Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhà máy đường Nước Trong:
Nỗ lực “cứu” mía
Thứ tư: 11:27 ngày 28/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giá mía ngày càng giảm, kéo theo lợi nhuận của người trồng giảm mạnh. Ðể nông dân yên tâm trồng mía, trong niên vụ 2018-2019, nhà máy bắt đầu áp dụng một số cải tiến mới trong kỹ thuật canh tác nhằm hạ giá thành sản xuất, gia tăng tính cạnh tranh của cây mía so với các loại cây trồng khác.

Cơ giới hoá trong thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu thuộc nhà máy đường Nước Trong.

Nhà máy đường Nước Trong (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) là một trong 9 nhà máy đường thuộc Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà. Vùng nguyên liệu của nhà máy rộng gần 3.000 ha với sản lượng 200.000 đến 280.000 tấn mía/năm. Anh Dương Nguyễn Phúc - Phó Giám đốc nhà máy cho biết, cơ giới hoá là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, vừa giúp giảm chi phí, vừa tăng năng suất.

Giá mía ngày càng giảm, kéo theo lợi nhuận của người trồng giảm mạnh. Ðể nông dân yên tâm trồng mía, trong niên vụ 2018-2019, nhà máy bắt đầu áp dụng một số cải tiến mới trong kỹ thuật canh tác nhằm hạ giá thành sản xuất, gia tăng tính cạnh tranh của cây mía so với các loại cây trồng khác.

Cụ thể, nông trường thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy đã sử dụng máy kéo công suất cao để kết hợp cày “3 trong 1” - gồm cày ngầm, bón phân và rạch hàng. Việc cải tiến kỹ thuật cày đã giúp người trồng mía tiết kiệm chi phí so với trước đây, khi phải thực hiện lần lượt từng khâu (rẻ hơn 800.000 đồng/ha so với quy trình cũ).

Việc kết hợp “3 trong 1” ở khâu diệt cỏ và bón phân (bón phân, bừa cỏ, phun thuốc) đã giảm chi phí thực hiện từng khâu hơn 1 triệu đồng/ha. Việc kết hợp cày ngầm, cắt lá, bón phân giảm được hơn 500.000 đồng/ha so với quy trình cũ. Trong khâu tưới, nông trường áp dụng kỹ thuật tưới hom 1 lần ngay trước khi lấp đất thay vì tưới bằng béc quay với tần suất quanh năm như trước. Kỹ thuật này giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí tưới, từ đó giảm chi phí chung.

Anh Dương Nguyễn Phúc cho biết thêm, việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới này đã bước đầu tạo ra hiệu quả cho nông trường. Nếu khả quan, nhà máy sẽ nhân rộng quy mô, phổ biến rộng ra vùng nguyên liệu của nhà máy cũng như ruộng mía hợp tác với nông dân.

Ðáng chú ý là theo định hướng của Tổng Công ty, nhà máy đường Nước Trong đang hướng đến việc sản xuất nông nghiệp sạch và định hướng đến năm 2022 sẽ chuyển thành vùng nguyên liệu chuyên canh mía organic.

Ðến nay, nhà máy đường Nước Trong đã vào vụ chế biến. Sản lượng mía ép (đến ngày 18.11.2018) là 81,949 tấn; sản lượng đường thành phẩm 8,045 tấn; CCS bình quân là 10.03 CCS, cao hơn so với thời điểm cùng kỳ 8,5%.

Nhà máy đang gặp một số khó khăn trong quá trình thu hoạch mía, đó là tình trạng nhân công lao động ngày càng khan hiếm, thiếu hụt. Giá mía giảm chỉ còn 700.000 đồng/tấn dẫn đến tình trạng diện tích đất trồng mía bị thu hẹp. Dù mới đầu vụ chế biến nhưng diện tích mía cháy tăng liên tục.

Theo đại diện khối Nông nghiệp, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hoà, trong niên vụ mía 2018-2019, TTC Sugar tập trung vào các vấn đề chính: giảm chi phí canh tác cho nông dân; cải thiện quy trình làm đất, nâng cao hiệu quả của việc trồng, chăm sóc; ứng dụng các loại giống chịu ngập úng, năng suất đường cao; hướng đến kỹ thuật canh tác hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí (sử dụng giống chất lượng để không cần xử lý hom, trồng mía không lột lá, tăng hàm lượng canh tác bằng máy để giảm lệ thuộc vào công lao động đang ngày càng khan hiếm); cơ cấu lại vùng nguyên liệu, định hướng chính sách khuyến khích nông dân gắn bó lâu dài (ít nhất 1 chu kỳ 3 năm) với cây mía; tăng tỷ trọng quy mô diện tích trong phân nhóm khách hàng để tập trung những khách có quy mô lớn; nâng tỷ lệ thu hoạch bằng máy trong toàn hệ thống của TTC Sugar lên 70% đến năm 2020.

 Bên cạnh đó, với ưu thế sẵn có của các vùng nguyên liệu lớn, địa hình bằng phẳng thì việc áp dụng quy trình canh tác mới, chuyên sâu, cơ giới hoá đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, cùng với các kỹ thuật canh tác hiện đại, bón phân cân đối… sẽ giúp nông dân tiết giảm tối đa chi phí canh tác (lên đến 30 - 40% so với cách làm cũ), bảo đảm đầu ra, duy trì lợi nhuận của nông dân trồng mía. Ðây cũng là một trong những chính sách trọng điểm TTC Sugar xây dựng cho niên vụ 2018-2019 cũng như định hướng sắp tới.

ÐÌNH CHUNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục