Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nở rộ dịch vụ đổi tiền ngày giáp Tết
Thứ bảy: 17:33 ngày 06/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu đổi tiền ngày càng tăng. Dịch vụ đổi tiền xuất hiện nhan nhản trên các mạng xã hội, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân. Tuy nhiên, việc đổi tiền sẽ kèm theo “một ít” tiền phí, mức phí đổi phụ thuộc vào từng loại mệnh giá.

Tràn ngập dịch vụ đổi tiền trên các trang mạng xã hội.

Chỉ cần lên Google gõ tìm kiếm “đổi tiền” là ngay lập tức hiện ra hàng trăm kết quả, với đủ các lời quảng cáo đổi tiền lẻ, thậm chí có dịch vụ ship đến tận nơi chỉ trong thời gian ngắn. Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền mới để lì xì tết, chúng tôi nhắn tin vào trang facebook có tên Q.D.

Người này cho biết, tùy vào mệnh giá, tiền càng nhỏ, phí đổi sẽ càng cao và ngược lại với những mệnh giá tiền càng cao mức phí càng thấp. Cụ thể, mệnh giá 2.000 và 5.000 đồng phí khoảng 10%; tờ tiền 10.000, 20.000, 50.000 đồng sẽ có mức phí 5%; đối với tiền 100.000 đồng phí đổi là 4,8%...

“Tiền luôn trong tình trạng mới và liền seri, nguyên niêm của ngân hàng. Có sẵn tiền mới nhiều mệnh giá từ 500 đồng đến 200.000 đồng. Chỉ cần nhắn số lượng tiền mới cần đổi, sau khoảng một ngày là bạn sẽ nhận được số lượng tiền theo nhu cầu muốn đổi”, anh D cho biết.

Bên cạnh đổi tiền mới VND các mệnh giá, trên mạng xã hội còn xuất hiện thêm dịch vụ mua bán, trao đổi tiền của nhiều nước khác nhau. Phí đổi phụ thuộc vào mệnh giá và số lượng mà khách hàng yêu cầu, thậm chí với những tờ tiền có seri đẹp thì chi phí đổi càng cao.

“Đối với tờ tiền in hình trâu được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Tuỳ vào người mua có nhu cầu muốn số seri đẹp, liên tục hay lấy ngẫu nhiên thì tờ tiền sẽ có giá đổi khác nhau với mức phí dao động từ 10 – 20%”, anh H.N.T (huyện Châu Thành)- một người đổi tiền cho hay.

Thậm chí, người này còn giới thiệu cho chúng tôi các bộ tiền, gồm 3 - 4 tờ tiền của các nước khác nhau, mang nhiều ý nghĩa như thuận buồm xuôi gió, mua may bán đắt, mã đáo thành công. Theo đó, bộ tiền 3 tờ gồm 5 rufiyaa Maldives, 5 colones Costa Rica, 50 cym Uzbekistan có giá 140.000 đồng/1 bộ; bộ tiền gồm 4 tờ tiền in hình những chiếc thuyền căng buồm ra khơi như tờ 1 đô la Singapore, 10 peso Peru, 5 rufiyaa Maldives, 100 rupial Indonesia sẽ có giá 220.000 đồng/1 bộ, có bán sỉ 3 bộ trở lên. “Cam kết đều là tiền thật, có giá trị lưu hành, chất lượng mới 100%”, anh T khẳng định.

Tuy nhiên, việc đổi tiền mới trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có trường hợp khách hàng bị lừa bởi các chiêu trò như đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả. Tuy nhiên, hầu hết số tiền của từng cá nhân bị thiệt hại không lớn hoặc đã trót tiếp tay cho hành vi vi phạm nên nhiều người phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám tố cáo.

Nhiều ý kiến cho rằng, có cầu thì ắt có cung. Văn hóa chuộng tiền lẻ khi lễ chùa, tiền mệnh giá thấp để lì xì, lấy may… đã vô tình dẫn đến sự hình thành của các dịch vụ đổi tiền tính phí. Anh N.T.H (ngụ phường 3, TP.Tây Ninh) cho biết, do có nhu cầu cần tiền mới để lì xì tết nhưng đổi ở ngân hàng không có. Thông qua một trang đổi tiền mới trên facebook, anh đổi một cọc 20.000 đồng với mức phí đổi là 9%. Tức anh H phải bỏ ra 2.180.000 đồng, chỉ đổi được 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh H nhận được số tiền đổi lại bị thiếu so với cam kết trước đó.

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Để quy định rõ về vấn đề này, tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền. 

Đổi tiền trên mạng dễ gặp rủi ro.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điểm b, Khoản 3, Điều 3, Nghị định 88/2019/NĐ-CP).

Vào ngày 21.12.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 684/NHNN-VP về việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó, yêu cầu toàn ngành chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt công tác điều hòa, cung ứng tiền mặt, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại hối và dịch vụ đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Dịp Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ mới. Chính vì vậy, lượng tiền mặt nhỏ mới khá khan hiếm, việc đổi tại các ngân hàng gần như không có nên các đối tượng đổi tiền lại càng có cơ hội “đục nước béo cò”. Thiết nghĩ, để bảo đảm an toàn, người dân khi thực hiện giao dịch, trao đổi tiền nên vào ngân hàng, bởi nếu mua bán tiền trôi nổi sẽ dễ bị lừa, mua phải tiền giả hoặc thiếu tiền. Ngoài ra, để ngăn chặn việc này, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đổi tiền tính phí.

THIÊN DI – PHƯƠNG THẢO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục