Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chị Phạm Thị Thuỳ Dung (sinh năm 1981, ngụ ấp Kinh Tế, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh) là gương phụ nữ khởi nghiệp thành công với cơ sở làm bánh mì. Chị Thuỳ Dung đã vươn lên từ hai bàn tay trắng, hiện nay có cơ ngơi khang trang với đầy đủ các tiện nghi.
Chị Dung (bên phải) bán bánh mì cho khách hàng.
Gia đình chị có 5 chị em, chị Dung là con gái thứ ba, năm 2004, chị lập gia đình về ở bên nhà chồng, sinh được hai cô con gái. Nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc, vợ chồng chia tay. Năm 2017, 3 mẹ con chị Dung với hai bàn tay trắng về ở với ba mẹ già 70 tuổi tại ấp Kinh Tế, xã Bình Minh. Không có đất đai sản xuất, không nghề nghiệp, chị Dung phụ mẹ bán bánh mì, ngoài ra, chị đi làm mướn đủ nghề để lo cho các con. Mặc dù chăm chỉ làm việc và chịu khó dành dụm nhưng cuộc sống của 3 mẹ con vẫn không thể khấm khá hơn.
Chị Dung luôn có suy nghĩ không thể để cái nghèo, cái đói đeo bám mãi nên ra sức làm việc cả ngày lẫn đêm. Cuối năm 2018, Hội Phụ xã Bình Minh hỗ trợ 40 triệu đồng vốn khởi nghiệp, chị Dung mạnh dạn mua lại máy móc của một cơ sở làm bánh mì với giá 40 triệu đồng. Thông qua tìm hiểu trên sách báo, học hỏi kinh nghiệm của người quen, chị bắt đầu mày mò làm từng công đoạn để tạo ra những ổ bánh mì thơm ngon, chất lượng.
Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm nên việc pha trộn các nguyên liệu không chuẩn và chưa tìm được nơi mua nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ bánh mì phù hợp.
Quy mô sản xuất nhỏ, trang thiết bị thô sơ, chủ yếu làm thủ công nên chất lượng sản phẩm thấp. Mẻ bánh đầu tiên có ổ thì cứng, ổ thì mềm, cái thì chưa chín vàng, cái thì cháy đen. Chị Dung tự nhủ: “Khi bắt đầu kinh doanh, ai cũng sẽ gặp khó khăn, trắc trở, làm bánh mì để ăn thì bình thường, chứ bắt tay vào làm để bán chắc chắn không dễ”.
Để làm được ổ bánh mì thơm ngon, có chất lượng, quan trọng nhất là công đoạn trộn bột.
Không nản lòng, chị Phạm Thị Thuỳ Dung tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước với mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất. Dần dần, chị Dung cũng thành công, làm ra được những mẻ bánh vàng ươm, thơm ngon, được khách hàng yêu thích.
Khi lượng khách dần ổn định, chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, chị vay hơn 30 triệu đồng để mua thêm nguyên vật liệu, máy móc hiện đại thay thế sức người. Đến nay, mỗi ngày, chị Dung cho ra lò từ 400 - 500 ổ bánh mì, có lúc làm từ 700 - 800 ổ tuỳ theo nhu cầu khách hàng đặt bánh sử dụng trong đám tiệc.
Ngoài làm bánh mì, chị Dung còn nấu thêm xôi để bán lẻ và bỏ mối cho người có nhu cầu nhằm tăng thêm thu nhập. Với tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, đến nay chị Dung đã xây được một căn nhà khang trang, sửa và nâng cấp xưởng làm bánh mì với đầy đủ thiết bị, có tiền nuôi hai con ăn học, thu nhập mỗi tháng dao động từ 15 - 20 triệu đồng.
Theo chị Dung, mức thu nhập này là nguồn sống của cả gia đình, 3 mẹ con bớt đi phần nào khó khăn, chật vật. Chị Dung cho biết: “Xuất thân trong một gia đình không có điều kiện, ngay từ nhỏ tôi đã trải qua nhiều vất vả, khó nhọc, làm nhiều công việc khác nhau. Chính điều này đã trở thành động lực giúp bản thân cố gắng từng ngày, không ngại thức khuya, dậy sớm để vươn lên”.
Theo kinh nghiệm của chị Dung, để làm được một ổ bánh mì thơm ngon, có chất lượng, quan trọng nhất là việc trộn bột, đong đếm bột mì, muối, bột nở theo tỷ lệ hợp lý, nếu bột không ngon thì bánh không nở và không có mùi thơm đặc trưng.
Trong quá trình trộn bột bằng máy phải tạo được độ mịn, dẻo. Để sản xuất và bán bánh thuận lợi, chị Dung không chỉ quan tâm đến chất lượng, còn lưu ý đến sở thích, khẩu vị của khách bởi thị trường có rất nhiều nơi bán, tính cạnh tranh cao. Muốn gắn bó lâu dài với nghề, ngoài đam mê còn cần sự kiên nhẫn, cẩn thận, khéo léo và giữ vệ sinh sạch sẽ nơi sản xuất và nơi bán, phải có tâm huyết mới tạo ra được những chiếc bánh mì thơm ngon, đẹp mắt.
Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, chị Phạm Thị Thuỳ Dung luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua của hội, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng, chị hỗ trợ bếp ăn Đồng Tâm của Hội Phụ nữ xã Bình Minh hơn 500 ổ bánh mì; tặng bánh mì cho các nạn nhân chất độc da cam; tặng gạo, mì gói, bánh mì chay cho người nghèo, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn trong ấp. Chị còn thường xuyên tham gia hỗ trợ cho Hội Phụ nữ xã mỗi khi đơn vị có tổ chức liên hoan, tổng kết, phát quà cho chị em, người dân nghèo…
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Minh cho biết: “Chị Phạm Thị Thuỳ Dung là hội viên phụ nữ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động của hội và địa phương. Sự mạnh dạn, ham học hỏi và quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng của chị Dung được các cấp Hội đánh giá cao, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo”.
Phương Thảo - Hà Quang