Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự
Nỗi ám ảnh từ những “bóng ma” trên đường phố
Thứ hai: 09:42 ngày 22/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hôm nọ tôi có việc đi ra ngoài tỉnh bằng xe khách theo quốc lộ 22B, tới đoạn qua xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, thấy các phương tiện giao thông, nhất là xe khách, xe tải, xe công-tai-nơ đều phải dừng cho cảnh sát giao thông kiểm tra.

Tới lượt về, tôi nghe mấy người đồng hành nói là buổi kiểm tra hôm đó có một anh tài xế xe tải bị xét nghiệm nước tiểu, phát hiện dương tính với ma tuý đá. Ghê quá ông hả, mấy tay “ngáo đá” mà ôm vô-lăng xe tải nặng, xe công-tai-nơ chạy nghểu nghến trên đường công cộng thì nguy hiểm biết đâu mà kể.

-Y vậy đó. Tài xế nghiện ma tuý thì khác nào “bóng ma” trên đường phố. Ác một nỗi là, mấy anh tài xe tải vận chuyển hàng hoá đường dài lại cho rằng chất ma tuý có tác dụng làm hưng phấn thần kinh, chống mệt mỏi, giúp họ tỉnh táo để cầm lái thâu đêm suốt sáng kịp thời gian giao hàng, xoay tua… mới chết chứ.

-Cũng có thể lúc đầu khi mới sử dụng, người ta có cảm giác ma tuý có tác dụng như thế. Nhưng ma tuý là chất gây nghiện, mà đã “dính” rồi thì ngày càng lún sâu, rất khó cai. Nhất là loại ma tuý đá, gọi là “ma tuý hướng thần” gây ảo giác cực mạnh cho người sử dụng, khiến họ mất hết tự chủ, hành xử điên loạn như người bệnh tâm thần hoang tưởng, nên người ta mới gọi người sử dụng ma tuý đá là “ngáo đá”. Thật khó mà tưởng tượng nổi chuyện gì sẽ xảy ra khi một tay “ngáo đá” ngồi trong ca-bin cầm lái chiếc xe công-tai-nơ đồ sộ, dài ngoằng, chạy ào ào trên đường, ông nhỉ?!

-Thì đó, cứ lâu lâu lại nghe tin một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, làm chết rất nhiều người, mà hầu hết các vụ khủng khiếp như vậy đều có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có chất ma tuý, có nồng độ cồn trong người, do tài xế quá mệt mỏi, ngủ gật vì cầm lái thâu đêm…

-Như vậy ắt là pháp luật phải có biện pháp xử phạt thật nặng đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện vận tải có nồng độ cồn, có chất ma tuý trong người, cũng như người điều khiển phương tiện liên tục quá thời hạn quy định ông hả?

-Hẳn là vậy rồi. Theo các văn bản pháp luật hiện hành thì mức xử phạt đối với người sử dụng ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong cơ thể có chất ma tuý là khá nặng, cụ thể là sẽ bị “giam bằng lái” tức là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng; hoặc nếu không có giấy phép lái xe hay là có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. Đối với trường hợp cầm lái mà có nồng độ cồn trong người cũng bị phạt rất nặng. Còn đối với trường hợp cầm lái quá 10 giờ một ngày, hay cầm lái liên tục quá 4 giờ thì không chỉ người điều khiển phương tiện mà chủ sở hữu phương tiện cũng bị phạt nặng.

-Nhưng tôi cảm thấy có vẻ như mức phạt ấy chưa đủ sức răn đe hay sao mà người ta cứ vi phạm để cho tai nạn giao thông xảy ra, trong khi Nhà nước cũng như toàn xã hội đã thực hiện rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông. Theo ông, phải làm sao mới có thể kéo giảm tai nạn giao thông, để mọi người đỡ phải lo ngay ngáy mỗi khi ra đường?

-Chuyện đó theo Bàn Dân thấy thì không có cách nào khác, trước mắt là phải vừa tích cực tuyên truyền pháp luật về giao thông thật sâu rộng, thật đúng đối tượng, vừa phải tăng cường tuần tra kiểm soát thật quyết liệt; đồng thời phải có chế tài xử lý đúng mức. Về lâu dài phải làm sao có giải pháp thật căn cơ, hiệu quả để xây dựng ý thức “thượng tôn pháp luật” nói chung, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông nói riêng cho mọi người. Phải hình thành cho được nền nếp “văn hoá giao thông” mới có thể kéo giảm “tai hoạ” trên đường phố, xoá bỏ nỗi ám ảnh khủng khiếp cho mọi người mỗi khi ra đường.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh