BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực nâng cao chất lượng tăng trưởng

Cập nhật ngày: 20/11/2009 - 06:14

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 20.11 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điểm lại các nét lớn của bức tranh kinh tế-xã hội 1 năm qua mà nổi bật là việc chúng ta đã thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2009. Cụ thể, nước ta đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, các đại biều dự Hội nghị tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến thiết thực, xác đáng cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, nhất là đóng góp đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2010.

Phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tiềm năng và lợi thế phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của nước ta còn rất lớn. Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế xã hội trong năm 2010 là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, cụ thể ở mức khoảng 6,5%; tăng tính ổn định vĩ mô; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng đảm bảo an sinh xã hội…

Mục tiêu tổng quát này cũng đề cập đến nâng cao chất lượng tăng trưởng, vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội bàn thảo nhiều tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đang diễn ra. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng, việc giải được bài toán chất lượng tăng trưởng sẽ giúp chúng đạt được đích tăng trưởng cao và bền vững.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát nêu trên, trước hết các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực thực hiện bằng được các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2010 theo dự kiến.

Cụ thể, về các chỉ tiêu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7,0%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009.

Về các chỉ tiêu xã hội, số tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở là 63 tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 40%...

Nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế kinh tế

Theo Thủ tướng, cùng với phấn đấu phục hồi đà tăng trưởng, cũng cần nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo các cân đối vĩ mô trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Xây dựng các chương trình, chính sách cụ thể đối nhằm tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ đối với 62 huyện nghèo trên toàn quốc.

Tiếp tục tạo bước chuyển biến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một vấn đề lớn mà các cấp, các ngành, cần hết sức chú trọng triển thực hiện trong năm 2010”.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng lưu ý các cơ quan chức năng thực hiện theo nguyên tắc “nói ít, làm nhiều”; có cách làm chín chắn, kiên quyết, kiên trì bền bỉ; xử lý vụ việc phải khách quan, đúng người đúng tội, đúng pháp luật…

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là phổ biến, quán triệt và hướng dẫn biện pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội để người dân biết, chia sẻ, chung sức, chung lòng thực hiện có hiệu quả các chính sách này mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Một số bài học kinh nghiệm

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, trong năm 2009, nước ta đã thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế-xã hội; cụ thể, đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế (tăng trưởng 5,2%), duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững.

Từ những kết quả và hạn chế của nền kinh tế trong thời gian qua, một số bài học kinh nghiệm đã được rút ra như, trước hết phải chủ động trong công tác dự báo, phân tích đánh giá tình hình kinh tế thế giới và trong nước tác động đến sự phát triển của nền kinh tế.

Kịp thời đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp với diễn biến của tình hình; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo điều hành một cách tập trung, quyết liệt, bảo đảm chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng, nhất là các giải pháp chính sách quan trọng, cấp bách cần triển khai ngay trong thời gian ngắn.

Bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn về thu chi NSNN, tiền tệ, tín dụng, các thanh toán quốc tế…

Phải gắn các giải pháp chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế với việc đảm bảo an sinh xã hội.

(Theo chinhphu.vn)