Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến chốt Cần Lê là… nắng như đổ lửa. Cái nắng ở biên giới quả rất khó chịu. Không một chút gió, cái nắng cứ hầm hập đổ xuống như muốn thiêu da, đốt thịt.

Xuất phát từ Thị xã lúc 6 giờ30 nhưng mãi đến gần giữa trưa, chiếc xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh mới đưa chúng tôi đến được chốt Cần Lê ở ấp Con Trăn, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Có thể nói, đây là điểm chốt thuộc loại hẻo lánh nhất nhì trong các chốt biên phòng của tỉnh. Cuộc sống nơi đây còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn.
Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến chốt Cần Lê là… nắng như đổ lửa. Cái nắng ở biên giới quả rất khó chịu. Không một chút gió, cái nắng cứ hầm hập đổ xuống như muốn thiêu da, đốt thịt. Cũng may là gần đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trang bị cho anh em chiến sĩ ở chốt một hệ thống pin năng lượng mặt trời. Nhờ có nguồn điện này mới sử dụng được máy quạt, coi như cũng đỡ khổ, nếu không, chưa biết chúng tôi có chịu đựng nổi không. Việc thiếu điện coi như còn ráng chấp nhận được nhưng thiếu nước dùng cho sinh hoạt mới thật là nan giải.
![]() |
Vác nước từ suối về sử dụng |
Anh Lê Văn Trừ, chốt trưởng dân quân cho biết: do vị trí của chốt nằm trên vùng đá vôi nên rất khó tìm nguồn nước. Trước đây, đơn vị có hai cái giếng khoan, mỗi giếng sâu khoảng 50 mét, nhưng sử dụng được chừng nửa tháng là hết nước. Thấy tình cảnh khó khăn ấy, khoảng ba năm trước, UBND xã Tân Hoà có tặng cho chốt Cần Lê hai bồn nước bằng inox để chứa nước mưa. Nước mưa dự trữ chỉ đủ để sử dụng cho việc ăn, uống khoảng 6-7 tháng mà thôi. Vào mùa nắng, hằng ngày anh em chiến sĩ ở chốt phải xuống một con suối nhỏ, cách chốt khoảng 40 mét để tắm, giặt. “Dự kiến, sắp tới chính quyền địa phương sẽ cho đào một cái giếng khác dưới vùng trũng gần chốt, nhưng chưa biết có nước để sử dụng không?”- anh Trừ nói.
Chúng tôi đã thử theo chân các chiến sĩ ở chốt đi lấy nước. Tại một con suối nhỏ, họ dùng những viên đá chắn ngang lòng suối để nước ứ đọng lại và gọi đây là bến Đá. Mọi người cùng xuống bến Đá tắm gội, giặt giũ quần áo. Xong, cùng nhau xách từng thùng nước lên tưới cho những luống rau trồng dưới hố bom. Cuối cùng, mỗi người vác trên vai một can nước về chốt để dành sử dụng. Chiến sĩ Nguyễn Huỳnh Cân cho biết: “Không phải lúc nào nước suối cũng trong như thế này đâu. Có những lúc do trâu bò lội qua hoặc sau một trận mưa nước suối cứ đục ngầu”.
Chốt Cần Lê nằm heo hút trong rừng, cách trung tâm xã Tân Hoà gần 30km nên không khí cũng khá đìu hiu. Suốt cả buổi có mặt tại chốt, chúng tôi chỉ thấy vài chiếc xe tải nhỏ, vài xe gắn máy chạy qua. Mỗi lần có xe qua lại, các chiến sĩ trực đều tiến hành kiểm tra nghiêm túc. Chốt trưởng Lê Văn Trừ cho biết, thời điểm này đang mùa thu hoạch mì nên người lao động và xe chở hàng nông sản qua lại nhiều hơn, chứ vào mùa mưa thì buồn lắm. Nhất là những ngày mưa dầm ở rừng thường lê thê, rả rích, có cảm giác như không bao giờ dứt. Sau những cơn mưa, thì đường trở nên lầy lội không thể tưởng. Mỗi lần muốn về thăm nhà, anh em chiến sĩ ở chốt phải mặc quần “sọt” cho tiện.
Khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng những anh em từng có thời gian phục vụ ở chốt Cần Lê đều dần trở nên yêu mến, gắn bó với nơi này. Như anh Trừ, hơn mười năm trước từng công tác ở đây, từng nghỉ việc, nhưng rồi… nhớ rừng, anh lại xin trở lại làm nhiệm vụ. Chiến sĩ trẻ Ngô Thế Nam, mới nhận nhiệm vụ hơn một tháng, nhà ở mãi xã Suối Ngô nay đã bắt đầu “bén hơi” với cuộc sống ở chốt. “Sống trong môi trường quân đội nền nếp hơn ở nhà rất nhiều. Ngày nào cũng thức dậy, ăn uống và trực theo giờ giấc quy định. Mới mấy ngày đầu còn bỡ ngỡ, nhưng bây giờ em đã quen và thấy thích cảnh núi rừng ở đây”- Nam bày tỏ.
Trung uý Trương Thanh Đẳng, chốt trưởng biên phòng cũng là người có thâm niên ở đây. Anh tìm thấy niềm vui của mình ngay trong cuộc sống hằng ngày: buổi chiều cùng anh em trong đơn vị chơi bóng chuyền, hoặc nghe chim hót, tranh thủ trồng lan rừng làm đẹp cảnh quan. “Tôi đang chuẩn bị kế hoạch, sắp tới sẽ tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao với đoàn viên thanh niên của Xã đoàn Tân Hoà để tạo niềm vui và thắt chặt tình nghĩa giữa hai đơn vị với nhau”- anh cho biết như vậy.
Nhờ sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm trong công tác của cán bộ, chiến sĩ chốt Cần Lê, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới nơi đây được bảo đảm trong thời gian qua. Năm 2008, anh em trong chốt tham gia bắt được một số đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới. Mấy năm sau, tình hình biên giới luôn ổn định, không còn tình trạng buôn lậu nữa.
Đại Dương