Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi
Thứ hai: 04:15 ngày 17/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với tinh thần không ngại khó khăn, chịu khó tìm tòi, học hỏi, chị Phan Thị Bé Lam, sinh năm 1986- hội viên phụ nữ ở ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng là tấm gương tiêu biểu, nỗ lực phát triển kinh tế.

Chị Phan Thị Bé Lam chăm sóc vườn lan.

Trước đây, kinh tế gia đình chị Lam chủ yếu dựa vào trồng cao su. Do giá mủ không ổn định, không mang lại hiệu quả, chị Lam và chồng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Sau khoảng thời gian tìm hiểu, chị Lam nhận thấy, hoa lan ngày càng được ưa chuộng và có thị trường tiêu thụ mạnh nên quyết tâm thực hiện mô hình mới.

Để có vốn đầu tư, chị Lam liên hệ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Lào để được hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời, mạnh dạn thanh lý cây cao su và vay mượn thêm người thân. Thấy chị có quyết tâm vươn lên, Hội LHPN xã hỗ trợ thêm suất vốn khởi nghiệp trị giá 5 triệu đồng 1 năm không lãi suất. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị Lam tự làm tất cả các công đoạn, từ việc dựng giàn treo lan, bấm lan đến thiết kế hệ thống phun sương tưới lan…

Những giống lan chị Lam chọn để trồng gồm: ngọc điểm, hoàng nhạn, quế tím. Chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan, chị Lam phải tìm tòi, học hỏi kiến thức từ nhiều nguồn. Chị còn được Hội LHPN xã giới thiệu tham khảo mô hình trồng lan của nông dân cùng địa phương. Nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, chị Lam đã nắm bắt được kỹ thuật, có thể nhân giống và điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi.

Chị Lam cho biết, trồng lan tuy có lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn nếu chưa có kinh nghiệm. Kỹ thuật chăm sóc và nhân giống cây rất quan trọng, người trồng phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Hoa lan là giống rất nhạy cảm với thời tiết nên cần chú ý đến độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng. Người trồng lan phải nắm hết đặc tính sinh trưởng, phát triển và hấp thụ dinh dưỡng của từng loại lan để chăm sóc, bón phân, trị bệnh trên lan đúng cách.

Hơn 12 tháng chăm sóc, chị Lam đã thanh lý vụ lan đầu tiên với lan hoàng nhạn và quế tím được gần 400 triệu đồng. Sau đó, thanh lý lan ngọc điểm khoảng 900 triệu đồng. Với diện tích vườn khoảng 400m2 và lan sinh trưởng tốt, chị Lam đang mong chờ đợt thanh lý tiếp theo sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Chị Lam nói: “Trồng hoa phong lan là một nghề có thể mang lại nguồn thu nhập lớn cho không ít người thực sự đam mê loài hoa này. Trồng lan không khó nhưng muốn thành công cần phải có niềm đam mê và lòng quyết tâm, kiên trì thực sự”.

Không chỉ vươn lên phát triển kinh tế cho gia đình, chị Lam còn hỗ trợ vốn để nhiều chị em khác có điều kiện chăn nuôi với số tiền gần 45 triệu đồng. Thấy hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (cùng địa phương), chị Lam không ngần ngại hỗ trợ số tiền 15 triệu đồng, giúp chị Thắm vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, chị Lam còn giúp cho 5 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương có việc làm tại vườn lan của chị.

Chị Trần Thị Kim An- Chủ tịch Hội LHPN xã Đôn Thuận nhận xét, nhờ sự kiên trì và nỗ lực vươn lên, những công sức của chị Lam đã được đền đáp. Ít ai mới trồng lan vụ đầu tiên mà có lợi nhuận như chị Lam, đây là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn học hỏi, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục