BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực lập lại trật tự văn minh đô thị 

Cập nhật ngày: 19/12/2020 - 00:47

BTN - Tình trạng vỉa hè, lòng, lề đường bị lấn chiếm để làm nơi buôn bán, không chỉ làm cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn mà còn cản trở giao thông, làm mất vẻ mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong nhân dân.

Vỉa hè trên đường Võ Thị Sáu bị chiếm dụng, không còn lối cho người đi bộ.

Vỉa hè, lòng đường vẫn bị lấn chiếm

Theo ghi nhận, tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Tây Ninh như đường Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Rốp, Nguyễn Thái Học… đều có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chỗ thì làm nơi trưng bày hàng hoá, đặt bảng hiệu; chỗ thì bị chiếm dụng làm nơi để xe cho khách. Tại một số quán ăn, khách dựng xe kín vỉa hè, thậm chí tràn xuống đường, gây mất an toàn giao thông.

Tương tự, quanh khu vực các chợ phường 3, phường IV, vỉa hè, lòng, lề đường bị các hộ kinh doanh, bán hàng rong chiếm dụng, gây cản trở lưu thông. Một số nơi công cộng như công viên, bệnh viện, đặc biệt khu vực xung quanh Bệnh viện Ða khoa tỉnh, dù có biển cấm tụ tập mua bán, và có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thường xuyên, nhưng vẫn chưa thật sự thông thoáng.

Thực tế, khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, tình trạng này được chấn chỉnh, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, đâu lại vào đấy. Ða số đối tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đều ý thức được đó là hành vi vi phạm, nhưng vẫn chưa tự giác chấp hành.

Một hộ kinh doanh quần áo ở khu vực chợ phường IV cho biết: “Do cửa hàng chật hẹp, nên mỗi buổi chiều tôi thường bày quần áo ra vỉa hè để bán cho thuận tiện, thu hút sự chú ý của người mua hơn. Nhiều lần bị lực lượng chức năng cùng với phường đến nhắc nhở, tôi cũng sợ bị xử phạt, nhưng thấy nhiều người ở đây bày hàng hoá ra ngoài vỉa hè bán, mình không làm vậy thì khó bán được hàng, khi nào có trật tự đến kiểm tra thì dẹp vào”.

Vỉa hè, lòng, lề đường bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, mua bán không chỉ làm mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực. Ông N.V.H, ngụ phường 3, phản ánh: “Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, nhưng muốn đi qua một số đoạn đường trung tâm, người đi bộ phải bước xuống lòng đường mà đi. Các cửa hàng kinh doanh bày đồ tràn ra vỉa hè, chặn hết lối đi của người đi bộ. Hàng hoá, bàn ghế, bảng hiệu dựng ra vỉa hè làm hình ảnh tuyến đường trung tâm không được đẹp”.

Theo ông H, vấn đề này được ông phản ánh trong buổi tiếp xúc đại biểu HÐND các cấp, nhưng đến nay chưa thấy giải quyết dứt điểm. Ông rất mong cơ quan chức năng làm thật quyết liệt để dẹp nạn lấn chiếm, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè.

Chị N.T.X, ngụ hẻm 42, đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 3, phường 3 cho biết: “Trước đây hai bên tuyến đường hẻm này thường bị người dân trong và ngoài khu phố tụ tập, bày bán hàng hoá trên vỉa hè, lòng đường, cản trở lối đi, tầm nhìn của người đi đường, ảnh hưởng đến giao thông, gây bất tiện cho sinh hoạt của người dân sống hai bên đường. Nhờ lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nên hiện nay tình trạng này giảm bớt phần nào”.

