Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗ lực vươn lên của chàng trai bị nhiễm chất độc da cam
Thứ sáu: 10:40 ngày 23/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phạm Thanh Trà (sinh năm 1998, khu phố Ninh Tân, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh) không lành lặn như người bình thường, nhưng chưa bao giờ Trà cho phép mình đầu hàng số phận.

Trà có thể đánh máy vi tính sau 2 năm tập luyện.

Vượt qua mặc cảm và không ngừng phấn đấu vươn lên, Trà đã làm được nhiều điều đáng ngạc nhiên mà không phải người khuyết tật nào cũng làm được.

Bà Ngô Thị Cẩm Hồng- mẹ của Trà cho biết, vợ chồng bà kết hôn năm 1996, sau khi ba của Trà xuất ngũ. Năm 1998, Trà được sinh ra với cơ thể hoàn toàn lành lặn, bình thường. Trà 2 tháng tuổi, gia đình mới phát hiện tay phải của em không phát triển, chân phải cũng co quắp lại. Gia đình đưa em chạy chữa khắp nơi và biết em bị dị tật bẩm sinh, khó có thể đi lại được. Mặc dù đau buồn, nhưng vợ chồng bà quyết không để Trà nằm một chỗ mà cho Trà đi tập vật lý trị liệu, kiên trì hơn 5 năm Trà đã có thể đi lại chập chững.

Đến năm 10 tuổi, em có thể tự đi lại mà không cần ai dìu đỡ nữa. “Trà là một cậu bé rất ngoan và mạnh mẽ. Chưa bao giờ Trà từ bỏ ước mơ được đi lại và làm công việc như người bình thường. Nhiều năm qua, mặc dù tập vật lý trị liệu rất đau nhưng Trà chưa từng phàn nàn với ba mẹ. Đối với chúng tôi, Trà là người con rất đáng tự hào”- bà Hồng nói.

Như bao đứa trẻ khác, đến tuổi đi học, Trà muốn được đến trường. Mẹ Trà lúc ấy làm bảo vệ cho một trường tiểu học gần nhà nên đã gửi Trà vào học cùng các bạn trong xóm. “Mặc dù bị dị tật tay, chân, viết bài khá khó khăn nhưng bù lại Trà rất sáng dạ và ham học hỏi. Năm học nào Trà cũng được nhận giấy khen của trường”- bà Hồng tự hào chia sẻ.

Đến khi Trà vào cấp 2, sợ Trà đi học bị bạn bè trêu chọc, vợ chồng bà Hồng đi khắp nơi, cả trong lẫn ngoài tỉnh để tìm trường cho Trà nhưng chẳng có trường nào thích hợp. May mắn thay, năm 2013, Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam (xã Bình Minh, TP. Tây Ninh) được thành lập, Trà được cán bộ phường giới thiệu đến đây học tập. Tại Trung tâm, Trà được các cô, bảo mẫu chăm sóc, nuôi và đặc biệt dạy cho em các kỹ năng sống cơ bản. Sau 3 năm theo học, Trà đã có thể tự  đánh răng, tắm rửa, làm việc nhà phụ giúp gia đình. Ngạc nhiên hơn nữa.

May mắn, cuối năm 2018, Trung tâm được 2 tổ chức phi chính phủ Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt nam (VNAH) và Trung tâm Phát triển sức khoẻ bền vững (VietHealth, hoạt động trong lĩnh vực y tế và sức khoẻ cộng đồng đến hỗ trợ giảng dạy miễn phí. Sau 2 năm được các giáo viên tận tình chỉ dạy và chăm sóc bằng các phương pháp khoa học, Trà đã học được nhiều kỹ năng sống hữu ích. Trà đã có thể đánh máy vi tính, soạn thảo văn bản, sửa chữa lỗi máy vi tính cơ bản, rửa xe máy và làm nhiều công việc phù hợp với khả năng.

Để Trà hoà nhập với cộng đồng, các cô tại Trung tâm nhận đánh văn bản, hợp đồng của các doanh nghiệp, công ty nhỏ và giao cho Trà làm để em có thêm thu nhập. Ngoài ra, Trà còn làm công việc thu hộ tiền điện, tiền wifi, internet… cho các hộ dân sống gần Trung tâm. Mặc dù tay chân bất tiện nhưng em vẫn cố gắng rửa xe cho khách đến thăm Trung tâm.

Tự hào hơn, tháng 6 vừa qua, Trà  được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh tuyên dương là gương điển hình “Nạn nhân chất độc da cam tiên tiến có sự phát triển và đóng góp cho xã hội”.

Ở nhà, Trà luôn làm những phần việc nhà trong khả năng của mình để đỡ đần cho ba mẹ. Ngoài xã hội, Trà là một trong những thành viên tích Câu lạc bộ Người khuyết tật phường Ninh Sơn, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Ngoài ra, thường xuyên tham gia các hoạt động công tác xã hội, thiện nguyện do các đơn vị, tổ chức, nhóm thiện nguyện tại địa phương tổ chức.

Bà Võ Thu Vân- Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam cho biết, bà rất vui mừng vì sự phát triển vượt bậc của Trà. Mặc dù bị khuyết tật về thể chất nhưng tinh thần của Trà lạc quan, yêu đời và cố gắng từng ngày để hoà nhập với cuộc sống bình thường.

Trà là trường hợp học viên phát triển đặc biệt, là nguồn động lực để cán bộ, nhân viên Trung tâm tiếp tục trau dồi kiến thức về cách chăm sóc nạn nhân da cam, giúp các em được học tập và phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ.

NGỌC BÍCH

 

Tin cùng chuyên mục