Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Thứ ba: 23:47 ngày 02/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở NN&PTNT, trong định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các tiêu chí mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển…

Phun thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học. Ảnh: Vũ Nguyệt

Năm 2018, trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm 80%, chăn nuôi chiếm 13%. Những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý đang mở ra triển vọng lớn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và nông nghiệp nói riêng. Trên địa bàn tỉnh chưa có  khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng trên thực tế đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với công nghệ cao, góp phần tăng giá trị và thu nhập cho người dân. Các mô hình này đã và đang được triển khai nhân rộng.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Có thể kể đến như mô hình sản xuất mãng cầu VietGAP, diện tích 92,3 ha; mô hình sản xuất chuối già xuất khẩu với diện tích khoảng 380 ha (có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm); mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng nhãn (gần 1.500 ha), sầu riêng (gần 1.000 ha) mang lại lợi nhuận rất cao, từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Mô hình sản xuất bưởi da xanh cũng đang được nhân rộng với diện tích trên 700 ha. 

Hiện nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 4 nhóm nông dân chuyên sản phẩm (câu lạc bộ, tổ hợp tác, tổ liên kết...) ở các vùng sản xuất chuyên canh, chuyên sản phẩm có quy mô lớn đối với các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh như: mãng cầu (Suối Đá - Dương Minh Châu); sầu riêng (Bàu Đồn - Gò Dầu); nhãn (Truông Mít - Dương Minh Châu và Trường Đông - Hoà Thành)... Các câu lạc bộ, tổ nhóm sinh hoạt 1 lần/tháng, có sự tham gia của cán bộ kỹ thuật và đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ.

Theo Sở NN&PTNT, hiện Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, gồm 20 vùng với tổng diện tích dự kiến khoảng 885 ha. Ngoài ra, Sở đã ký thoả thuận và đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử cho khoảng 100 nông dân sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Minh Quốc Hưng- chủ nông trại trái cây Tám Hưng (ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên) cho biết, nông trại có diện tích 50 ha, hình thành đã 4 năm. Trong đó, diện tích quýt trồng xen sầu riêng 10 ha, cam sành 3 ha, cam soàn hơn 20 ha, nhãn Ido 16 ha. Nhãn Ido đã thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng trên 100 tấn, và được một công ty tại Bến Tre ký hợp đồng tiêu thụ và xuất khẩu sang Mỹ; cam, quýt cũng đã cho thu hoạch, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các chợ đầu mối và Campuchia. 

 Trái cây ở vườn ông Hưng được sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Hưng cho biết, ông áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ước tính chi phí đầu tư vào vườn trái cây của gia đình ông hằng năm khoảng 10 tỷ đồng, trong đó một nửa là chi phí nhân công. Ông đang nghiên cứu áp dụng thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân bằng phương tiện bay. Thiết bị này vừa giúp bảo đảm an toàn cho người lao động, giảm nhân công, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động.

Cũng theo ông Hưng, sản phẩm nhãn Ido của ông bảo đảm các tiêu chuẩn về xuất khẩu, có truy xuất nguồn gốc và có khả năng sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Sắp tới, ông sẽ có chứng nhận sản xuất GlobalGAP cho các loại cây ăn trái ở vườn nhà. 

Bên cạnh các loại cây ăn trái, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 17 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại 8 huyện, thành phố với diện tích 69,2 ha, sản lượng được chứng nhận là 4.556 tấn/năm. Việc áp dụng quy trình kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc sản xuất theo quy trình VietGAP cũng tạo thuận lợi hơn trong việc thoả thuận, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị thu mua, góp phần hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ rau, quả “sạch”. 

Trên địa bàn tỉnh có 22 trang trại sản xuất rau trong nhà màng với tổng diện tích trên 60.000m2, trong đó có 7 trang trại thuộc mô hình trình diễn khuyến nông với diện tích 2.950m2 (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí vật tư, thiết bị thi công nhà màng); 15 trang trại do nông dân tự đầu tư với diện tích trên 58.000m2. Các loại cây trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa lê, rau cải các loại, dưa leo… Các trang trại trồng rau trong nhà màng hầu hết sử dụng công nghệ tự động hoá trong các khâu tưới nước, bón phân, một số trang trại áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và áp dụng công nghệ sinh học trong quá trình thụ phấn cho cây trồng.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng, trên địa bàn huyện có khoảng 180 ha diện tích đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với tổng diện tích 21,3 ha; mô hình trồng chuối xuất khẩu với diện tích 70 ha, sản phẩm được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nên hiệu quả kinh tế cao. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhiều tiến bộ kỹ thuật của công nghệ sinh học được ứng dụng vào sản xuất, đặc biệt là công tác chọn và nhân giống cây trồng; các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được đưa vào sản xuất đại trà. Công nghệ vật liệu mới đã bước đầu được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như việc sử dụng giá thể mới để trồng hoa lan, cây cảnh, rau mầm, rau thủy canh; xây dựng nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau an toàn... Bên cạnh đó, công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới thấm, tưới nhỏ giọt đã được sử dụng ở các vườn cây ăn trái, vườn rau, ruộng mía, mì… góp phần làm giảm lượng nước tưới, giảm chi phí công lao động, đặc biệt tăng đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Tây Ninh đang nỗ lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đáng chú ý là tỉnh đã ký bản thoả thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa các sản phẩm như dưa lưới, dưa lê (đạt tiêu chuẩn VietGAP); đường hữu cơ; hạt điều rang có muối và không có muối (đạt chuẩn HACCP); sản phẩm nước trái cây các loại (đạt các tiêu chuẩn quốc tế như Kosher, Halal, Iso-HACCP-BRC) vào phục vụ các chuyến bay của Vietnam Airlines và các gian hàng trong phòng chờ bay các sân bay thuộc hệ thống Hàng không Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc ứng dụng công nghệ cao mới chỉ dừng lại như những mô hình điểm. Việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các công nghệ mới về sản xuất giống, công nghệ về vật liệu mới trong xây dựng nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất rau, hoa, cây cảnh… Bên cạnh đó, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn sơ khai, quy mô nhỏ; liên kết đầu tư - sản xuất - tiêu thụ còn ít, chưa chặt chẽ, hiệu quả còn thấp.

Theo Phòng Nông nghiệp Trảng Bàng, ứng dụng công nghệ cao giúp mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất. Chẳng hạn như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng có diện tích 1.000m2, từ năm thứ 4 trở đi đem về lợi nhuận khoảng 170 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư của các mô hình ứng dụng công nghệ cao thường rất lớn (khoảng 500 triệu đồng/1.000m2) nên những hộ dân có mức sống trung bình, khó thực hiện được. Do đó, mô hình có lợi nhuận cao nhưng còn ít người có khả năng đầu tư. Thời gian qua, có một số chính sách hỗ trợ về sản xuất như chính sách về liên kết sản xuất - tiêu thụ, chính sách hỗ trợ lãi vay… nhưng người dân chưa đăng ký tham gia do chính sách chưa phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, trình độ, kiến thức về công nghệ cao của nhiều người còn hạn chế. 

Vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019 - 2025… Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2025. Những chính sách mới được ban hành phù hợp hơn với điều kiện thực tế địa phương sẽ tạo điều kiện cũng như động lực cho người dân tiếp cận để phát triển sản xuất. 

Trồng rau trong nhà màng.

Theo Sở NN&PTNT, trong định hướng phát triển nông nghiệp  giai đoạn 2017 - 2020, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các tiêu chí mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển; dự kiến tập trung phát triển ít nhất 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao khoảng 15.000 ha, rau củ quả chuyên canh khoảng 1.000 - 1.500 ha; phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

TRÚC LY

Ông Lê Minh Quốc Hưng - chủ nông trại trái cây Tám Hưng chia sẻ, để sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, người nông dân cần phải thay đổi những thói quen canh tác truyền thống, tự nâng cao kiến thức cho mình; lựa chọn những nhà cung cấp sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín, không sử dụng những hoạt chất bị cấm sử dụng; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất…
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
mua gói hoa don dien tu vnpt hcm tại đâu
Tin cùng chuyên mục