Nỗ lực chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị

Bà Trần Thị Lan Phượng- Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh cho biết: “Hằng tháng, phường đều xây dựng kế hoạch ra quân xử lý các hành vi buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường ở các tuyến đường lớn và hẻm nhỏ trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, phường phối hợp cùng Phòng Quản lý đô thị, Công an, Thanh tra giao thông Thành phố ra quân xử lý các hành vi vi phạm về trật tự văn minh đô thị, tạm giữ hơn 50 tang vật vi phạm gồm dù che, bảng hiệu, xe đẩy, bàn ghế, cân…”.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Ninh, mặc dù cố gắng thực hiện nhiều giải pháp, nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra trên địa bàn, khó xử lý dứt điểm. Nhiều người dân thường xuyên tái lấn chiếm vỉa hè khi không có lực lượng chức năng kiểm tra. Bên cạnh đó, một số người buôn bán không cố định nên gây khó khăn trong việc yêu cầu ký cam kết, cũng như xử lý vi phạm.

Bà Nguyễn Ðông Quỳnh- Chủ tịch UBND phường 3 nói: “Công tác kiểm tra, xử lý lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ luôn được phường quan tâm, đề ra các giải pháp, thành lập đoàn kiểm tra xử lý vi phạm; cho hộ kinh doanh trên địa bàn cam kết không lấn chiếm lòng, lề, đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; phân loại những khu vực phức tạp để tập trung xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, phường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh. Ðó mới là giải pháp trọng tâm để xử lý vấn đề này”.

Theo Chủ tịch UBND phường 3, đến nay trên địa bàn đã khắc phục phần nào tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây mất trật tự đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm do thiếu ý thức chấp hành pháp luật; thói quen của nhiều người thích sự tiện lợi, chỉ cần tấp xe vào lề đường có thể mua đồ, nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh vẫn xảy ra.

Thực tế trên địa bàn, nhiều hộ có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Từ đó, phường kiến nghị tỉnh sớm ban hành quy hoạch sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường, thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường được quy định tại Nghị định số 100/2013/NÐ-CP ngày 3.9.2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NÐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, lập lại trật tự đô thị.

Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm làm nơi buôn bán ở khu vực chợ phường IV.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hiệp- Phó Chủ tịch UBND phường IV, TP. Tây Ninh cho biết, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm là vấn đề mà UBND phường đặc biệt quan tâm và quyết liệt thực hiện bằng nhiều biện pháp.

Ðều đặn hằng tuần, Tổ Quản lý trật tự đô thị của phường kết hợp với Ðội quản lý trật tự đô thị Thành phố, Ðội 3 Thanh tra giao thông ra quân xử lý từ một đến hai lần trên toàn địa bàn phường, đặc biệt là tại khu vực chợ phường IV.

Ngoài các đợt kết hợp, Tổ Quản lý trật tự đô thị của phường còn thực hiện các kế hoạch ra quân xử lý các tụ điểm tập trung buôn bán lấn chiếm như: tạm giữ vật dụng, phương tiện lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè; đặt bảng cấm; bố trí lực lượng trực liên tục trong thời gian dài 2 ca/ngày (ca sáng từ 8 - 11 giờ, ca chiều từ 16 - 20 giờ).

Kết quả của các đợt ra quân trên mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè đã giảm đáng kể, một số tụ điểm tập trung buôn bán đã được giải quyết dứt điểm.

Vừa qua, UBND phường lập tờ trình kiến nghị Phòng Quản lý đô thị và UBND Thành phố lắp đặt camera tại một số điểm thường xuyên xảy ra tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè nhằm xử lý người vi phạm, để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm.

Bà Hiệp cũng nhìn nhận, tình trạng lấn chiếm trên địa bàn phường có giảm nhưng vẫn còn xảy ra, do lực lượng mỏng, khó túc trực liên tục. Vấn đề khó khăn nhất trong việc lập lại trật tự trên địa bàn phường đó là tình trạng người dân ở nơi khác đến buôn bán. Khi lực lượng đến giải toả, họ chuyển đi nơi khác, khi không có lực lượng chức năng, họ quay lại buôn bán, dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài, không dứt điểm.

Thế Anh