Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Dù chi phí triển khai sản xuất “3 tại chỗ” tăng hơn ngày thường khoảng 10%, doanh nghiệp vẫn chấp nhận để công nhân an tâm sản xuất. May mắn là, các công nhân của doanh nghiệp gắn bó lâu dài nên hiểu và chia sẻ khó khăn với nhà máy, bảo đảm hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá cho khách hàng trong thời gian qua.
Khử trùng tài xế và xe chở nguyên liệu khoai mì trước khi vào nhà máy.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để bảo đảm cho hoạt động sản xuất- nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chuỗi đầu ra cho hàng hoá, một số doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp vận động công nhân ở lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”, vừa bảo đảm sản xuất vừa kiểm soát dịch bệnh.
Theo một doanh nghiệp sản xuất tinh bột khoai mì tại huyện Dương Minh Châu, để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá và tạo điều kiện tiêu thụ khoai mì cho nông dân, ngay từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù không nằm trong khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” và thông báo để công nhân đăng ký.
Hiểu được sự khó khăn chung, nhiều công nhân tự nguyện đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” với doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp cho biết, để bảo đảm các điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải rất nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, bố trí chỗ nghỉ ngơi của công nhân cho hợp lý; nhà ăn, khu nhà vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.
Song song đó, doanh nghiệp phối hợp với cơ quan y tế thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong công nhân; khử khuẩn xe chở nguyên liệu vào nhà máy, tài xế điều khiển xe chở khoai vào nhà máy phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19 còn hiệu lực trong 72 giờ.
Dù chi phí triển khai sản xuất “3 tại chỗ” tăng hơn ngày thường khoảng 10%, doanh nghiệp vẫn chấp nhận để công nhân an tâm sản xuất. May mắn là, các công nhân của doanh nghiệp gắn bó lâu dài nên hiểu và chia sẻ khó khăn với nhà máy, bảo đảm hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá cho khách hàng trong thời gian qua.
Một doanh nghiệp chế biến mủ cao su tại huyện Tân Châu cho biết, việc triển khai “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có những khó khăn, nhất là công tác bảo đảm phòng, chống dịch từ các khâu tiếp nhận nguyên liệu đến sản xuất, đóng thành phẩm.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tinh bột khoai mì tại huyện Tân Biên cũng tổ chức cho công nhân nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các tiêu chí “3 tại chỗ” để bảo đảm công tác phòng chống dịch, doanh nghiệp còn tăng chế độ bồi dưỡng, tăng bữa ăn dinh dưỡng cho công nhân yên tâm sản xuất.
“Tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu thu hoạch, vận chuyển nguyên liệu về nhà máy, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, vừa không để chuỗi sản xuất, cung cấp hàng hoá bị gián đoạn, vừa có thể hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản”- doanh nghiệp này chia sẻ.
Các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp đang triển khai sản xuất “3 tại chỗ” đều tin tưởng, với chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, đưa cuộc sống trở lại bình thường, để hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đi vào ổn định, đời sống người lao động được cải thiện.
Tấn Hưng