Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Niên vụ 2017-2018, sản lượng đường trong tỉnh đạt hơn 207 ngàn tấn
Chủ nhật: 08:10 ngày 09/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, chế biến mía đường niên vụ 2017-2018 và kế hoạch niên vụ 2018 -2019.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 công ty, nhà máy đường hoạt động chính thức, gồm: Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, Công ty Cổ phần Đường Nước Trong và Nhà máy đường TTC Biên Hòa- Tây Ninh; tổng công suất thiết kế là 14.800 tấn mía cây/ngày, đáp ứng vùng nguyên liệu tại tỉnh nhà và các tỉnh lân cận (Long An, Bình Phước và các tỉnh thuộc nước bạn Campuchia).

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Vụ mía 2017 -2018, do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều, kéo dài từ đầu vụ ảnh hưởng quá trình thu hoạch và vận chuyển mía về nhà máy. Mặt khác, tình trạng mía cháy tăng so với niên vụ 2016 - 2017 làm xáo trộn lịch thu hoạch của nhà máy, gây thiệt hại cho cả nhà máy và nông dân.

Diện tích mía các nhà máy đường trong tỉnh đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu trong niên vụ 2017 - 2018 là 20.594 ha, tăng 4.634 ha (22,5%) so với vụ trước.

Trong đó, đầu tư trong tỉnh là 14.294 ha, với diện tích trồng mới 7.341,9 ha, diện tích mía gốc 6.952,6 ha; diện ích đầu tư ngoài tỉnh 6.300 ha (chủ yếu là Campuchia).

Về năng suất mía, theo báo cáo của các công ty, nhà máy đường, năng suất mía nguyên liệu đưa vào chế biến bình quân 73 tấn/ha, tăng 1,2 tấn/ha so với niên vụ 2016 – 2017.

Sản lượng mía của các nhà máy đường đưa vào ép đạt 1.719.888 tấn, so với niên vụ 2016 – 2017 tăng 221.836 tấn (15%).

Tuy nhiên, niên vụ 2017 -2018, diện tích mía bị cháy lên đến 4.778 ha, tăng 2.850 ha so với niên vụ 2016 - 2017, chiếm 23,2% diện tích mía toàn vụ. Khối lượng mía cháy là 338.623 tấn, chiếm 19,7% lượng mía ép toàn vụ.

Bên cạnh đó, vụ mía 2017 -2018, mưa nhiều gây ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, chất lượng mía. Diện tích mía bị ngập úng, sâu bệnh là 4.695 ha, chiếm 22,8% diện tích mía toàn vụ.

Về chế biến đường, niên vụ 2017-2018, sản lượng đường của các nhà máy sản xuất được 207.280,26 tấn; trong đó sản xuất từ mía được 144.934,26 tấn đường, sản xuất từ đường thô được 62.346 tấn đường.

Tỷ lệ tiêu hao mía bình quân 10,66 mía/1 đường và các nhà máy đường giữ chính sách bảo hiểm chữ đường đầu vụ là 8 CCS.

 Giá thu mua mía vụ 2017-2018 của các công ty trong tỉnh ổn định từ đầu vụ, giá thu mua mía 10 CCS tại ruộng trên phương tiện vận chuyển là 900.000 đồng/tấn.

Theo Sở NN&PTNT, năm qua cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của sản xuât nông nghiệp ở Tây Ninh, ngành mía đường là một trong những ngành đi đầu trong việc gắn kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu toàn bộ mía nguyên liệu do nông dân sản xuất.

Ngành mía đường đã xây dựng những cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đầu tư tưới chủ động, từ đó năng suất, chất lượng cây mía đã được cải thiện, mang lại hiệu quả cao cho người trồng mía…

Đại diện Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa thông báo tình hình sản xuất chế biến mía đường ở Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Niên vụ 2018 – 2019, Sở NN&PTNT đưa ra kế hoạch sản xuất mía với diện tích 19.468 ha, năng suất 81,4 tấn/ha và sản lượng đạt 1.585.615 tấn.

Sở NN&PTNT đề nghị các công ty, nhà máy đường bố trí lịch thu hoạch và vận chuyển mía về nhà máy hợp lý hơn, tránh việc mía bị phơi bãi làm giảm chất lượng; công khai giá mía, chính sách đầu tư đến nông dân.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng mía Organic để sản xuất đường sạch xuất khẩu; đa dạng hóa chuỗi sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường nhằm tăng chuỗi giá trị mía đường, bảo đảm giá thành giảm nhưng giá mía nguyên liệu thu mua cho nông dân có lợi nhuận..

Trước mắt, các nhà máy phải cùng đồng hành chia sẽ khó khăn với người trồng mía về giá thu mua, chính sách hỗ trợ…

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục