Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực ổn định thị trường trong mùa dịch 

Cập nhật ngày: 17/04/2020 - 09:10

BTNO - Cùng với các cấp, ngành, lực lượng Quản lý thị trường trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh này.

Trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo đội QLTT huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi mua vét, mua gom hàng hoá hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng bất hợp lý đối với hàng hoá là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khoẻ dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu.

Lực lượng QLTT tăng cường quản lý địa bàn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh.

Các đội QLTT phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hoá dùng để phòng, chữa bệnh. Trong quá trình làm việc, các đơn vị phải quan tâm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị, phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh- nhất là tại các địa bàn trọng điểm, địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người cần trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay…

Cục QLTT cũng mở các đợt cao điểm, tập trung lực lượng kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, bán hàng hoá không rõ nguồn gốc sản xuất, nhãn hiệu, kém chất lượng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế, bao tay… phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Niêm yết đường dây nóng của Cục QLTT tại các cơ sở kinh doanh và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt kịp thời. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh công khai niêm yết giá theo đúng quy định, số lượng các thiết bị y tế phòng dịch (khẩu trang, dung dịch khử trùng…) hàng ngày và đường dây nóng của cơ quan chức năng để người dân phản ánh nếu phát hiện các hành vi vi phạm.

Đến ngày 14.4, tình hình thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ cung cấp cho người dân, không có hiện tượng khan hiếm hay tăng giá bất hợp lý. Mặt hàng gạo có giá dao động từ 11.000 - 25.000 đồng/kg (tuỳ loại); mì gói từ 96.000 - 237.000 đồng/thùng 30 gói (tuỳ loại); nước mắm từ 16.000 - 42.800 đồng/chai (tuỳ loại); nước tương từ 15.000 - 30.000 đồng/chai/750ml; đường cát từ 14.000-17.000 đồng/kg; dầu ăn từ 32.000 - 45.000 đồng/chai/lít; bột ngọt Ajinomoto 62.000 đồng/kg; thịt bò từ 187.000 - 267.000 đ/kg; thịt heo đùi từ 120.000 - 140.000 đồng/kg; thịt heo sườn từ 150.000 - 209.000 đồng/kg; thịt heo ba rọi giá từ 140.000 - 169.000 đồng/kg; gà thả vườn 120.000 - 130.000 đồng/kg.

Niêm yết đường dây nóng của Cục QLTT tại các cơ sở kinh doanh.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 30.1 – 14.4.2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra 9 vụ, trong đó có 6 vụ vi phạm (1 vụ vi phạm không niêm yết giá bán hàng hoá là khẩu trang y tế, 1 vụ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, 1 vụ lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hoá là khẩu trang y tế bất hợp lý, 3 vụ vi phạm về kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ).

Cục QLTT phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh nắm tình hình giá cả, cung cầu trang thiết bị y tế như khẩu trang và nước sát khuẩn tại 8 cơ sở kinh doanh. Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Y tế huyện Bến Cầu chủ trì kiểm tra đột xuất phòng, chống dịch Covid-19; ký cam kết tạm ngưng kinh doanh trong mùa dịch với 40 hộ kinh doanh nước giải khát, cà phê.

Phối hợp với đoàn liên ngành do UBND huyện Châu Thành chủ trì tuyên truyền vận động người dân mua bán trong chợ phải mang khẩu trang, các quầy, sạp phải niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết tại các chợ trên địa bàn huyện Châu Thành.

Ngoài ra, các đội QLTT đã thực hiện nhắc nhở và cho ký cam kết về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tại 304 cơ sở kinh doanh. Thực hiện dán thông tin về số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT tại 209 cơ sở kinh doanh.

Mới đây, Cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo các đội QLTT huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn xuất lậu gạo qua biên giới. Tiếp tục triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt đối với nhóm mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá hàng hoá bất hợp lý.

Đội QLTT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến việc vận chuyển, xuất lậu gạo qua biên giới.

Phương Thảo