BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực khống chế tỷ số giới tính khi sinh 

Cập nhật ngày: 05/07/2017 - 09:59

Trong bối cảnh hiện nay tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) chung của cả nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm thì Hà Nội đã và đang kiềm chế được tốc độ này. Trong hai năm 2015 và 2016, TSGTKS của Hà Nội đã giảm xuống 114 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Ước tính năm 2017, Hà Nội vẫn giữ được tỷ số này.

Cán bộ dân số huyện Đông Anh (Hà Nội) tư vấn kiến thức làm mẹ an toàn cho người dân trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Nói về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS), Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết: Hiện nay, tình trạng này đã và đang gia tăng, trở thành một trong những vấn đề nóng của công tác DS-KHHGĐ. Theo các chuyên gia, để giảm được TSGTKS xuống và đưa trở về mức tự nhiên từ 105 đến 107 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái là cả một vấn đề nan giải. Với các giải pháp được đề ra, TSGTKS ở Việt Nam không được vượt quá 115 trẻ trai vào năm 2020 và sau đó mới có khả năng duy trì, khống chế, giảm dần xuống. Hiện nay, trong số các quốc gia rơi vào tình trạng này, duy nhất mới có Hàn Quốc đưa được TSGTKS về mức tự nhiên trong vòng 20 năm.

Trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng mất cân bằng GTKS diễn ra khá phức tạp. Tỷ số GTKS của Hà Nội luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2009, TSGTKS của Hà Nội rất cao 118 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (viết tắt là 118/100). Với những nỗ lực của những người làm công tác dân số và sự vào cuộc của thành phố, TSGTKS của Hà Nội đã giảm từ 117/100 (năm 2010, 2011) xuống 114,5/100 (năm 2014).

Trong các năm liên tiếp 2015, 2016, 2017, TSGTKS của Hà Nội đã được khống chế ở mức 114/100. Trong tình hình chung TSGTKS diễn biến phức tạp và vẫn có xu hướng tăng, việc Hà Nội khống chế tỷ số này không tăng trong ba năm liền đã là một kết quả đáng khích lệ, nhất là khi Hà Nội được giao chỉ tiêu không tăng quá 0,4 điểm phần trăm/năm.

Tuy nhiên, đồng chí Tạ Quang Huy cũng nhấn mạnh, mặc dù TSGTKS không tăng trong ba năm liền nhưng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội xác định không được chủ quan với kết quả đó. Theo báo cáo sáu tháng đầu năm TSGTKS ở một số quận, huyện ngoại thành còn khá cao: Ứng Hòa là 132,6/100, Mê Linh là 127/100, Ba Vì 123,6/100, Sóc Sơn 123,5/100, Sơn Tây 123,2/100, Mỹ Đức 121,9/100. Tuy các con số nêu trên không đại diện cho một tỉnh, một vùng, nhưng cũng vẫn là một điểm cần lưu ý. Đặc điểm chung là tại các quận, huyện ngoại thành, TSGTKS cao hơn trong nội thành, nguyên nhân là do người dân nơi đây còn nặng tâm lý phải có con trai.

Để tiếp tục khống chế và giảm dần TSGTKS, thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp các cấp, các ngành trên địa bàn thực hiện Kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong tháng 4 vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội phối hợp Thanh tra Tổng cục DS-KHHGĐ kiểm tra, thu hồi và xử phạt theo quy định hai đầu sách có nội dung tuyên truyền, lựa chọn giới tính thai nhi. Trước đó, năm 2015, Hà Nội cũng đã xử lý hai trường hợp vi phạm công bố giới tính thai nhi. Gần đây nhất, Hà Nội cũng đã xử phạt Bệnh viện Hồng Ngọc vì hành vi quảng cáo lựa chọn giới tính thai nhi trên website.

Bên cạnh đó, thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên với các cơ sở y tế, phòng khám cung cấp dịch vụ siêu âm, xét nghiệm giới tính thai nhi. Dự kiến, trong tháng 8, 9, Hà Nội sẽ triển khai đợt cao điểm về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này. Đặc biệt, TP Hà Nội đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt về công tác DS-KHHGĐ, nhiều văn bản quan trọng được ban hành, như: Đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch kiểm soát mất cân bằng GTKS đến năm 2025; Nghị quyết 15/2016/NQ-HĐND về một số giải pháp tăng cường công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, chuyển đổi trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, tập trung các hoạt động nâng cao chất lượng dân số.

Nguồn baonhandan