Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nơi ấy là Trường Sa
Thứ sáu: 15:58 ngày 06/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðọc “Nơi ấy là Trường Sa” để hiểu rằng: chúng ta có được cuộc sống yên bình như hôm nay, một phần là nhờ vào sự hy sinh thầm lặng của các anh - những người lính nơi hải đảo xa xôi.

Hoàng Sa - Trường Sa đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho thi ca. Trong số ấy, phải kể đến tập truyện và ký “Nơi ấy là Trường Sa” của tác giả Tiến sĩ - nhà văn Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; hiện là giảng viên cao cấp Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội). Sách gồm 2 phần: bút ký và truyện ngắn, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Năm 2011, trong lần cùng Ban tuyên giáo Trung ương ra thăm Trường Sa trên con tàu HQ 957 thuộc Hải đội 5, Lữ đoàn M25, tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe, cùng những cảm nhận chân thật nhất về những chiến sĩ nhà giàn DK1.

Có thể nhận thấy, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Lê Thị Bích Hồng đều mang dáng vóc và hơi thở của thời đại. Chị đã để nhân vật của mình nói lên tất cả tiếng lòng. Bằng cả niềm tin và sự kính trọng, chị tạo dựng nên nhân vật đẹp về tính cách lẫn tâm hồn, đầy cá tính, giàu lý tưởng và khát vọng cống hiến. Tác giả còn khéo léo lồng ghép vào đó những câu thơ lãng mạn, giàu sức gợi, nhẹ nhàng, bay bổng.

Ở phần bút ký, tác giả chia sẻ 6 câu chuyện bằng tấm chân tình chị dành cho Trường Sa mến yêu. Chính tình cảm dành cho người lính đảo nơi đây đã cho chị nguồn cảm xúc mãnh liệt. Những khó khăn, vất vả nơi đầu sóng ngọn gió của người chiến sĩ ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK1 hiện lên trong từng trang viết. Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng từng bộc bạch: “Nặng lòng, cảm thông, cơ duyên với người lính đã thôi thúc tôi cầm bút, tri ân với người lính bằng văn chương”.

Sang phần truyện ngắn, 11 câu chuyện với cấu tứ nhẹ nhàng, giọng văn thanh thoát khiến ta cảm nhận được dẫu trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, ở nơi chỉ có sóng, có gió biển bao phủ, nhưng người chiến sĩ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, vững tay súng để bảo vệ quê hương, đất nước. Cây xanh và con người ở Trường Sa như tượng đài hiên ngang với sức sống mãnh liệt, bất khuất giữa biển khơi và cây xanh cũng góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền.

Ðọc “Nơi ấy là Trường Sa” để hiểu rằng: chúng ta có được cuộc sống yên bình như hôm nay, một phần là nhờ vào sự hy sinh thầm lặng của các anh - những người lính nơi hải đảo xa xôi. Cả nước đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, để cùng nhau khẳng định chủ quyền lãnh thổ, cùng nhau dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Yến Nhi

Tin cùng chuyên mục