BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực hạn chế ô nhiễm rạch Tây Ninh

Cập nhật ngày: 30/12/2009 - 05:53

 

Xây dựng bờ kè hai bên rạch Tây Ninh.

Rạch Tây Ninh là đường thuỷ duy nhất thông thương giữa các tỉnh khác với thị xã Tây Ninh. Những năm gần đây, do ảnh hưởng nước thải công nghiệp và cả nước thải sinh hoạt đô thị nên con rạch này đã bị ô nhiễm. Để cứu rạch Tây Ninh, trong thời gian qua lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nỗ lực xử lý tình trạng ô nhiễm. Đến nay, tuy ô nhiễm chưa được loại trừ triệt để, nhưng nước con rạch không còn “nặng mùi” như trước đây- kể cả trong mùa khô khi nước cạn.

Rạch Tây Ninh có chiều dài gần 38 km bắt nguồn từ xã Trà Vong chảy qua thị xã Tây Ninh và đổ ra sông Vàm Cỏ Đông. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tại trên lưu vực rạch Tây Ninh có 20 cơ sở công nghiệp chế biến hoạt động có khả năng gây ô nhiễm nước con rạch. Trong đó đáng kể nhất là 16 cơ sở chế biến khoai mì, tổng công suất khoảng 150 tấn bột/ngày, và tổng lượng nước thải khoảng hơn 3.000 m3/ngày. Đồng thời, còn có 2 nhà máy chế biến cao su với tổng công suất khoảng 50 tấn mủ/ngày và 2 nhà máy chế biến đường với tổng công suất 11.500 tấn mía/ngày. Hơn 5 năm trước đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước rạch Tây Ninh rất nghiêm trọng. Lúc đó, nước rạch rất nặng mùi và cá trong rạch nhiều lần bị chết hàng loạt.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm rạch Tây Ninh ngày càng nghiêm trọng, ngành chức năng đã tham mưu lãnh đạo tỉnh quyết định lộ trình xử lý các cơ sở chế biến gây ô nhiễm. Năm 2003, trong tổng số 20 cơ sở chế biến trên lưu vực rạch Tây Ninh, có 6 cơ sở chế biến khoai mì cùng 2 nhà máy chế biến mía đường được đưa vào kế hoạch phải xử lý ô nhiễm theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2007, có 2 cơ sở chế biến khoai mì và 1 cơ sở chế biến cao su được đưa vào kế hoạch phải thực hiện xử lý ô nhiễm theo Quyết định số 759/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Năm 2008, tiếp tục có 6 cơ sở chế biến khoai mì phải thực hiện xử lý ô nhiễm theo Quyết định số 1762/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Năm 2009 tiếp tục có 2 cơ sở chế biến khoai mì và 1 cơ sở chế biến cao su phải thực hiện xử lý ô nhiễm theo Quyết định số 1129/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Kết quả đến nay, trong 20 cơ sở chế biến có khả năng gây ô nhiễm rạch Tây Ninh, đã có 3 cơ sở khắc phục hoàn chỉnh việc ô nhiễm, 5 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đang hoạt động thử nghiệm, 2 cơ sở đã ngưng hoạt động, 1 cơ sở di dời đến nơi khác. Đồng thời ngành chức năng đã đề nghị UBND tỉnh tạm đình chỉ hoạt động 1 cơ sở. Và hiện còn 8 cơ sở chưa thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực đôn đốc các cơ sở này thực hiện xử lý nước thải, nếu không sẽ đề xuất UBND tỉnh đình chỉ hoạt động hoặc phải di dời đi nơi khác. Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học quốc gia TP.HCM thực hiện chương trình hợp tác với Viện Nghiên cứu thuỷ lợi nước Cộng hoà Liên bang Đức để thực hiện dự án “xử lý nước thải tinh bột khoai mì và giảm thiểu ô nhiễm nước bằng biện pháp quản lý hiệu quả nguồn nước tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam Việt Nam”. Hiện dự án này đang thực hiện thí điểm ở cơ sở chế biến khoai mì Thanh Vinh thuộc xã Ninh Sơn- thị xã Tây Ninh. Khi có kết quả sẽ được nhân rộng ra các cơ sở chế biến khoai mì trên lưu vực rạch Tây Ninh nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đoạn rạch Tây Ninh chảy qua trung tâm Thị xã hiện nay.

Ngoài ra, tuy không là chủ yếu nhưng nước thải sinh hoạt cũng góp phần gây ô nhiễm nguồn nước rạch Tây Ninh. Dọc hai bên con rạch- nhất là ở khu vực trung tâm Thị xã dân cư rất đông đúc. Để hạn chế nước thải sinh hoạt chảy tự do xuống lòng rạch, đồng thời tạo mỹ quan cho thị xã Tây Ninh, từ năm 2000 UBND tỉnh quyết định đầu tư kinh phí xây dựng bờ kè hai bên bờ rạch Tây Ninh đoạn chảy qua Thị xã với tổng chiều dài là 3.600 mét. Đồng thời đầu tư nạo vét hoàn tất rạch Tây Ninh- từ bến Trường Đổi đến cầu Thái Hoà dài 2.100 mét để làm thông thoáng dòng chảy.

Với những nỗ lực xử lý quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng, hy vọng trong một ngày không xa, lòng rạch Tây Ninh sẽ thông thoáng, nước rạch lại trong lành và quang cảnh hai bên bờ rạch ngày càng sạch đẹp hơn.

SƠN TRẦN