Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nỗ lực hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động công chứng
Thứ sáu: 21:08 ngày 14/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 14.1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác thi hành Luật Công chứng. Ông Phan Chí Hiếu- Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp.

Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20.6.2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Công tác triển khai thi hành Luật Công chứng được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng ở Trung ương, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng cơ bản được nâng lên, tạo tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Luật Công chứng trên phạm vi toàn quốc và trong từng địa phương.

63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành kế hoạch về việc thi hành Luật Công chứng, triển khai các hoạt động để đưa luật vào cuộc sống như tổ chức tập huấn, tuyên truyền, quán triệt nội dung cơ bản của luật thông qua các hình thức hội nghị, phóng sự, toạ đàm, giới thiệu qua báo hình, báo giấy, lồng ghép phổ biến pháp luật về công chứng trong sinh hoạt thông qua “Ngày pháp luật”... 

Về việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành quan tâm, thường xuyên nghiên cứu, rà soát các văn bản, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật để thực hiện có hiệu quả, thống nhất Luật Công chứng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có 2 nghị định, 1 nghị quyết, 5 thông tư đã được ban hành. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu ban hành 1 Luật và kịp thời ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng.

Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng (giai đoạn 2015-2019), các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được gần 8,5 ngàn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng thù lao công chứng thu được gần 1,4 ngàn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 1,7 ngàn tỷ đồng. Tính đến ngày 31.12.2019, đa số các văn bản công chứng đều bảo đảm an toàn pháp lý. Số lượng vụ việc phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khá thấp. Nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 còn tồn tại, hạn chế như số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đồng đều; chất lượng hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng, chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, thiếu sự liên kết, tích hợp giữa cơ sở dữ liệu công chứng với các dữ liệu của các ngành có liên quan. Việc phân định công chứng - chứng thực chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động…

Tính đến ngày 31.12.2019, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 14 tổ chức hành nghề công chứng đặt tại 9 huyện, thành phố với 29 công chứng viên đang hành nghề tại các đơn vị. Số lượng, chất lượng công chứng viên ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch cho cá nhân, tổ chức; giảm thiểu lượng công việc cho UBND cấp xã tập trung giải quyết các công việc khác theo thẩm quyền; bảo đảm an toàn pháp lý, hạn chế tranh chấp, rủi ro cho giao dịch dân sự của các cá nhân, tổ chức, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng, chứng thực của nhân dân tại địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, xã hội. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị ngành Tư pháp cần tập trung hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động công chứng; phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo định hướng đã xác định trong Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19.11.2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.. Đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cải cách tư pháp, đưa hoạt động công chứng Việt Nam hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. 

Xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, chấp hành nghiêm pháp luật và quy tắc nghề nghiệp, trong đó tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập sự. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề công chứng, như chia sẻ thông tin, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan; phát huy vai trò tự quản của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, hội công chứng viên các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động công chứng, quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng…

Phương Thảo - Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục