánh đỡ vất vả hơn xưa. Nhưng thật lạ, nhiều khách hàng của ông chỉ thích chiếc bánh đa được tráng theo phương pháp thủ công, được phơi dưới nắng tự nhiên, bởi như thế bánh mới giữ được nguyên hương vị thơm ngon của nó.

Chiều lòng khách hàng của mình, vợ chồng ông vẫn giữ cách tráng bánh truyền thống. Ðể có bánh vào sáng mai đem phơi kịp nắng, 12 giờ khuya vợ chồng ông đã thức, người đốt lò, người pha bột tráng bánh. Công việc tuy vất vả nhưng vợ chồng ông Ha thấy rất vui. Nhờ có nghề này mà vợ chồng ông có cuộc sống ổn định như hôm nay. Vợ chồng ông tự hào và biết ơn cái nghề làm bánh đa.

Ông Ha chia sẻ, nghề làm bánh đa khá vất vả, lời lãi không nhiều, vợ chồng ông chủ yếu lấy công làm lời. Bánh đa là món ăn bình dị, dân dã. Ngày nay, bánh đa vừa là món ăn chơi mà được sử dụng làm món ăn kèm với nhiều món ăn ngon khác.

Theo ông Ha, muốn gắn bó với nghề này phải yêu thích, chịu khó làm luôn chân luôn tay. Người tráng bánh phải thật khéo tay thì chiếc bánh mới tròn, đều, đẹp mắt. Ðể có những bánh đa thơm ngon, phải chọn loại bột gạo ngon, dừa phải là dừa Bến Tre, bánh mới béo, bùi, giòn tan. Và mỗi mẻ bánh thành công hay không còn phụ thuộc vào công đoạn pha bột, đây được xem bí quyết riêng của người làm bánh.

Với vợ chồng ông Ha, làm bánh đa không chỉ là nghề kiếm sống mà đã trở thành đam mê. Vợ chồng ông lấy làm vui vì có các con nối nghiệp, giữ lửa cho nghề truyền thống của gia đình. Các con của ông Ha có người đã có công ăn việc làm, nhưng vẫn theo nghề này, mỗi người phụ trách một công đoạn, cùng nhau giữ thương hiệu chiếc bánh đa của gia đình và đưa chiếc bánh đi xa hơn.

Ở cái tuổi này, vợ chồng ông Ha vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Hằng ngày, ông bà vẫn cần mẫn bên mớ bột, bếp lửa để cho ra lò những mẻ bánh đa chuẩn ngon. Hiện nay, nghề này cũng chịu sự cạnh tranh. Nhưng vợ chồng ông luôn nhắc nhở các con lấy uy tín làm đầu.

Những chiếc bánh đến tay khách hàng luôn phải bảo đảm chất lượng và đủ hương vị truyền thống. Dù đã đi qua thời cơ hàn, vợ chồng ông vẫn giữ lối sống giản dị và không quên cái thời khó khăn.

Từ chỗ thấu hiểu, suốt nhiều năm qua, vợ chồng ông Ha luôn trích ra một phần thu nhập để san sẻ với người nghèo. Ðều đặn hằng tháng, gia đình ông lại tặng gạo cho người nghèo trong khu phố, đóng góp tiền cho các bếp ăn từ thiện, hoạt động từ thiện ở địa phương.

CHÂU PHA


Liên kết hữu ích