Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðể góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đặt mục tiêu ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu ra nông sản cho nông dân.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện ra, vào tỉnh tại cửa ngõ Suối Sâu (thị xã Trảng Bàng).
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành áp dụng nhiều chính sách đối với hoạt động vận tải hàng hoá liên tỉnh để phòng, chống dịch. Các chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoạt động, phần lớn nông sản của người dân Tây Ninh thu hoạch không có thương lái thu mua, dẫn đến nghịch lý nông sản không có đầu ra, thị trường lại tăng giá.
Nông sản tăng giá do khách quan
Chợ đầu mối K13 tạm ngưng hoạt động từ khi huyện Dương Minh Châu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Do hàng hoá, nông sản của nông dân còn nhiều, các thương lái vẫn thu mua nhưng không bán tập trung tại chợ đầu mối mà bán ở những điểm riêng lẻ, hạn chế tập trung đông người.
Anh Lê Thanh Tiến, ngụ xã Bàu Năng cho biết, để hỗ trợ nông dân, anh thu mua nông sản và đưa xe tải chở hàng đến bán gần chợ đầu mối K13, ai có nhu cầu có thể ghé mua sỉ và lẻ. Anh Tiến hy vọng hoạt động của điểm giao, nhận tạm nông sản Suối Sâu sẽ mang đến sự thuận lợi, rút ngắn thời gian chuyển hàng, bảo đảm công tác dịch bệnh.
Chợ tạm đóng cửa, nhà vườn không tiêu thụ được rau củ nên bà Yến (ngụ xã Bàu Năng) nhận hàng của nông dân, vận chuyển đến gần chợ đầu mối K13 bán cho thương lái. Không có xe tải vận chuyển hàng, bạn hàng làm ở chợ đầu mối cũng nghỉ nên bà Yến không đem hàng tập kết tại trạm Suối Sâu được.
Nhiều thương lái bày tỏ mong muốn, ngành chức năng có văn bản hướng dẫn xe tải vận chuyển nông sản đi - đến vùng dịch; các chốt kiểm soát hỗ trợ để xe chở nông sản nhanh chóng qua trạm, kịp thời gian tập kết, vận chuyển hàng đi các tỉnh, thành phố, tránh nông sản bị hư hao, nhất là các mặt hàng trái cây địa phương.
Việc chính quyền thiết lập điểm mua, bán nông sản tạm ở Suối Sâu là thông tin khiến người nông dân trong tỉnh vui mừng. Nông dân liên hệ tìm hiểu, bắt đầu giao hàng từ Tây Ninh xuống Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại tại địa điểm này.
Anh Trương Văn Tưởng- Tổ trưởng Tổ quản lý điểm nông sản tạm Suối Sâu cho biết, từ khi hoạt động, mỗi ngày có trên 20 xe tải của tỉnh xuống giao nông sản cho thương lái Thành phố Hồ Chí Minh và nhận nông sản đưa về tỉnh. Ngoài ra, nông dân Tây Ninh còn vận chuyển hàng hoá bằng xe mô tô xuống điểm giao nông sản cho thương lái Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tiêu thụ nông sản trong tỉnh.
Bảo đảm hàng hoá lưu thông an toàn trong mùa dịch
Ðể góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đặt mục tiêu ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu ra nông sản cho nông dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp như ban hành hướng dẫn kiểm tra đối với người và phương tiện vận chuyển nông sản vào tỉnh; thành lập điểm mua, bán nông sản tạm ở cửa ngõ tỉnh, tại khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh, Trảng Bàng.
Tỉnh đã đồng ý theo đề xuất của Sở Y tế về việc quản lý chợ đầu mối. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các sở, ngành phối hợp quản lý, yêu cầu các trường hợp tài xế, phụ xế từ chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh về địa phương thực hiện khai báo y tế với trạm y tế xã, phường, thị trấn khi đi, về nơi cư trú.
Các trạm kiểm soát Covid-19 thông báo cho địa phương những trường hợp giao hàng từ các chợ đầu mối trở về. Trong thời gian giao nhận hàng, tài xế, phụ xe phải thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Sau khi giao nhận hàng trở về, hạn chế tiếp xúc với mọi người, tự theo dõi sức khoẻ, nếu có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau họng… thì báo ngay cho cơ quan Y tế để được hướng dẫn.
Thương lái thu gom nông sản cho người dân dọc đường khi chợ nông sản cầu K13 tạm ngưng hoạt động.
Ngày 19.7, điểm giao, nhận tạm nông sản ở Suối Sâu (thị xã Trảng Bàng) chính thức đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản trong tỉnh được đưa sang các tỉnh, thành khác và ngược lại.
Gần đây nhất, khi các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt áp dụng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 20.7 Sở GTVT ban hành công văn về việc tiếp nhận cấp thẻ nhận diện phương tiện 24/24 cho phương tiện hoạt động vận tải xuất tỉnh, nội tỉnh, tạo điều kiện cho hoạt động vận tải hàng hoá, công nhân thuận lợi, trong đó có vận chuyển hàng nông sản xuất, nhập tỉnh.
Theo ông Lê Nhật Thành- Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, hiện nay, các tỉnh miền Nam đều áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, xe chở hàng hoá ra, vào các tỉnh, thành thực hiện theo quy định chung, điều kiện vận chuyển nông sản đi các tỉnh và nhập nông sản về Tây Ninh thuận lợi hơn trước.
Như vậy có thể thấy, tỉnh và các sở, ngành, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm mọi giải pháp, tạo điều kiện để nông dân tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng như nhập những mặt hàng nông sản thiết yếu bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân tỉnh nhà.
Tấn Hưng