BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội Phụ nữ xã Thành Long, huyện Châu Thành:

Nỗ lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 

Cập nhật ngày: 17/02/2021 - 19:50

BTNO - Xã Thành Long (huyện Châu Thành) có hơn 2.300 hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại 8 chi hội và 50 tổ hội. Đời sống chị em chủ yếu gắn với nghề nông. Thời gian qua, mô hình “Tổ gia công đan lát các mặt hàng giả mây” được Hội Phụ nữ xã triển khai tại ấp Thành Đông đã giúp chị em có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Chị em có thể nhận tiền công khi hoàn thành sản phẩm hoặc nhận vào cuối tháng tuỳ theo nhu cầu.

Qua nắm bắt nhu cầu của hội viên phụ nữ với mong muốn một việc làm ổn định, cuộc sống gia đình đỡ khó khăn, Hội LHPN xã kết nối với một công ty tại TP.Hồ Chí Minh chuyên sản xuất các mặt hàng đan lát sản phẩm thủ công từ nhựa giả mây.

Để nhận các sản phẩm về cho chị em phụ nữ làm, Hội cử chị Lê Thị Kim Thuý - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thành Đông đứng ra học kỹ thuật, nghiên cứu các mẫu sản phẩm, vừa dạy nghề vừa nhận khung, dây nhựa về hướng dẫn cho chị em hội viên.

Chị Thuý cho biết, trong quá trình thực hiện, bước đầu còn gặp nhiều khó khăn do mọi người chưa thạo công việc, thu nhập chưa cao, có khoảng 10 – 15 người học. Sau một thời gian làm, tay nghề nâng lên tăng thu nhập, chị em phấn khởi và giới thiệu cho nhau. Tính đến nay tổ gia công đã giải quyết được hơn 60 lao động nông thôn ở xã Thành Long và các xã lân cận như Hoà Hội, Hoà Thạnh, Ninh Điền và Thanh Điền.

Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thành Đông cho biết thêm, làm nghề này khá đơn giản, chỉ cần chịu khó, khéo tay, sau 2 đến 3 ngày học nghề là có thể làm được. Hiện có nhiều mặt hàng chị em có thể làm thành thạo như rổ, giỏ, xe đẩy em bé…

Mỗi người bình quân 1 ngày có thể đan được 3 cái giỏ (mỗi cái 25.000 đồng). Đối với mặt hàng rổ, một người thành thạo công việc bình quân đan được 20 cái/ngày (với giá 6.000 đồng/cái). Mức thù lao dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/ ngày, tuỳ theo thời gian chị em bỏ ra cũng giúp mọi người có thêm nguồn thu nhập từ việc làm gia công trong thời gian rảnh rỗi.

Người làm có thể nhận tiền công khi hoàn thành sản phẩm hoặc nhận vào cuối tháng tuỳ theo nhu cầu. Ưu điểm của nghề này là không ràng buộc về thời gian, ai cũng có thể làm được, không phân biệt lao động nam hay nữ, kể cả người lớn tuổi, thanh thiếu niên… Nếu không muốn làm tại chỗ thì có thể nhận hàng (dây nhựa, khung) về nhà làm thêm khi rảnh, vừa quản lý được nhà cửa, con cái lại vừa có thêm thu nhập.

Công việc đan lát sản phẩm thủ công từ nhựa giả mây giúp phụ nữ có cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Chị Huỳnh Ngọc Trâm, ngụ ấp Thành Đông, xã Thành Long cho biết, “trước đây, tôi ở nhà giữ con, không có thu nhập, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào công việc của chồng. Từ khi bắt đầu công việc đan lát sản phẩm thủ công từ nhựa giả mây, mỗi tháng tôi kiếm được hơn 3 triệu đồng. Cuộc sống gia đình đỡ vất vả, mua sắm thêm nhiều đồ dùng hơn”.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long cho biết, ngoài việc đi cạo mủ cao su, chị tranh thủ đan giỏ nhựa giả mây kiếm chút tiền nuôi con. Tranh thủ thời gian rảnh, mỗi ngày chị kiếm thêm được 60.000 đồng. Công việc đan giỏ có thể làm tại nhà, vô cùng thuận tiện cho chị em nhàn rỗi.

Bà Trịnh Thị Thoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Long cho biết, ngoài việc kết nối, tạo việc làm cho chị em phụ nữ, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho 22 trường hợp với số tiền từ 2 – 10 triệu đồng.

Hội đã kết nối với các công ty hỗ trợ cho 6 trường hợp khởi nghiệp kinh doanh với số tiền 12 triệu đồng; khai thác nguồn vốn thông qua các chương trình, giúp chị em kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi và trồng trọt. Hiện nay, nguồn vốn liên tịch với Ngân hàng Chính sách trên 11 tỷ đồng với 413 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện 3 tỷ 730 triệu đồng với 46 hộ vay. Thông qua hoạt động hỗ trợ vốn giúp phụ nữ khởi nghiệp, đến nay có 9 trường hợp thoát nghèo.

“Hoạt động hỗ trợ vốn khởi nghiệp, dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, tạo đòn bẫy giúp mọi người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đơn vị quan tâm, tạo điều kiện, kết nối các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm góp phần tạo công ăn việc làm, giúp chị em ổn định cuộc sống”, Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Long nói.

Mọi người làm thành thạo nhiều mặt hàng như rổ, giỏ, xe đẩy em bé…

Ông Nguyễn Hoàng Long- Bí thư Đảng uỷ xã Thành Long khảng định: “Đây là mô hình có hiệu quả đối với lao động nông thôn. Với thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/tháng, tuy chưa phải là cao nhưng giải quyết được việc làm cho chị em nông thôn. Qua đó, từng bước chung tay xoá đói, giảm nghèo.

Phương Thảo – Hà Quang