Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nobel Hòa bình 2024 được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo
Thứ sáu: 22:30 ngày 11/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nihon Hidankyo - tổ chức gồm những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử - được trao giải Nobel Hòa bình 2024 vì những nỗ lực trong việc kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân.


Ông Toshiyuki Mimaki, người đứng đầu tổ chức Nihon Hidankyo - Ảnh: THE GUARDIAN

Ủy ban Nobel Na Uy công bố người hoặc tổ chức đoạt giải Nobel Hòa bình 2024 vào lúc 16h ngày 11-10 (giờ Việt Nam). Năm nay giải thuộc về tổ chức Nihon Hidankyo từ Nhật Bản - tổ chức kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã ca ngợi việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho Nihon Hidankyo là "cực kỳ có ý nghĩa".

"Việc giải Nobel Hòa bình được trao cho tổ chức đã dành nhiều năm vận động xóa bỏ vũ khí hạt nhân là vô cùng có ý nghĩa", ông Shigeru Ishiba nói với báo giới khi đang ở Lào dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44-45.

Hướng tới thế giới không vũ khí hạt nhân
Theo Hãng tin Reuters, Nihon Hidankyo tập hợp những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Những người này được gọi chung là Hibakusha.

"Hibakusha nhận giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, và vì đã chứng minh thông qua lời khai của nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng lần nữa", ông Jorgen Watne Frydnes - chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy ở Oslo - phát biểu.

"Để ứng phó với các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào tháng 8-1945, một phong trào toàn cầu đã nổi lên với các thành viên không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức về hậu quả thảm khốc khi sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Jorgen Watne Frydnes nói. "Dần dần, một chuẩn mực quốc tế đã phát triển, coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Chuẩn mực này được gọi là điều cấm kỵ về hạt nhân".

Ủy ban Nobel Na Uy cho biết họ lo ngại rằng điều cấm kỵ này đang "chịu áp lực" trong bối cảnh nhiều xung đột ngày nay.

"Các cường quốc hạt nhân đang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí của họ. Các quốc gia khác dường như đang chuẩn bị sở hữu vũ khí hạt nhân và đang có những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như một phần của cuộc chiến tranh đang diễn ra", người đứng đầu Ủy ban Nobel Na Uy phát biểu.

Ông Jorgen Watne Frydnes nhắc nhở rằng năm tới sẽ đánh dấu 80 năm kể từ khi hai quả bom nguyên tử do Mỹ chế tạo đã giết chết khoảng 120.000 cư dân của Hiroshima và Nagasaki.

"Nhiều người đã chết vì bỏng và thương tích do bức xạ trong những năm tháng sau đó. Vũ khí hạt nhân ngày nay có sức hủy diệt lớn hơn nhiều", ông Frydnes nói. "Chúng có thể giết chết hàng triệu người và sẽ tác động thảm khốc đến khí hậu. Một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nền văn minh của chúng ta".

Ông Toshiyuki Mimaki, người đứng đầu Nihon Hidankyo, bày tỏ sự ngạc nhiên khi tổ chức được trao giải Nobel Hòa bình 2024. "Tôi còn chưa từng mơ tới chuyện này", Hãng tin AFP dẫn lời ông Toshiyuki Mimaki.

Ông Toshiyuki Mimaki nói thêm rằng tình hình của trẻ em ở Dải Gaza hiện nay tương tự như ở Nhật Bản vào cuối Thế chiến 2: "Tình hình tương tự như 80 năm về trước".

Ông cũng cho rằng việc giành giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay sẽ là sự thúc đẩy lớn cho những nỗ lực của tổ chức, nhằm chứng minh rằng việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân là có thể.

"Đây sẽ là động lực rất lớn để kêu gọi thế giới rằng việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân có thể đạt được", ông Toshiyuki Mimaki phát biểu trong cuộc họp báo ở Hiroshima, địa điểm của vụ đánh bom nguyên tử vào ngày 6-8-1945.

286 ứng viên Nobel Hòa bình

Tượng Alfred Nobel bên ngoài Viện Nobel Na Uy ở Oslo, nơi công bố người đoạt giải Nobel Hòa bình - Ảnh: REUTERS

Trước đó, trong bối cảnh những cuộc chiến tranh đang diễn ra trên khắp thế giới, Giải Nobel Hòa bình 2024 ban đầu được dự đoán sẽ vinh danh những cá nhân hoặc tổ chức đang nỗ lực bảo vệ trật tự thế giới, như Tòa án công lý quốc tế (ICJ), Cơ quan cứu trợ và hành động của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), hoặc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

Theo Chương trình dữ liệu xung đột của Đại học Uppsala (Thụy Điển), năm 2023 có tới 59 cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, gần gấp đôi so với con số năm 2009.

Một số chuyên gia cho rằng với tình hình đó, có thể sẽ không có người nhận giải Nobel Hòa bình năm nay - điều đã xảy ra 19 lần kể từ khi giải thưởng này được trao lần đầu vào năm 1901.

Tuy nhiên, Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định việc tôn vinh những nỗ lực hòa bình "có lẽ quan trọng hơn bao giờ hết".

"Thật khó để lạc quan khi nhìn vào thế giới ngày nay, và các lực lượng ủng hộ hòa bình dường như không chiếm ưu thế", ông Olav Njolstad, thư ký của Ủy ban Nobel Na Uy, chia sẻ với Hãng tin AFP. "Nhưng vẫn có những người và tổ chức đang làm công việc tuyệt vời".

Tổng cộng có 286 ứng viên - bao gồm 197 cá nhân và 89 tổ chức - được đề cử năm nay. Mặc dù Ủy ban Nobel giữ bí mật danh sách này trong 50 năm, những người đủ điều kiện đề cử có thể công khai tên ứng viên họ đề xuất.

Những cái tên nổi tiếng được đề cử bao gồm cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, tỉ phú Elon Musk, Giáo hoàng Francis, cựu tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, nhà hoạt động môi trường người Anh David Attenborough, và Tổ chức phóng viên không biên giới...

Giải Nobel hòa bình là giải duy nhất được công bố tại Oslo (Na Uy), trong khi các giải khác được công bố tại Stockholm (Thụy Điển).

Năm ngoái giải Nobel Hòa bình đã thuộc về nhà hoạt động người Iran Narges Mohammadi vì cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp phụ nữ tại nước này.

Giải thưởng Nobel bao gồm một bằng chứng nhận, một huy chương và số tiền thưởng 1 triệu USD. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Stockholm và Oslo vào ngày 10-12, kỷ niệm ngày mất của nhà khoa học và người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel năm 1896.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục