Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nơi gửi tình yêu thương cho những đứa trẻ “mang nỗi đau da cam”
Thứ bảy: 21:47 ngày 08/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Trong trái tim nhỏ bé luôn ngập tràn tình yêu, dù khiếm khuyết đôi điều nhưng con sẽ hạnh phúc”– đó là những vần thơ đầy tình cảm mà mà cán bộ, giáo viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC) tỉnh Tây Ninh dành cho những đứa trẻ “mang nỗi đau da cam”.

Ngoài giờ học các em còn được sinh hoạt tập thể.

Bằng tình yêu thương, lòng nhân ái, nhiều năm qua, cán bộ, giáo viên Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC) tỉnh Tây Ninh luôn tận tâm, nỗ lực, vượt qua khó khăn, vất vả để chăm lo, hỗ trợ về mọi mặt cho các nạn nhân cải thiện sức khoẻ, hành vi, giúp các em vượt qua khó khăn, bệnh tật, có cơ hội tái hoà nhập cộng đồng và hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Trung tâm đang nuôi dưỡng 25 cháu tại cơ sở và 5 cháu tại gia đình.

Cải thiện sức khoẻ và hành vi

Bà Võ Thu Vân- Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, để thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc phục hồi chức năng cho các em, được sự trợ giúp của “Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), phối hợp với Trung tâm nghiên cứu tư vấn, trị liệu tâm lý trẻ “Nhân tâm” cử giáo viên đến trung tâm dạy cho các cháu vào các ngày thứ 2 và thứ 4 hằng tuần.

Thầy Huỳnh Công Tuấn gắn bó với trung tâm từ nhiều năm nay cho hay, khi được phân công tới trung tâm, chúng tôi phải dạy cho các em tất cả các nội dung trong chương trình, đó là dạy vận động tinh thần; vận động thô (vận động toàn bộ cơ thể chân tay, mắt, tai…); dạy bắt chước luân phiên (phải biết chờ đợi tới lượt mình). Dạy về ngôn ngữ gồm: Tiếp nhận, diễn đạt; Dạy xã hội hoá là kỹ năng chơi, kỹ năng sống…

Giờ học âm ngữ trị liệu của các em tại Trung tâm.

Còn cô Nguyễn Kim Nhơn, giáo viên dạy âm ngữ trị liệu bộc bạch: “Những đứa trẻ được nuôi dạy ở đây đa số đều lớn tuổi, có em sinh năm 1991, hầu hết các em đều bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, một số khuyết tật vận động, liệt chi dưới, co rút cơ… nên trong quá trình dạy gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy chúng tôi phải nhiệt tình, vui vẻ, thân thiện, không tỏ ra nóng giận khi các em không hợp tác, bên cạnh đó, còn phải động viên và khen ngợi các em.

Cô Võ Kim Tuyết- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn trị liệu tâm lý trẻ Nhân Tâm cho biết thêm, các chương trình can thiệp của các giáo viên được tiến hành theo một quy trình bài bản, rõ ràng và hiệu quả từ khâu đánh giá, tư vấn, can thiệp và đánh giá lại.

Ngoài ra các giáo viên còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí giúp các em phát triển vận động, phát triển tâm lý tự tin, vui vẻ. Đặc biệt còn giáo dục hướng nghiệp cho các em bằng việc thực hành một số nghề như tin học và một số nghề đơn giản phụ giúp việc gia đình.

Các nội dung can thiệp thống nhất của các giáo viên áp dụng linh hoạt, giúp các em có thể tiếp cận và phát huy hết khả năng mình. Do đó, về cơ bản sau khi vào Trung tâm, đa số các em đã có sự cải thiện rõ rệt về hành vi, cân bằng giác quan, học được kỹ năng xã hội cơ bản, biết xử lý một số tình huống đơn giản, biết sử dụng ngôn ngữ lời nói và cử chỉ để diễn đạt nhu cầu bản thân, nhiều em đã có được kỹ năng tự phục vụ, hành vi giao tiếp, biết sử dụng thành thạo máy vi tính.

Điển hình như em Phạm Thanh Trà bị chứng co cơ, co rút chân tay, méo miệng đi lại, nói năng khó khăn, tay không cầm nắm được. Trong quá trình học ở trung tâm, Trà được học chữ, dạy tin học văn phòng, đến nay Trà đã sử dụng thành thạo máy vi tính để soạn thảo văn bản.

Các em được các thầy cô tại Trung tâm tận tình hướng dẫn việc học ngữ âm ngữ trị.

Quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em

Với tinh thần quyết tâm, sự đoàn kết vượt qua khó khăn, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm được giao, trung tâm còn quan tâm chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho những trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây. Bên cạnh thực hiện các chế độ đúng theo quy định, Trung tâm còn vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm, nên chế độ dinh dưỡng của các em luôn được đảm bảo đủ chất lượng, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm tăng sức đề kháng cho các cháu, Trung tâm thường xuyên tổ chức vệ sinh quét dọn, xịt thuốc diệt côn trùng, sát khuẩn xung quanh khuôn viên. Bên cạnh đó còn nhắc nhở các em thường xuyên vệ sinh phòng ở và hướng dẫn các em rửa tay sát khuẩn trước khi ăn.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng em Phạm Thanh Trà học sinh của Trung tâm vẫn cố gắng để thực hiện được đánh máy văn bản trên máy tính.

Bà Võ Thị Đẹp- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh cho biết: “Sự tiến triển trong tâm lý, hành vi của các em khi được chăm sóc, điều trị, can thiệp tại Trung tâm đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho cha, mẹ, gia đình các em, và cũng là phần thưởng vô giá, là nguồn động viên lớn lao cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm, giúp họ có thêm động lực để thực hiện nhiệm vụ giàu tính nhân văn".

Tố Tuấn-Hà Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục