BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi băn khoăn của hơn 2.000 cựu TNXP Tây Ninh

Cập nhật ngày: 01/05/2023 - 06:22

BTN - Chào ông bạn làm “nhựt trình”, nay được nghỉ lễ chắc ông cũng thư thả thời gian, sẵn đây cho hỏi thăm ông chút chuyện này coi?

- Vâng, Bàn Dân sẵn lòng thôi, ông muốn hỏi chuyện gì nào?

- Số là mấy hôm trước lễ, tôi đọc báo xem đài thấy cử tri có ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh về việc Nhà nước tiếp tục khen thưởng thành tích kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, nhưng tôi chỉ thoáng nghe qua nên nắm chưa được rõ lắm. Tôi nghĩ rằng các thời kỳ kháng chiến cứu nước, bảo vệ Tổ quốc đều đã qua khá lâu, bốn năm chục năm rồi, chẳng lẽ khen thưởng thành tích chưa hết sao mà nay còn tiếp tục khen thưởng vậy ông?

-À, số là như vầy, mặc dù các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã qua lâu, nhưng vì nhiều lý do, việc khen thưởng rộng rãi các đối tượng có đóng góp công sức, lập được thành tích cũng chưa đầy đủ. Chẳng hạn như là đối tượng Thanh niên xung phong (TNXP), nhất là TNXP bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.

Tuy rằng các cựu TNXP hầu hết đã có những chính sách, chế độ đãi ngộ, nhưng về việc khen thưởng vinh dự bằng huân, huy chương của Nhà nước thì chưa có. Nên sau nhiều kỳ họp được đưa ra thảo luận, đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV hồi giữa năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng 2022.

Theo đó có nhiều nội dung luật được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như Điều 96, luật quy định Nhà nước tiếp tục xem xét, thực hiện hoàn thành khen thưởng thành tích kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc…; thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với TNXP có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên…; Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”…

Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Hiện nay, Chính phủ đang soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định về quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để chuẩn bị 8 tháng nữa sẽ đưa ra thực hiện thi hành luật, tặng huy chương cho các cựu TNXP đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

- Vậy là thoả đáng quá rồi, đáp ứng đúng nguyện vọng của các đối tượng được khen thưởng rồi, sao cử tri còn có ý kiến gì nữa?!

- Thật ra, đối với các anh chị em cựu TNXP sự việc vẫn còn… lấn cấn lắm ông ạ.

- Lấn cấn gì, luật đã quy định rõ ràng, cụ thể rồi, đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn thì được khen thưởng thôi, ai lấn cấn, có gì còn lấn cấn?

- Đúng thì có đúng, nhưng đủ thì… chưa biết sao là đủ. Còn lấn cấn thì không phải một hai người, mà có tới hàng ngàn người lấn cấn đấy ông ạ!

- Gì mà dữ vậy, ông nói cụ thể, rõ ràng hơn cho tôi hiểu với?

- Luật Thi đua, khen thưởng quy định cụ thể là TNXP tham gia các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên thì được tặng huy chương. Còn dự thảo Nghị định của Chính phủ thì xác định mốc thời gian của các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc cũng rất rõ ràng.

Cụ thể là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam là gần 4 năm: từ ngày 1.5.1975 đến ngày 7.1.1979. Thực tế là từ sau ngày miền Nam giải phóng 30.4.1975, bọn diệt chủng Pol Pot đã có những hành động gây hấn, phá hoại biên giới giáp với nước ta.

Tuy nhiên, phải tới ngày 25.9.1977 mới thực sự có tình trạng chiến tranh trên biên giới Tây Nam tại Tây Ninh. Chắc ông cũng còn nhớ đêm 24 rạng 25.9.1977, bọn diệt chủng đã tràn sang biên giới tỉnh ta, tàn sát gần cả ngàn người dân vô tội ở hai huyện Tân Biên và Bến Cầu.

Sau đêm thảm khốc đó, thanh niên tỉnh nhà được huy động lên biên giới để giúp mai táng đồng bào bị giết, cất lại nhà đồng bào bị đốt, giúp đồng bào khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và sát cánh phục vụ bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới.

Từ ngày đó, Tổng đội Thanh niên xung phong Tây Ninh được thành lập, đứng chân trên biên giới công tác, sản xuất, bảo vệ biên giới cho đến đầu năm 1981, khi tất cả hơn 2.000 TNXP hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị mới giải thể.

Thực tế lịch sử là như thế, nhưng nếu so với mốc thời gian dự thảo Nghị định quy định đối với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (từ 1.5.1975 - 7.1.1979) thì Tổng đội TNXP Tây Ninh chỉ có… 15 tháng công tác trên biên giới (từ 25.9.1977 đến 7.1.1979). Như vậy xem như hơn 2.000 TNXP biên giới Tây Nam của tỉnh ta không ai đủ “2 năm tại ngũ trở lên”. Có nghĩa là không một TNXP nào đủ tiêu chuẩn được xét tặng Huy chương TNXP vẻ vang (!).

-Ủa, vậy à, vậy rồi sao? Chẳng lẽ tất cả TNXP bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam của tỉnh ta đều không ai xứng đáng được tặng huy chương, trong khi hầu hết TNXP tại ngũ hơn 2 năm, trước và sau ngày 7.1.1979?

-Bởi vậy cử tri mới kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến đề nghị Chính phủ ghi rõ trong Nghị định là: “TNXP tại ngũ 2 năm trở lên”, trong đó “có thời gian công tác trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc” thì “được xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Như thế vẫn không sai luật mà cũng không thiệt thòi cho hàng ngàn cựu TNXP Tây Ninh. 

Bàn Dân