BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực xử lý những điểm thu mua “mía mót” trái phép: Vì sao vẫn chưa hiệu quả?

Cập nhật ngày: 18/12/2009 - 02:36

Điểm thu mua mía mót ở đường L2 đang chất mía lên xe tải (ảnh chụp trưa ngày 14.12.2009).

Trong vài năm gần đây- khi mà giá mía tăng ngày càng cao thì chuyện mót mía càng xảy ra nhiều và đang trở thành gánh nặng cho những người trồng mía. Bởi vì hành vi mót mía không còn đúng tính chất là mót nữa mà đang biến tướng thành lấy cắp mía công khai ngay thời điểm mía còn nằm trên ruộng, công đốn chặt chưa thu gom và xe chưa vận chuyển hết về nhà máy. Thế nhưng việc ngăn chặn thì rất khó khăn- dù chính quyền địa phương các vùng nguyên liệu mía có nhiều nỗ lực trong việc xử lý.

“Mót mía” ngày càng tăng

Niên vụ chế biến mía đường 2009-2010, giá mía bán được rất cao. Đầu vụ các nhà máy thu mua từ 655.000 đồng/tấn 10 CCS trở lên và hiện nay đang thu mua với giá 685.000 đồng/tấn 10 CCS trở lên. Giá mía tăng thì nạn mót mía cũng tăng theo. Trong vùng nguyên liệu mía đang thu hoạch hiện nay khi nhân công đang chặt mía thì những người “mót mía” cũng có mặt. Nếu không chú ý thì chẳng thể phân biệt được đâu là công chặt, đâu là công mót mía. Chỉ sau khoảng 1 giờ đi vòng trong khu vực thu hoạch mía, một đôi “mót mía” có thể “mót” được mấy bó lớn và bắt đầu chất lên xe mô tô chở đi. Những cây “mía mót” đều thuộc loại tốt và thẳng tắp. Loại mía như vậy chắc chắn chủ mía không bao giờ bỏ. Mỗi ngày một đôi “mót mía” vận chuyển nhiều chuyến như vậy. Theo một số nhân viên Trạm nông vụ cho biết một số dân “mót mía” không chỉ lấy mía đã chặt đang nằm trên bãi mà còn lén vào những đám mía chưa chặt gần đó chặt lấy thêm. Mỗi ngày dở lắm thì mỗi đôi “mót mía” cũng “mót” được cả nửa tấn mía. Với giá thu mua “mía mót” hiện nay- khoảng hơn 450.000 đồng/tấn thì mỗi ngày một người mót mía thu nhập thấp nhất cũng được hơn một trăm ngàn đồng. Chính vì thế mà lực lượng “mót mía” ngày càng nhiều hơn, trong đó có những người trước đây từng làm công chặt mía, nay chuyển sang mót mía vì có thu nhập khá hơn nhiều.

Thu nhập của dân “mót mía” được khá bao nhiêu thì nông dân trồng mía bị mất nhiều bấy nhiêu, bởi vì lượng mía mất khi bị “mót” chính là phần thu nhập của nông dân. Theo các Trạm nông vụ, vụ thu hoạch mía 2008-2009 ước tính sản lượng “mía mót” ít nhất phải hơn 10.000 tấn- tương đương với gần 200 ha mía. Tính theo thời giá thu mua mía lúc đó thì giá trị sản lượng “mía mót” phải lên đến hơn 5 tỷ đồng. Đây quả là con số không nhỏ. Vụ thu hoạch 2009-2010 này khả năng lượng mía mót sẽ còn nhiều hơn, giá trị bị mất nhiều hơn nữa do giá mía đang tiếp tục tăng.

Hoạt động thu mua “mía mót” vẫn tồn tại công khai

Có “mót mía” thì có điểm thu mua “mía mót”. Các điểm thu mua mía mót là nơi tiêu thụ chính các loại mía mót vì các nhà máy trong tỉnh thống nhất không thu mua sản phẩm loại này. Do đó, muốn hạn chế được nạn “mót mía” thì trước tiên phải dẹp cho được các điểm thu mua mía mót trái phép.

Cuối tháng 11 năm 2008, UBND tỉnh có công văn gửi Hội Nông dân, Công an, UBND các huyện, thị xã về việc ngăn chặn tình trạng đốt mía, mót mía, ăn cắp mía…, trong đó có chỉ đạo địa phương và các đơn vị hữu trách ngăn chặn và xử lý kịp thời các điểm thu mua mía mót. Như vậy, từ vụ thu hoạch mía năm trước, chính quyền địa phương đã có chỉ đạo ngăn chặn hoạt động thu mua mía mót trái phép. Đầu vụ thu hoạch mía 2009-2010, một số địa phương có vùng nguyên liệu mía cũng tiếp tục chỉ đạo xử lý các điểm thu mua mía trái phép. Trong đó huyện Tân Châu chỉ đạo mạnh nhất. Cụ thể ngày là 20.10.2009 UBND huyện Tân Châu đã có văn bản chỉ đạo các phòng liên quan cùng UBND các xã kiểm tra tính hợp pháp của các điểm thu mua mía, ngăn chặn tình trạng thu mua mía mót trái phép. Ngày 13.11.2009, UBND huyện Tân Châu tiếp tục ra văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý các điểm thu mua hàng nông sản trái phép- trong đó có mía mót. Ngày 3.12.2009, UBND huyện Tân Châu tiếp tục ra văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo trước đây về kiểm tra, xử lý các điểm thu mua mía mót trái phép. Thực hiện chỉ đạo này, các ngành liên quan và chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã nỗ lực kiểm tra, đình chỉ hoạt động nhiều điểm thu mua mía mót trái phép. Có thể nói trong thời gian qua huyện Tân Châu là một trong những huyện quan tâm chỉ đạo tích cực nhất việc xử lý các điểm thu mua mía mót trái phép. Thế nhưng kết quả như thế nào?

Chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế để tìm hiểu hoạt động thu mua mía mót trên địa bàn huyện Tân Châu vào giữa tháng 12 năm 2009- sau khi UBND huyện đã ra 3 văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý các điểm thu mua mía mót trái phép. Qua chuyến khảo sát này, chúng tôi nhận thấy thực tế vẫn còn tồn tại nhiều điểm thu mua mía mót trái phép. Tại ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, chỉ rẽ vào con đường đất chừng vài trăm mét là thấy ngay một điểm thu mua mía mót nằm trước một căn nhà tường và khuất sau bụi cây xanh. Ở đây đã có vài tấn mía mua xong và đang có 3 xe mô tô chở mía vừa mới “mót” về bán. Tại ấp Tân Đông, xã Tân Hiệp, từ đường 793 quẹo vào hẻm chưa đến 100 mét thì cũng thấy ngay một điểm thu mua mía mót nằm công khai cạnh đường đất, dưới tán cây vườn cao su. Hoạt động nhộn nhịp hơn là tại một điểm thu mua mía mót ở ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội nằm trên đường L2- cách đường 785 quẹo vào chỉ khoảng hơn 100 mét. Tại đây, lượng mía mót đã thu mua rất nhiều và có chiếc xe tải lớn đang chất mía lên xe. Ở ấp Đông Hà, xã Tân Đông cũng có điểm thu mua hoạt động công khai cặp đường, trong đó đang có không dưới 10 tấn mía và nhiều xe mô tô đang chở mía đến bán… Đáng ngạc nhiên là gần như chẳng có mấy người mua bán mía mót biểu hiện e ngại khi chúng tôi đến gần chụp ảnh. Có lẽ đối với họ hoạt động thu mua mía mót là chuyện… bình thường.

Chỉ đi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” một vòng ở vài xã của huyện Tân Châu mà chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy có đến 5 điểm thu mua mía mót hoạt động nhộn nhịp và công khai. Thực tế chắc chắn còn nhiều hơn. Ở địa bàn các huyện khác nhất định cũng còn tồn tại nhiều điểm thu mua mía mót như vậy. Theo thống kê sơ bộ của các Trạm nông vụ, hiện nay trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành vẫn còn khoảng 30 điểm thu mua mía mót đang hoạt động. Như vậy coi như những nỗ lực ngăn chặn thu mua mía mót trái phép ở các địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Vì sao nhiều địa phương hết sức nỗ lực trong việc xử lý, nhưng những điểm thu mua mía mót trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại?

Sơn TrẦn

(Còn tiếp)