Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hoà Hội là xã biên giới của huyện Châu Thành, có 817 hộ, trong đó có 28 hộ dân tộc Khmer với 117 nhân khẩu, chủ yếu đi làm thuê, làm mướn. Cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho đồng bào Khmer. Sự nỗ lực vươn lên của bà con dân tộc đã và đang làm cho diện mạo làng quê “thay da đổi thịt” từng ngày.
Quan tâm đến đời sống tinh thần của chị em người dân tộc.
Những ngày này, đi đến ấp Bố Lớn- nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, tiếng nói cười rộn rã, không khí vui tươi trước những đổi thay tích cực. Con đường nhỏ hẹp, lầy lội được thay bằng đường nhựa thẳng tắp, thuận tiện cho việc đi lại, chở hàng hóa. Việc triển khai các chủ trương, chính sách cho đồng bào dân tộc thực hiện kịp thời, ưu tiên các dự án vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ khó khăn đột xuất, xoá đói giảm nghèo, xoá đói thông tin, khám chữa bệnh… tạo sự bình đẳng về mọi mặt, từng bước giúp họ hoà nhập cộng đồng dân cư.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa – Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Hội cho biết, xác định đồng bào dân tộc là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân cư của xã, đơn vị tích cực chăm lo đời sống, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của bà con. Hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà đại đoàn kết, mái âm tình thương, giúp khởi nghiệp không lãi suất, cho vay không tính lãi 8 trường hợp, mỗi suất 5 triệu đồng.
Công tác xây dựng, sử dụng nhà vệ sinh là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm môi trường nông thôn và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, điều này vẫn khó thực hiện ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nguyên nhân do nhiều hộ điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức hạn chế, quan niệm rằng nhà vệ sinh chỉ là công trình phụ nên ít quan tâm. Trước thực trạng đó, Hội Phụ nữ xin ý kiến Đảng ủy, UBND xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền xây nhà vệ sinh cho người dân tộc. Sau một thời gian triển khai, có 14 hộ phụ nữ dân tộc được hỗ trợ xây nhà vệ sinh (10 triệu/nhà vệ sinh).
Tìm kiếm những cách thức tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả
Ấp Bố Lớn có 32 hộ dân tộc, do điều kiện kinh tế khó khăn và tập quán sinh hoạt, hầu hết các gia đình không có nhà vệ sinh. Sau khi Hội phụ nữ tuyên truyền, vận động, mọi người dần nâng cao ý thức, nhiều trường hợp chủ động xây nhà vệ sinh cho gia đình sử dụng. Hiện nay, chỉ còn 4 hộ chưa có khả năng xây nhà vệ sinh.
Bà Dốt Xà Mon (sinh năm 1956) có cuộc sống khó khăn, bà chưa từng nghĩ sẽ có ngày gia đình xây nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Trước đây, mọi sinh hoạt đều thải ra vườn cây xung quanh nhà. Khi được Hội Phụ nữ vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền xây nhà vệ sinh kiên cố, vị trí hợp lý, cao ráo, gia đình rất phấn khởi, hứa sẽ thường xuyên dọn dẹp xung quanh để bảo đảm sức khỏe và sử dụng lâu dài.
Gia đình chị Phạm Phốt, ngụ tổ 4, ấp Bố Lớn, đi làm thuê để sống qua ngày. Họ vẫn quen đi vệ sinh ở vườn cây sau nhà hoặc sử dụng nhờ nhà vệ sinh tạm bợ của hàng xóm; đến năm 2019, gia đình được hỗ trợ xây nhà vệ sinh. “Từ xưa đến nay, tôi không nghĩ đến việc làm nhà vệ sinh. Sau khi Hội Phụ nữ đến tuyên truyền, bản thân mới thấy rõ lợi ích của việc xây nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn có thể hạn chế dịch bệnh”, chị Phạm Phốt cho biết.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Hội cho biết thêm: “việc vận động xây nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là điều rất cần thiết, giúp bảo vệ sức khỏe, giữ gìn môi trường. Qua đó bà con có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục vận động mạnh thường quân xây nhà vệ sinh cho các hộ còn thiếu, sửa chữa hư hỏng cho hộ có nhu cầu”.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer, địa phương còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, làm cho mọi người tin tưởng và tích cực chấp hành pháp luật, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hội phụ nữ xã hướng dẫn kiến thức, phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em, kỹ năng nuôi dạy con cái, nạn tảo hôn; vận động, tạo điều kiện cho con em dân tộc trong độ tuổi đến trường; mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đến khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà; phát tờ rơi, khẩu trang, nước rửa tay, hướng dẫn chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Do thói quen sinh hoạt của người dân tộc, việc tuyên truyền, vận động cần nhiều thời gian và công sức- nhất là chuyển biến về kinh tế, tập tục sản xuất, khó khăn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều trường hợp không rành tiếng việt, việc phổ biến pháp luật đòi hỏi phải có người phiên dịch, truyền đạt, diễn giải thêm.
Keo Onl (bên trái) tích cực vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà Keo Onl- người có uy tín trong cộng động người Khmer cho biết, bản thân tích cực vận động bà con thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của chính quyền. Mọi người ngày càng tin tưởng, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống ở khu dân cư.
Trong công tác chăm lo cho đồng bào Khmer, xã Hoà Hội sẽ tiếp tục nỗ lực xem xét đào tạo nghề ngắn hạn, phù hợp cho nam nữ thanh niên dân tộc; tăng cường hỗ trợ lập dự án nguồn vốn vay, cây, con giống chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Hội Phụ nữ chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học cho đồng bào dân tộc, khuyến khích, tạo điều kiện cho các em học các cấp cao hơn, từng bước nâng cao mặt bằng dân trí; nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của bà con, giải quyết tốt mâu thuẫn nội bộ, củng cố tình đoàn kết dân tộc Kinh – Khmer.
Ông Phạm Đình Lâm- Chủ tịch UBND xã Hoà Hội cho biết, công tác chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở, tình hình an ninh trật tự ổn định, tệ nạn xã hội không còn, con em người dân tộc đi học, biết chữ, không vi phạm pháp luật.
Một số bà con từ Campuchia về đây lập gia đình, sinh sống chấp hành tốt quy định của Nhà nước, không có trường hợp gây rối. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không có người vượt biên, nhập cư trái phép, không xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, nhập cảnh trái phép, buôn lậu hàng hoá.
Sự chăm lo của chính quyền địa phương đã làm đổi thay tích cực đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn xã Hoà Hội. Bà con dân tộc ngày càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, phấn đấu phát triển kinh tế, chung tay cùng chính quyền làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.
PHƯƠNG THẢO – HÀ QUANG