BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực xử lý những điểm thu mua “mía mót” trái phép: Vì sao vẫn chưa hiệu quả? (kỳ cuối)

Cập nhật ngày: 20/12/2009 - 05:52

>> Nỗ lực xử lý những điểm thu mua “mía mót” trái phép: Vì sao vẫn chưa hiệu quả? (kỳ 1)

Theo thống kê sơ bộ từ các Trạm nông vụ của SBT, hiện nay trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành vẫn còn đến khoảng 30 điểm thu mua mía mót đang hoạt động. Trong đó có những điểm hoạt động quy mô khá lớn- mỗi ngày thu mua được hàng chục tấn mía. Như vậy coi như những nỗ lực ngăn chặn thu mua mía mót trái phép của các địa phương vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì sao nhiều địa phương hết sức nỗ lực trong việc xử lý, nhưng những điểm thu mua mía mót trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại?

* Hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Theo phân tích của một số cán bộ Trạm nông vụ, nguyên nhân cơ bản khiến cho vấn nạn “mót mía” ngày càng gia tăng và việc kiểm tra, xử lý các điểm thu mua mía mót trái phép không đạt kết quả như mong muốn chủ yếu là vì hành lang pháp lý chưa thực sự rõ ràng. Trước tiên là đối với các điểm thu mua mía mót, khi phát hiện hoạt động trái phép lần đầu chỉ bị lập biên bản đình chỉ do kinh doanh không có giấp phép, còn số mía đã thu mua thì chủ điểm thu mua vẫn có quyền tiêu thụ mà không bị tịch thu do không có cơ sở xác định là hàng gian. Do đó khi bị phát hiện lần đầu, chủ điểm thu mua không bị mất gì- trừ việc phải chấp hành đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, ngay sau đó điểm thu mua này được dời qua chỗ khác dưới danh nghĩa một người khác đứng ra thu mua. Vì không có giấy phép kinh doanh nên khó xác định chủ điểm thu mua là ai, vì vậy khi điểm thu mua mía mót tiếp tục bị phát hiện thì vẫn là vi phạm lần đầu vì đã là chủ khác, địa điểm khác và cũng chỉ bị xử lý đình chỉ hoạt động. Số lượng mía đã thu mua vẫn được tiêu thụ. Bằng cách đối phó này nên khi chính quyền dẹp nơi này thì điểm thu mua lại dời nơi khác, và nếu bị phát hiện thì chuyển nơi khác nữa mà không bị xử lý hành chính hoặc tịch thu mía thu mua trái phép. Thậm chí cả khi bị xử lý hành chính thì mức xử phạt cũng chẳng bao nhiêu nên nhiều chủ thu mua mía trái phép chẳng hề nao núng, vẫn tiếp tục hoạt động.

Đối với người “mót mía”, thực tế cũng rất khó xác định trong bó mía mót chở đi bán cây nào thực sự là mót, cây nào là ăn cắp. Mía mót thực sự được coi là hợp pháp, còn mía lén lấy của chủ ruộng mía thì không hợp pháp. Tuy nhiên thực tế hành vi mót mía và hành vi ăn cắp mía lẫn lộn nhau, khó có thể xác định được. Có người cho rằng mía mót được xác định là mía ăn cắp chỉ khi nào có sự tố cáo hành vi ăn cắp mía của người mót mía. Thực tế, cũng có nhiều chủ mía nhìn thấy những người mót mía, lấy mía của mình, nhưng không dám tố cáo hoặc ngăn cản vì sợ tư thù sinh ra nhiều bất lợi về sau- trong đó hầu hết là lo sợ mía bị đốt cháy. Do đó người mót mía- trong đó có cả ăn cắp mía đều được coi như làm việc hợp pháp, tất cả mía mót- trong đó không nhỏ số mía ăn cắp đều được coi là sản phẩm hợp pháp và vận chuyển đi bán cũng hợp pháp. Từ đó người mót mía không có gì phải e ngại khi đi mót và chở mía mót đi bán.

Một điểm thu mua mía mót ở ấp Đông Hà, xã Tân Đông (ảnh chụp trưa ngày 14.12.2009).

* Làm thế nào ngăn chặn hiệu quả?

Rất nhiều nông dân trồng mía bức xúc trước tình trạng mót mía diễn ra trong lúc thu hoạch mía. Thấy tài sản của mình bị mất ngay trước mắt, nhưng người trồng mía lại không có giải pháp nào ngăn chặn. Nhiều năm qua, người trồng mía có nhiều băn khoăn- từ chuyện gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đến giá cả thu mua và đặc biệt là chuyện rủi ro, cháy mía. Nay người trồng mía lại tiếp tục có thêm nỗi lo nữa là tình trạng “mót mía” diễn ra ngày càng “không bình thường”. Giải pháp nào ngăn chặn hiệu quả?

Nhiều người cho rằng để ngăn chặn nạn mót mía có hiệu quả, trước tiên phải có quy định rõ ràng về hành vi mót mía. Có quy định phân biệt đâu là mót mía thực sự, đâu là “mót mía” núp bóng để có giải pháp xử lý hợp lý, hợp tình. Hành vi mót được coi là hợp pháp khi nào người mót thu lượm những gì mà chủ nhân của tài sản đó đã bỏ. Còn nếu hành vi này diễn ra khi chủ nhân chưa bỏ thì không phải là mót. Nên chăng có quy định rõ ràng hành vi mót mía thực sự chỉ diễn ra khi nào chủ mía đã thu hoạch, vận chuyển hoàn tất, lúc đó sản phẩm mía mót là hợp pháp. Còn khi chủ mía đang thu hoạch, mía còn trên bãi chưa thu gom hết, xe chưa vận chuyển hoàn tất mà đến “mót” thì không phải là hành vi mót mía đúng nghĩa, sản phẩm mót này không hợp pháp và có biện pháp xử lý tại chỗ. Đây là giải pháp xử lý từ gốc và căn cơ nhất. Bởi vì khi mía mót đã được chất lên xe chở ra khỏi ruộng thì không thể xác định được đó là hợp pháp hay không hợp pháp.

Đối với các điểm thu mua mía, ngoài việc tăng cường kiểm tra xử lý, đình chỉ hoạt động hoặc xử lý hành chính do kinh doanh không có giấy phép, còn phải có thêm quy định xử lý sản phẩm mía đã thu mua. Theo ý kiến đề xuất của một số cán bộ Trạm nông vụ SBT, đối với mía mót đã thu mua tại điểm thu mua trái phép, bị phát hiện nên quy định phải bán lại cho nhà máy đường gần nhất với giá căn cứ theo chữ đường thực tế chứ không cho tự do tiêu thụ. Thực tế, hầu hết lượng mía mót đã thu mua đều được chở ra ngoài tỉnh tiêu thụ nên song song với việc xử lý điểm thu mua trong tỉnh, ngành chức năng cần có giải pháp hạn chế mía chở ra ngoài tỉnh không hợp pháp.

Sơn Trần