Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phòng, chống dịch Covid- 19 tại các khu công nghiệp:
Nỗ lực vừa phòng dịch, vừa duy trì sản xuất
Thứ bảy: 07:21 ngày 17/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Làm thế nào vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì sản xuất là yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Thực hiện phòng dịch ở một doanh nghiệp tại KCN Thành Thành Công.

KCN Phước Ðông: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch

Ðại diện chủ đầu tư Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Ðông - Bời Lời cho biết, tính đến hết tháng 5.2021, Khu công nghiệp (KCN) Phước Ðông thu hút được 41 nhà đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn đầu tư đã thu hút được đến cuối tháng 5.2021 là 4,6 tỷ USD. Diện tích đất đã cho thuê là 888,33 ha (giai đoạn 2 là 111,15 ha), trong đó có 30 doanh nghiệp đang hoạt động và 5 doanh nghiệp đang xây dựng. Tổng kim ngạch của KCN Phước Ðông năm 2020 là 5,76 tỷ USD, đạt 132% so với năm trước, trong đó doanh số xuất khẩu là 2,92 tỷ USD, nhập khẩu là 2,84 tỷ USD.

Hiện nay, tổng số lao động trong KCN Phước Ðông là 53.919 người (lao động nước ngoài là 1.957 người, lao động nữ 26.352 người, lao động nam 27.567 người), thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trong KCN này được nhà đầu tư hạ tầng (Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG - thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam) cũng như các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ở đây đặc biệt quan tâm, chủ động thực hiện.

Các văn bản chỉ đạo, yêu cầu, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của UBND tỉnh, chính quyền địa phương, ngành Y tế đều được nhà đầu tư hạ tầng triển khai nhanh chóng đến các doanh nghiệp và thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

KCN Phước Ðông đã thành lập tổ phòng, chống Covid-19 và có phương án phòng, chống dịch, trong đó xây dựng các kịch bản xử lý nếu xảy ra dịch bệnh trong KCN. Về cơ bản, KCN Phước Ðông thực hiện tốt các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi đã và đang vận động doanh nghiệp mua dụng cụ test Covid để sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh trong nhà máy. Hiện lô 1.000 dụng cụ test đã về tới Công ty Sailun để cơ quan y tế giúp triển khai thực hiện. KCN Phước Ðông bước đầu làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây về việc chủ động nguồn vaccine cho công nhân, nhưng hiện còn vướng hành lang pháp lý, kỹ thuật và chưa có hướng giải quyết cụ thể”- ông Ðặng Ánh Hào, đại diện nhà đầu tư hạ tầng KCN Phước Ðông cho biết.

Dù đã siết chặc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng mới đây, ngày 13.7, trong KCN Phước Ðông ghi nhận 1 ca F0 là tài xế lái xe đưa rước công nhân của Công ty Gainlucky chạy tuyến Tân Biên - Phước Ðông - Tân Biên.

Trong ngày 13.7, qua xét nghiệm tầm soát nhanh, lực lượng phòng, chống dịch phát hiện và cách ly kịp thời ca bệnh cùng 44 F1 là công nhân (đã test nhanh và cho kết quả tất cả âm tính). Ðến ngày 15.7, Công ty Gainlucky vẫn hoạt động ổn định, các F2 được đưa về vị trí cách ly tạm thời để lấy mẫu tầm soát. Theo nhà đầu tư hạ tầng KCN Phước Ðông, Công ty Gainlucky có 2 khu vực sản xuất riêng biệt là khu dệt và khu may. Số F1 trên thuộc khu vực xưởng may.

Khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”

Trao đổi với người viết, một số nhà đầu tư hạ tầng tại các KCN trên địa bàn tỉnh cho biết, việc duy trì sản xuất của doanh nghiệp tại các KCN là cực kỳ quan trọng, vì phải hoàn thành các đơn hàng đã ký kết với đối tác.

Không có doanh nghiệp nào muốn việc sản xuất bị ngừng trệ vì bất cứ lý do gì. Công nhân cũng không muốn phải ngừng việc vì mất thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhất là thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhiều doanh nghiệp không có đủ điều kiện để giữ công nhân ở lại sản xuất đành tạm ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều công nhân cũng không thể ở lại nơi làm việc dài ngày nên xin tạm ngừng việc. Ðây là những khó khăn đối với hoạt động sản xuất ở các KCN trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16.

Thực hiện khai báo y tế ở một doanh nghiệp trong KCN Phước Ðông.

Theo ông Ðặng Ánh Hào, đại diện chủ đầu tư KCN Phước Ðông, tỉnh đã cho chủ trương từ 0 giờ ngày 19.7 sẽ áp dụng “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) tại các KCN. Ðến ngày 16.7, KCN Phước Ðông có 19 doanh nghiệp đăng ký thực hiện với tổng số lao động đăng ký tham gia khoảng 14.000 người. Có 5 doanh nghiệp trong KCN này thông báo không tham gia “3 tại chỗ” vì không đáp ứng các yêu cầu quy định và không bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt… cho một số lượng lớn công nhân.

Số lao động không tham gia “3 tại chỗ” sẽ được doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện chế độ chính sách theo quy định. Trong KCN Phước Ðông hiện còn 13 doanh nghiệp chưa đưa ra quyết định về việc có áp dụng “3 tại chỗ” hay không.

Ông Hào kiến nghị lực lượng Công an hỗ trợ kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy khi các doanh nghiệp chuyển đổi công năng các nhà xưởng thành nhà ở cho công nhân.

Tại KCN Thành Thành Công, chiều 15.7, đại diện chủ đầu tư hạ tầng cho biết, trong KCN này đang có 2.430 công nhân tại 40 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”. Số này là công nhân từ Long An qua ở lại và đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Dự báo số công nhân ở lại các công ty sẽ tăng mạnh do thị xã Trảng Bàng đang thực hiện Chỉ thị 16, doanh nghiệp vận động công nhân ngụ tại thị xã Gò Dầu và huyện Bến Cầu ở lại nơi làm việc.

Về việc thực hiện 10 tiêu chí “3 tại chỗ”, theo đại diện chủ đầu tư hạ tầng KCN Thành Thành Công, đối với các tiêu chí 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, doanh nghiệp trong KCN này có thể đáp ứng được. Riêng tiêu chí 1, KCN Thành Thành Công hiện có 5/40 doanh nghiệp không bố trí được khu ở tách biệt khu sản xuất. Lý do là khuôn viên nhà máy và diện tích đất được xây dựng theo công suất nhà máy ngay từ đầu thành lập dự án; do quy định chỉ cho người nước ngoài được tạm trú trong nhà máy nên ngay từ đầu doanh nghiệp không xây dựng ký túc xá cho công nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi kết quả thực hiện test nhanh hoặc PCR chỉ có thời hạn 72 tiếng. Nếu doanh nghiệp phải thực hiện test mỗi 3 ngày/lần cho công nhân thì chi phí sẽ tăng rất nhiều.

Ðình Chung - Thế Nhân - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục