BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh 

Cập nhật ngày: 16/10/2023 - 05:25

BTN - Từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng MCBGTKS đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội.

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) gây ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến sự phát triển bền vững về cơ cấu, chất lượng dân số. Những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Trao học bổng cho các nữ sinh học giỏi là con của các gia đình sinh 2 con một bề là gái.

Dữ liệu từ tổng điều tra về dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, hằng năm dự báo có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam và các bằng chứng này cho thấy nguyên do là việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trên cơ sở định kiến giới.

Cũng theo dự báo từ dữ liệu của tổng điều tra năm 2019, đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và đến năm 2059 thì con số này là 2,5 triệu (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu tỷ lệ hiện tại về MCBGTKS không giảm. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra, trong khi TSGTKS ở mức “tự nhiên” là từ 105-106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra.

Việc gia tăng TSGTKS không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ, thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ tăng… Vì thế, TSGTKS được coi là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bình đẳng giới.

Tại Việt Nam có 3 nhóm nguyên nhân dẫn tới MCBGTKS, đó là: văn hoá trọng nam hơn nữ, tâm lý yêu thích con trai là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng MCBGTKS; do hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam chưa phát triển, đặc biệt là ở nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội; sự phát triển của khoa học công nghệ, không ít gia đình lạm dụng những tiến bộ này để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.

TSGTKS của tỉnh Tây Ninh thời gian qua không ổn định. Cụ thể, năm 2016: 112,27 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; năm 2017: 111 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; năm 2018: 107,13 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; năm 2019: 107 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; năm 2020: 106,77 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Năm 2021, Bộ Y tế đưa Tây Ninh vào nhóm 24 tỉnh, thành phố có TSGTKS dưới 109 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Như vậy, MCBGTKS tại tỉnh Tây Ninh còn tính chất phức tạp, dẫn đến những hệ luỵ xấu ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Tây Ninh, hằng năm, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó tập trung nỗ lực, tạo chuyển biến rõ nét ở những địa phương có TSGTKS cao.

Mục tiêu của Đề án nêu rõ, khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS của tỉnh Tây Ninh, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Cụ thể:  triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì TSGTKS của tỉnh Tây Ninh ở mức 109 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống vào năm 2025, và dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống vào năm 2030.

Truyền thông lưu động hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11.10.2023.

Từng bước khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa tỷ số này lại mức cân bằng tự nhiên là một yêu cầu vô cùng cấp bách. Điều đó đòi hỏi cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, quyết liệt ngay từ bây giờ. Đồng thời sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành có liên quan, của cả hệ thống chính trị cũng là một yêu cầu cấp thiết.

Thời gian qua, các địa phương trên toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Công tác truyền thông giáo dục được thực hiện thường xuyên, đa dạng từ tỉnh đến cơ sở thông qua các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, hội nghị; đẩy mạnh truyền thông qua hệ thống mạng điện thoại di động, các mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube, TikTok; phát huy thế mạnh của mạng lưới cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên của các ngành, cán bộ y tế tại cơ sở... góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trên địa bàn tỉnh; từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng MCBGTKS đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội, từ đó có những chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng MCBGTKS.

Với nỗ lực, quyết tâm của những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, công tác DS-KHHGĐ đã và đang đạt được những kết quả quan trọng về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Năm 2021, TSGTKS toàn tỉnh: 106,72  bé trai/100 bé gái, giảm 0,02 điểm % so năm 2021, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 ≤107 bé trai/100 bé gái; năm 2022 tỷ số này là: 107,55 bé trai/100 bé gái, giảm tăng 0,81 điểm % so năm 2021, không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 ≤107 bé trai/100 bé gái. Còn kết quả sơ bộ của 6 tháng đầu năm 2023, có 108,1 bé trai/100 bé gái, kế hoạch năm 2023 ≤107,55 bé trai/100 bé gái.

Trong điều kiện đời sống kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay, không dễ dàng thay đổi được quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ của một bộ phận người dân. Trước thực tế đó, để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu MCBGTKS nhằm khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS.

Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với việc giảm thiểu tình trạng MCBGTKS tại cộng đồng, nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát tình trạng MCBGTKS và phát huy hiệu quả quản lý, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS... nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.

Thanh Hạnh