Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công an Tân Biên:

Nỗ lực đẩy lùi ma tuý 

Cập nhật ngày: 14/04/2019 - 13:33

BTN - Thời gian qua, có quá nhiều vụ án xảy ra mà người nghiện ma tuý là thủ phạm. Số người nghiện và nghi nghiện ma tuý đang có xu hướng tăng lên. Làm thế nào kéo giảm số người nghiện, nghi nghiện ma tuý để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra? Ðó là câu hỏi lớn mà lãnh đạo Công an huyện Tân Biên đặt ra.

Đoàn công tác của Công an huyện và xã Thạnh Bình đến trao đổi với người nghiện.

Nếu chỉ tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng hay những buổi họp dân cư như trước đây, hiệu quả tác động vẫn chưa được như mong muốn. Vì thế, Công an huyện Tân Biên đưa ra phương án “Ðến từng ngõ, gõ từng nhà”, trực tiếp trò chuyện, trao đổi với những người có con, cháu bị nghiện và nghi nghiện ma tuý.

Bắt tay vào triển khai thực hiện, Công an huyện chọn xã Hoà Hiệp làm thí điểm. Ðây là xã có 13 trường hợp nghiện và nghi nghiện ma tuý. Ðể tăng hiệu quả vận động, xã thành lập đoàn công tác, trong đó, Công an xã là lực lượng chủ trì, phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể như Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh… đi đến từng nhà, tìm hiểu, vận động từng trường hợp cụ thể.

“Sau khi thí điểm ở Hoà Hiệp, bước đầu khá hiệu quả. Trước đây, một số gia đình mặc cảm vì có con em nghiện ngập nên thường giấu giếm. Mục đích của chúng tôi là muốn các gia đình hiểu rõ, người nghiện là người bị bệnh, cần được quan tâm, chữa trị. Khi đến, chúng tôi đưa ra một số hình ảnh người nghiện ma tuý, những trường hợp cụ thể ở tại địa phương đổ vỡ hạnh phúc gia đình, thiệt hại về kinh tế do ma tuý để mọi người thấy được tác hại của chất gây nghiện này. Từ đó, gia đình sẽ chủ động cung cấp thông tin về con em có sử dụng ma tuý để đội hỗ trợ và nếu cần thiết, sẽ làm hồ sơ đưa đi cai nghiện”, Ðại uý Hoàng Bảo Trung - Phó Ðội trưởng Ðội CSÐTTP ma tuý - Công an huyện cho biết.

Cũng theo Ðại uý Trung, trước đây, nhiều người cho rằng vào cơ sở cai nghiện như ở tù. Thật ra, đây chỉ là bước cuối cùng để giúp người nghiện cai ma tuý sau khi tự cai tại gia đình không hiệu quả. Sau khi hiểu được, nhiều gia đình phối hợp rất tốt với Công an, địa phương. Cụ thể như trường hợp của N.A.T.T sử dụng ma tuý từ tháng 4.2018. Khi xác định T bị nghiện, địa phương cũng đã vận động T cai nghiện tại gia đình, nhưng không hiệu quả. Sau đó, T vẫn tiếp tục sử dụng ma tuý. Thấy vậy, mẹ của T đã gọi điện nhờ Công an xã hỗ trợ đưa đi cơ sở cai nghiện.

Tân Biên có khoảng 440 người nghiện và nghi nghiện ma tuý. Từ kết quả thí điểm, Công an huyện triển khai đến các xã còn lại. Hiện nay, đã có 6/10 xã, thị trấn của huyện thành lập các đoàn công tác đi đến từng nhà người nghiện và nghi nghiện ma tuý để tuyên truyền, vận động.

Tại nhà bà P.T.Ð, ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Bình, đoàn công tác của huyện và xã đến hỏi thăm tình hình cậu con trai út của bà tên là N, năm nay 17 tuổi, không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm đó. Khoảng giữa năm 2018, trong một lần đi dự tiệc, có chút rượu, nghe bạn bè rủ, N thử một ít ma tuý và bắt đầu có dấu hiệu nghiện.

“Khi N có những biểu hiện gì lạ, cô báo cho tụi con vào để hỗ trợ. Mình phòng ngừa từ xa sẽ tốt hơn. Cô đừng để N ngày càng nặng, dần dần không còn là N của cô nữa mà biến thành con người khác, thậm chí có thể biến thành người phạm tội. Vì một tép ma tuý nhỏ xíu thôi đã mất 200-300 ngàn đồng. Không làm ra tiền để mua ma tuý sử dụng, họ buộc phải trộm cắp. Nếu bị phát hiện, Công an bắt thì phải đi tù. Hay nguy hiểm hơn, khi lên cơn “ngáo đá”, người nghiện không còn nhận rõ người thân của mình là ai, rồi vung dao chặt chém, lúc đó người thân mất mạng hoặc bị thương tật, họ cũng phải đi tù”, Trung uý Nguyễn Văn Hưng - Ðội CSÐTTP ma tuý- Công an huyện trao đổi với bà P.T.Ð.

Bà Ð cho biết, nhà có 7 người con. 6 người con lớn của bà đều nên người, dù kinh tế không khá giả nhưng ai cũng chí thú làm ăn, không ai vướng vào các tệ nạn xã hội. Chỉ có cậu con út khiến bà lo lắng nhiều. “Khi biết thằng N sử dụng ma tuý, tôi lo lắm. Nó đi đâu tôi cũng không yên, cứ sợ nó gây ra chuyện gì không hay. Gần đây, có mấy anh Công an đến hỏi thăm, rồi khuyên bảo, tui mừng lắm. Giờ chỉ mong nó nghe lời mấy anh Công an, tu tỉnh để làm lại cuộc đời”, bà Ð nói.

Ðể có thể đẩy lùi được ma tuý, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng và gia đình, quan trọng nhất vẫn là nghị lực và ý chí của bản thân người nghiện. Anh Ð.X.Q ở ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Bình cho biết, hơn một năm trước, trong những lần đi chơi quán bar cùng bạn bè, anh đã thử với ma tuý. “Dù liều dùng của mình không nặng như người khác, nhưng nếu còn sử dụng thì sẽ lún sâu vào. Nên khi được các anh công an đến nói chuyện, tôi hiểu hơn và đang cố gắng từ bỏ ma tuý”, anh Q nói.

Khi đến từng hộ gia đình, đoàn công tác đều gửi cho người thân của những người nghiện một tấm card trong đó ghi đầy đủ số điện thoại của Công an huyện, Công an xã, để khi cần hỗ trợ, mọi người có thể liên lạc báo tin.

“Việc triển khai hình thức tuyên truyền, vận động này đã được Ðảng uỷ, chính quyền các xã đồng tình, ủng hộ. Tất cả cùng vào cuộc với lực lượng Công an. Như vậy, Công an không đơn độc trong công tác phòng, chống ma tuý; và rõ ràng là hiệu quả cao hơn trước rất nhiều”, Trung tá Trần Kim Kiên - Phó trưởng Công an huyện Tân Biên cho biết.

Với cách làm này, Tân Biên sẽ dần nâng cao ý thức của mọi người để cùng thực hiện cuộc vận động “Ba không với ma tuý”: không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma tuý; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma tuý. Khi có sự đồng tình, chung sức của cả xã hội, vấn nạn ma tuý sẽ được đẩy lùi.

Ngọc Diêu - Hoàng Kha