BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi đau mang tên da cam

Cập nhật ngày: 10/05/2009 - 08:37

Thấm thoát mà 34 năm đã trôi qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Những đồn bốt, hố bom năm xưa giờ đã biến thành trường học, nhà máy, bệnh viện… Thế nhưng, sau cuộc chiến vẫn còn những người lính phải tiếp tục chiến đấu với những nỗi đau dai dẳng, ngấm sâu vào cơ thể họ, tàn phá không chỉ một cuộc đời, mà hàng bao cuộc đời khác. Nỗi đau ấy mang tên da cam.

Bà Mai và 4 người con trai đều bị nhiễm chất độc da cam.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1938, ngụ ở ấp Vịnh, xã An Cơ (Châu Thành). Đây là một gia đình cách mạng với 4 người con bị nhiễm chất độc da cam. Hiện nay, chồng bà Mai đã mất nhưng hậu quả của cuộc chiến thì vẫn hiện diện trong gia đình bà. Năm 1960, bà Mai kết hôn với ông Nguyễn Văn Tấn, sinh năm 1936. Một năm sau thì ông Tấn tham gia bộ đội C40 (Châu Thành). Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Tấn đã theo chân đơn vị chiến đấu ở khắp chiến trường miền Đông Nam bộ. Năm 1964, bà Mai sinh cho ông Tấn người con trai đầu lòng và đặt tên là Công. Nhưng khổ nỗi Công càng lớn càng không bình thường như những đứa trẻ khác. Bà Mai rất buồn và cho rằng tại số trời, bởi 4 đứa con kế tiếp của bà Mai và ông Tấn đều phát triển bình thường. Mãi cho đến năm 1970, khi bà Mai sinh người con trai thứ 6 và năm 1972 sinh người con trai thứ 7 thì họ cũng mắc cùng một chứng bệnh ngơ ngơ ngẩn ngẩn giống như Công. Thấy lạ, bà Mai đã đưa con đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không giảm. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tấn trở về địa phương. Năm 1985 vợ chồng bà Mai sinh cậu con trai thứ 10. Điều đáng buồn là cậu út càng lớn càng có những biểu hiện rất giống các anh của mình. Mãi cho đến sau này, qua xét nghiệm, bà Mai mới biết cả 4 đứa con của mình đều bị nhiễm chất độc da cam. Hiện nay, các anh Công, Ngân, Lực Và Phước (4 người con của bà Mai) đều đã lớn nhưng trí khôn thì chỉ bằng đứa trẻ lên ba. Suốt ngày họ cứ quanh quẩn với mẹ mà không dám đi đâu xa và cũng không phụ giúp được gì. Nhìn những đứa con của mình, bà Mai buồn rầu tâm sự: “Điều mà tôi lo lắng nhất là sau này khi tôi qua đời thì 4 đứa nó sẽ không có ai chăm sóc”.

Bà Thu đang chăm sóc cho Cẩm Nhung

Còn ông Trần Văn Hiệp, sinh năm 1945, ngụ ở ấp Kinh Tế, xã Bình Minh (Thị xã) lại có nỗi đau khác. Năm 1962, ông Hiệp thoát ly, tham gia cách mạng và được biên chế vào Thị đội. Trong suốt 13 năm tham gia đánh Mỹ, ông Hiệp đã cùng đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Tân Biên. Đây cũng là một trong 8 vùng trọng điểm mà Mỹ đã rải chất độc hóa học. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Hiệp kết hôn cùng bà Đoàn Thị Xuân Thu (sinh năm 1954) – một nữ chiến sĩ cùng đơn vị. Năm 1976, ông Hiệp sinh đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Trần Thanh Phương. Lúc mới sinh ra, Phương cũng khoẻ mạnh bình thường như những đứa trẻ khác. Thế nhưng khi Phương bước vào tuổi trưởng thành thì những di chứng của chất độc hoá học cũng bắt đầu tàn phá cơ thể làm Phương bị co rút lại. Mặc dù ông Hiệp đã đưa con đi chạy chữa ở nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Năm 1991, bà Thu vợ ông lại sinh tiếp người con thứ 6 và đặt tên là Trần Thị Cẩm Nhung. Khi bé Nhung mới được 2 tuổi thì chất độc hoá học trong người em cũng bắt đầu phát tác. Hiện nay Nhung đã 18 tuổi nhưng vẫn không biết nói, không đi đứng được. Mọi chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân của Nhung đều phải nhờ người khác làm giúp. Trong số 6 người con của ông Hiệp, qua xét nghiệm thì cả 6 thì cả 6 người đều bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có 4 người bị nhiễm mức độ nhẹ. Vì vậy mà tiền bạc làm ra bao nhiêu ông Hiệp đều đổ vào việc thuốc thang trị bệnh cho con. Suốt bao năm qua cái nghèo, cái khó cứ đeo riết lấy gia đình ông. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Hiệp, chính quyền địa phương đã cất cho ông Hiệp một căn nhà tình nghĩa. Kể chuyện với tôi về những đứa con của mình, ông Hiệp chua xót: “Thử hỏi làm cha làm mẹ có ai không đau xót khi con mình sinh ra không bình thường như những đứa trẻ khác? Thà rằng ngày xưa tôi hy sinh để bây giờ không có những đứa con tàn tật như thế này. Mỗi khi nhìn con lên cơn co giật mà lòng tôi quặn thắt. Nỗi đau này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ?”.

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Tây Ninh thì cả tỉnh hiện có 4.013 người bị nhiễm chất độc hoá học, hàng ngàn gia đìnnh phải gánh chịu những di chứng của cuộc chiến tranh. Thậm chí di chứng ấy còn có thể truyền sang thế hệ con, cháu của họ. Đây là điều mà dân tộc này, đất nước này không thể nào quên.

HOÀNG TRƯƠNG