Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nỗi đau của Rừng
Thứ sáu: 10:23 ngày 24/09/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Bút ký của Phước Hội

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Vào những năm 1985-1986, khi Trạm Khai hoang của tỉnh giải thể, chúng tôi thường nói đùa với nhau: Vậy là tỉnh ta đã hoàn thành nhiệm vụ… phá rừng. Thật vậy, rừng đã đóng cửa thì lấy đâu mà khai hoang?

Rừng đã thành... rẫy.

Theo sử liệu còn để lại, đất Tây Ninh trước chỉ có rừng rậm, hoang thú và một số ít thổ dân. Cuộc di cư đầy bi tráng từ giữa thế kỷ thứ 17 thời Trịnh Nguyễn phân tranh đến đầu thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn để chạy trốn đói nghèo đã đưa những lưu dân lên tận miền thâm sơn cùng cốc, xuống cả nơi rừng thiêng nước độc để tìm kế sinh nhai. Một số lưu dân xuôi về phương Nam rồi lên vùng đất còn hoang sơ, hình thành nên những làng mạc dân cư vùng miền Đông Nam bộ, trong đó có Tây Ninh bây giờ. Rừng thuở đó đã chở che, nuôi sống nhưng cũng đầy khắc nghiệt với những phận người phiêu bạt mưu sinh. Đôi khi, cuộc đấu tranh giữa rừng và người trở nên rất khốc liệt. Dấu chân người đến đâu, rừng lùi đến đó, rừng thu mình lại nhường sự sống cho con người. Vào đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp khi xâm chiếm nước ta đã cho phá rừng mở nhiều đồn điền cao su, nhưng 2/3 diện tích đất Tây Ninh vẫn còn là rừng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những tầng rừng dày đặc miền Đông đã trở thành căn cứ địa vững vàng, bền bĩ thi gan cùng kẻ thù có sức mạnh quân sự vượt trội. Ở miền Nam trước kia, hai từ “vô rừng” có nghĩa là theo cách mạng. Rừng trở thành đất thiêng, là ngôi nhà chung của lực lượng kháng chiến, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” là thế.

Sau năm 1975, dù bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, diện tích rừng ở Tây Ninh vẫn còn khá nhiều. Ngoại trừ những huyện nằm sâu trong nội địa, hầu như địa bàn huyện nào trong tỉnh cũng có rừng, không nhiều thì ít. Đặc biệt, vùng chiến khu liên hoàn từ Dương Minh Châu đến Tân Biên (bao gồm cả Tân Châu ngày nay) bạt ngàn rừng là rừng. Những năm tháng đất nước khó khăn, sản vật của rừng đã cưu mang biết bao gia đình trong cảnh ngặt nghèo. Con người đã lấy của rừng cả đất đai, cây gỗ, muông thú… để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình. Với lối canh tác lạc hậu của thời nguyên sơ, họ chặt đốt rừng không thương tiếc, vội vàng trồng dăm ba mùa rẫy rồi bỏ, mặc cho cỏ dại tung hoành, đất đai hoang hoá, bạc màu. Ngay chuyện hái lượm sản phẩm cũng rất tàn bạo: chặt cả cây để lấy trái, đào tận rễ để thu dược liệu, rồi tàn sát chim muông, thú rừng bằng đủ loại công cụ. Rừng “khô máu”, cạn kiệt chết dần, chết mòn.

Sự tàn phá của con người càng lúc càng trở nên khủng khiếp. Tôi nhớ những năm đầu mới giải phóng, khi tôi về sống ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, cách khu dân cư tập trung chừng ba, bốn cây số đã là rừng. Rừng già, rừng trẻ, rừng mới tái sinh ken nhau phủ bạt ngàn từ trảng Đồng Xuồng, Tà Dơ đến Suối Bà Chiêm nối với Tống Lê Chân. Vậy mà chỉ mười năm sau rừng gần như biến mất, thay vào đó là những cánh đồng mênh mông ngút tầm mắt. Năm 1979, tôi về công tác ở Tân Biên, chỉ cách quốc lộ 22B chừng vài cây số về phía Tây, rừng cũng dày đặc, kéo dài từ Trại Bí, Lò Gò, Xa Mát đến Kà Tum, nhưng rồi cũng chỉ gần chục năm sau, rừng đã tan hoang. Lúc này, những chốt gác rừng cũng được hình thành khắp các cửa rừng nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ thu lệ phí, bắt bớ những người dân nghèo lấy củi, hầm than, khai thác mây tre nhỏ lẻ mưu sinh bằng những xe đạp thồ. Trong khi đó, rừng âm thầm bị rút ruột với quy mô lớn. Không biết bao nhiêu là mét khối gỗ quý đã được tuồn về thị tứ trở thành những mặt hàng gỗ cao cấp.

Góp phần huỷ diệt rừng, ngoài tác động của người dân do cuộc mưu sinh còn có bàn tay của các đơn vị quốc doanh nông nghiệp được hình thành trên địa bàn của tỉnh. Với diện tích quy hoạch vài ngàn ha cho một nông trường, trạm trại, thì có hàng chục ngàn hec ta rừng đã bị san bằng. Do việc điều tra, khảo sát thực trạng không chính xác nên trong những bản báo cáo được đặt trên bàn giấy của các cấp có thẩm quyền thì đấy chỉ là những diện tích rừng kiệt, rừng không khả năng tái sinh. Tuy nhiên, trong quá trình khai hoang, lượng cây gỗ được ủi bỏ tập trung vào các bờ lô có nhiều nơi chất cao như núi. Rừng bắt đầu lùi sâu về phía biên giới, muông thú tan tác vì thiếu chốn nương thân và trở thành miếng mồi ngon của con người. Nhiều hộ gia đình ở khu vực biên giới nhờ kinh doanh quán nhậu đặc sản thịt rừng mà trở nên giàu có.

Đến những năm cuối thế kỷ 20, khi các cấp chính quyền giật mình nhìn lại thì nhiều tiểu khu rừng chỉ còn tồn tại trên những bản báo cáo. Thế là bắt đầu trồng lại rừng. Vốn của Chính phủ rót xuống qua các chương trình quốc gia nhưng tiền về tới tay người dân khu vực có rừng bao nhiêu, hiệu quả sử dụng đồng vốn và kết quả trồng rừng như thế nào, hình như không nghe nói. Nhiều khu rừng thoạt nhìn bên ngoài cây cối dày đặc, nhưng khi vào sâu bên trong thì lộ diện những khoảng trống xác xơ, nham nhở hoặc đã là những đám rẫy trồng mì, mía, cây ăn trái, cao su… Với lực lượng kiểm lâm quá mỏng, việc quản lý bảo vệ rừng đôi khi là nhiệm vụ bất khả thi, (chưa kể có trường hợp một số người còn tiếp tay với lâm tặc).

Phút bình yên trong rừng.

Một tín hiệu đáng mừng là trong năm 2010 việc trồng rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã chuyển biến khả quan hơn. Lần đầu tiên giống cây rừng “hút hàng”, không đủ cung cấp cho nhu cầu. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền nhiều địa phương đã có những chủ trương, biện pháp quyết liệt trong việc vận động, cưỡng chế các hộ dân ở các điểm nóng như Tiểu khu 63 Dương Minh Châu, Lò Gò-Xa Mát, Chàng Riệc… chặt bỏ những cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp để trồng lại rừng. Việc giao rừng cho các chủ rừng là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên các ngành chức năng cũng cần tăng cường  công tác kiểm tra, giám sát trong việc quản lý, khai thác. Tác dụng của rừng có lẽ giờ đây ai cũng biết, cũng nghe, cũng hiểu nhưng từ nhận thức đến hành động thực tiễn lại là chuyện khác. Hệ quả khốc liệt của nạn tàn phá rừng như lụt lội, hạn hán, sụp lở đất… cướp đi hàng vạn sinh mệnh con người cùng của cải vật chất mỗi năm trên thế giới đang là nỗi ám ảnh của thế kỷ. Đó chính là bài học nhãn tiền về luật nhân quả do chính con người gây ra.

PHƯỚC HỘI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục