Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗ lực chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng
Thứ tư: 07:21 ngày 08/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, bảo đảm mọi hoạt động có liên quan đều tuân thủ đúng pháp luật.

Ghe bơm hút cát ở hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ).

Gần đây, dư luận bàn tán về hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng và cho rằng đây là nguyên nhân gây tác động tiêu cực đến môi trường nước trong hồ.

Ngoài ra, dư luận đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát vi phạm pháp luật như trốn thuế, lập bến bãi trái phép, bơm hút cát trộm, gây mất an toàn hồ và đập, làm hư hỏng đường giao thông và ô nhiễm nguồn nước. UBND tỉnh vừa có ý kiến phản hồi về những vấn đề trên.

Không có tình trạng “buông lỏng”

Theo UBND tỉnh, cát hồ Dầu Tiếng là loại khoáng sản tự nhiên, được hình thành trong quá trình bồi lắng từ thượng nguồn sông Sài Gòn qua các nhánh rạch trong khu vực hồ, có trữ lượng hằng năm lớn.

Ðây là nguồn vật liệu xây dựng chính, quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực. Mặt tích cực của việc khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng là có nguồn khoáng sản dồi dào, trữ lượng lớn, đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt và việc khai thác không gây sạt lở như khai thác cát trên sông.

Trước thông tin dư luận về công tác quản lý hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, Tây Ninh đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của Trung ương trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng, đặc biệt là từ năm 2015 trở lại đây.

Các ngành chức năng có liên quan cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, về bảo vệ môi trường ở hồ Dầu Tiếng.

“Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng bộ- nhất là công tác quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, cũng như xử lý vi phạm trong khu vực hồ Dầu Tiếng.

Công tác quản lý được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định, bảo đảm gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo vệ cảnh quan môi trường và an toàn hồ, đập”, UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Gần đây nhất, đầu tháng 6.2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1418/QÐ-UBND về việc thành lập tổ tham mưu xử lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kiểm tra xử lý và báo cáo theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trước thông tin về hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng cũng như về công tác quản lý đối với hoạt động này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành kiểm tra và kịp thời thông tin phản hồi.

Theo đó, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong hồ được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo Luật Khoáng sản năm 2010 và các quy định hướng dẫn. Các vị trí được cấp phép khai thác cát tại sông nhánh, rạch phía thượng nguồn cũng như cự ly từng mỏ, từng bến bãi cách xa nhau để tránh làm ảnh hưởng tiêu cực đến hồ nước và cảnh quan môi trường.

Từ năm 2016 đến nay. Tổng cục Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam đã 2 lần kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, các giấy phép khai thác được cấp cơ bản đầy đủ hồ sơ và căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật. Sau khi được cấp phép khai thác, các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định trước khi khai thác khoáng sản.

Sẽ quản lý chặt chẽ hơn

Ngoài quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện chở cát quá tải trọng như: lập trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đặt trên tuyấn đường 781 thuộc xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu; xử lý nghiêm phương tiện chở quá tải trọng, chở cát không che chắn...

Trong thực tế, có một số tuyến giao thông nằm trong trục đường vận chuyển cát hiện xuống cấp nặng do đã được đưa vào sử dụng trên 10 năm. Thời gian qua, tỉnh đã bố trí kinh phí sửa chữa thường xuyên nhưng chưa hoàn chỉnh.

Riêng tuyến đường 781 (đoạn từ ngã ba Bờ Hồ đến ranh tỉnh Bình Dương) đã được đưa vào sử dụng hơn 34 năm nên cần sớm được đầu tư nâng cấp mở rộng. Dự kiến, trong năm 2018, tỉnh sẽ triển khai đầu tư nâng cấp tuyến đường này.

Sắp tới, tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng các tuyến đường 781B từ ngã ba Bờ Hồ đến đường 785, đường Ðất Sét - Bến Củi, đường 782 - 784 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phục vụ vận tải lưu thông được tốt hơn.

Về môi trường và nguồn nước, UBND tỉnh cho biết, hồ Dầu Tiếng được tích nước từ sông Sài Gòn và điều tiết từ hồ Phước Hoà. Hiện hồ tiếp nhận 42 nguồn nước thải (mỗi nguồn thải từ 50m3/ngày trở lên), với tổng lưu lượng nước thải khoảng từ 55.000 đến 60.000m3/ngày.

Trong đó, riêng Tây Ninh có 38 nguồn xả thải. Nhằm bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm, các nguồn thải được Tây Ninh cấp phép thải vào lưu vực hồ đều đã được chủ nguồn thải xử lý đạt cột A quy chuẩn theo quy định.

Nguồn nước này theo dòng chảy từ các suối Tà Ôn, Tà Ly và được lưu lại tại khu vực bến Cửu Long, không chảy ra đầu nguồn sông Sài Gòn do mực nước sông Sài Gòn cao chiếm ưu thế hơn.

Trước thông tin phản ánh nước hồ Dầu Tiếng có biểu hiện đục, không xanh và cho rằng có tình trạng ô nhiễm từ việc khai thác cát, UBND tỉnh cho biết, thực chất việc nước hồ có màu đục hay xanh là do nhiều yếu tố.

Tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi, kiểm tra và có biện pháp phòng chống ô nhiễm nguồn nước hồ. Hiện đã vào mùa mưa, chất lượng nước hồ Dầu Tiếng bình thường.

UBND tỉnh đang đề ra biện pháp đồng bộ để bảo đảm môi trường nước, trong đó có phương án di dời dân di cư tự do ra khỏi khu vực lòng hồ, quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải, cũng như không để tái diễn tình trạng nuôi trồng thuỷ sản trong hồ.

Về thuế và các khoản thu theo quy định, theo UBND tỉnh, qua kiểm tra, rà soát cho thấy cơ bản các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thực hiện đúng quy định về hợp đồng mua bán, xuất hoá đơn cho tổ chức cá nhân hoặc ghi sổ sách theo dõi khi bán lẻ cát.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng phát hiện một số doanh nghiệp chưa bảo đảm việc kê khai đầy đủ bằng hoá đơn VAT trong mua bán cát cho nên việc quản lý xuất bán cát qua hoá đơn VAT chưa sát thực tế lượng cát xuất bán; có 3 doanh nghiệp còn nợ thuế. Cục Thuế tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp này khẩn trương nộp các khoản thuế còn nợ.

UBND tỉnh xác nhận công tác quản lý hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số khó khăn. Cụ thể như tình trạng khai thác cát trái phép trong khu vực hồ Dầu Tiếng (nhất là vùng giáp ranh) vẫn còn xảy ra; nhiều tổ chức, cá nhân tăng công suất khai thác vượt mức được cấp phép.

Do diện tích mặt hồ rất rộng, nhiều nơi không có dân cư nên việc phát hiện hành vi vi phạm gặp khó khăn. Ngành chức năng rất khó phát hiện, xử lý vi phạm vùng giáp ranh vì khi phía Tây Ninh tăng cường kiểm tra xử lý thì tàu, ghe di chuyển qua vùng giáp ranh giữa các tỉnh.

UBND tỉnh cũng nêu một số hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng như: công tác quản lý có lúc, có mặt chưa chặt chẽ. Việc phối hợp giữa các ngành để cấp các loại giấy phép chưa đồng nhất; để nhiều tàu hoạt động hút cát ngoài số lượng đã đăng ký (82/194 tàu) dẫn đến không kiểm soát đúng sản lượng khai thác.

Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, có lúc chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương có liên quan trong quản lý các hoạt động khai thác cát có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả. Việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát chưa thật đồng bộ, chưa sát thực tế. Việc xử lý vi phạm có lúc chưa kịp thời, chưa quyết liệt.

Hiện nay, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, bảo đảm mọi hoạt động có liên quan đều tuân thủ đúng pháp luật.

ÐÌNH CHUNG

Năm 2017, Tây Ninh đã xử lý 18 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt 15 vụ với tổng sổ tiền gần 1,3 tỷ đồng, tịch thu 3 tàu hút cát và trên 500m3 cát bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước 780 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 1 tổ chức trong thời gian 9 tháng.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 11 vụ, phạt hơn 500 triệu đồng, tịch thu 573,88m3 cát, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 9 tháng đối với 4 doanh nghiệp và 2 tháng đối với 1 doanh nghiệp; thu hồi 1 giấy phép bến thuỷ nội địa; trục xuất 104 tàu (trong đó 82 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác được cấp phép; 22 tàu dự phòng của các doanh nghiệp) ra khỏi hồ Dầu Tiếng.
Tin cùng chuyên mục