BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi đau cuối đời

Cập nhật ngày: 27/04/2011 - 08:14

Bà Tư Nh mỗi ngày đều phải đi kiếm ve chai như thế này

Họ từng có một gia đình. Có con cháu, nhà cửa, ruộng đất. Và một thời điểm nào đó, số phận phũ phàng trút tất cả gánh nặng bất hạnh lên vai họ. Con cháu ruồng rẫy, người thân lạnh nhạt xa lánh. Họ như tấm áo rách bị bỏ quên bên lề cuộc sống.

Ai từng ghé mấy quán hàng ở ấp C.L (G.D), chắc không khỏi xót xa khi nhìn thấy một cụ bà chừng 70 tuổi, gầy ốm khẳng khiu, tấm lưng còng cúi gập ngang mặt đất. Bà cụ cúi mái tóc bạc trắng xuống đất, kiếm từng cái bọc ni lon hay lon cá mòi bỏ vào chiếc giỏ trúc lớn. Đó là bà Tư Nh, bà từng bị chồng bỏ cách đây hơn 40 năm, để lại cho hai đứa con thơ dại. Tần tảo nuôi hai con khôn lớn, cô con gái có một đứa con giờ làm ăn xa. Người con trai cũng đã có vợ. Mảnh đất của bà Tư, các con đòi chia hai cho dễ xử. Người con trai sau khi cất nhà, để má ở chung nhà, nhưng cô con dâu thì mặt nặng, mày nhẹ, không cho má chồng thắp đèn, dùng quạt điện. Thấy bà coi ti vi, cô cũng sai đứa con tới tắt đi, kêu tốn điện. Con dâu ngày nào cũng nói xa, nói gần: “Tôi nuôi chồng con cũng cực lắm rồi, không nuôi nổi ai nữa đâu”. Biết ý con dâu, bà Tư lặng lẽ đi nhặt bọc mủ, lon bia về kiếm sống. Bà nói siêng lượm thì ba, bốn bữa cân cho vựa một lần. Bọc ni lon bán được 500đ/kg, không được bao nhiêu! Chủ yếu là các loại vỏ lon được khá hơn, mỗi lần bán như vậy được 15.000-20.000đ. Bà đặt cơm quán, mỗi ngày 5.000đ. Bà nói cũng có dĩa cơm, đồ ăn và canh. Chủ quán thương vừa bán vừa cho, chứ thời buổi này một bữa cơm 2.500đ biết bán làm sao. Quần lúc nào cũng xăn quá gối, bà Tư sau một buổi đội nắng lượm ve chai, ghé vào nhà một người bà con, nằm ké quạt máy ngủ một giấc thật dài, có khi quên cả ăn. Con trai và con dâu xử tệ còn con gái thì nhà cũng nghèo, lâu thật lâu mới gởi cho má một, hai trăm ngàn hoặc ít tôm khô, nước tương dùng dần.

Thường ngày, quanh khu Trí Huệ Cung thuộc xã T.H (HT) có một bà già người cao nhẳng, áo dài cởi ra thắt ngang hông, lụm cụm đi cắt cỏ. Mọi người thường kêu là bà Tám N, ngụ ở ấp T.X. Năm nay bà Tám đã gần 80 tuổi mà mỗi ngày vẫn phải cắt mấy bao cỏ cho bò. Năm bao hay bảy bao, bà phải cắt cho đủ, không thì về con trai, con dâu bớt phần cơm. Nhà con trai nuôi cả đàn bò 7, 8 con, nên ngày nào cũng phải có cỏ cho bò ăn. Bà mẹ già trở thành con ở, bị đối xử tệ bạc. Một ông giáo gần nhà bà cho biết bà bị ngược đãi, không bằng cả những con bò. Có khi bà còn bị hành hung nhưng hàng xóm không ai dám hé lời góp ý vì con trai của bà dữ dằn lắm. Thời gian này chắc cực quá nên bà Tám sinh lẩn thẩn. Ai hỏi tuổi, bà đều nói: “Em 18 tuổi”. Có người biết bà Tám bị đói, đi qua thường mua cho ổ bánh mì hoặc tô hủ tiếu, bà bảo: “Cảm ơn má (ba)! Cho ăn thì ăn chớ không có tiền trả à nghen”.

Bà H ở ấp T.L (HT) thì lại khác. Bà đi bán vé số nhưng rất nhiều tiền. Chồng chết sớm, một mẹ một con, bà thương yêu chiều chuộng cậu con trai hết lòng. Vậy mà từ khi có vợ, anh con trai sinh tật nhậu nhẹt liên miên. Nhậu đến nỗi “banh ta lông”- như lời bà thường nói. Cô con dâu vừa xấu người, vừa xấu nết, suốt ngày cự cãi, gây gổ với mẹ chồng. Cô còn lên xã thưa kiện rằng bà định dùng thuốc chuột “ám hại” mình. Cô xúi chồng đòi mẹ bán đất, chia tiền cho mình. Có căn nhà đại đoàn kết bị con dâu đòi chiếm, cực chẳng đã bà dỡ nhà đi ở nhờ. Có được mớ tiền bà gửi tiết kiệm tại ngân hàng, nói để dành phòng khi nào thằng con trai nhậu quá bị bệnh thì có tiền cứu chữa. Thực tế mấy năm nay, mỗi khi con trai đi bệnh viện bà đều phải lo tiền chữa trị nhưng nhất định bà không đưa tiền cho con dâu. Quanh năm, suốt tháng đi bán vé số, dư dả đồng nào bà lại đi làm từ thiện cứu giúp người nghèo khó. Bà Tám N đã kể ở phần trên thường được bà Út mua cho thức ăn. Vừa rồi bệnh nằm ở nhà cả tuần không đi bán vé số được, điều bà Út H lo lắng nhất là bà Tám bị đói.

Ba bà già, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng cái chung nhất là họ đang đơn độc, bị hắt hủi ngay trong chính gia đình của mình, nếm trải nỗi đớn đau, tủi cực bởi sự ngược đãi của chính con cái mình.

PQ