Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ðô thị Hoà Thành mở rộng:
Nơi hội tụ những gam màu thân thiện
Thứ sáu: 06:16 ngày 28/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với lợi thế về cảnh quan, kiến trúc công trình độc đáo, văn hoá truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có, Hoà Thành đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đô thị có nền kinh tế phát triển dịch vụ, du lịch - công nghiệp và nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trung tâm Thương mại Long Hoa, thị trấn Hoà Thành (ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông).

Theo đề án đề nghị công nhận đô thị Hoà Thành mở rộng là đô thị loại IV, khu vực nội thị Hoà Thành sẽ được phát triển mở rộng với diện tích khoảng 2.342 ha, dân số hơn 78.000 người, bao gồm thị trấn Hoà Thành, Long Thành Trung, Long Thành Bắc, Hiệp Tân và 4 xã ngoại thị (Long Thành Nam, Trường Tây, Trường Ðông, Trường Hoà). Ðây chính là sự cộng hưởng về hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng văn hoá xã hội tiện ích, hiện đại… nâng tầm Hoà Thành trở thành nơi đáng sống, sẵn sàng chờ đón những thị dân mới.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Hoà Thành nằm ngay trung tâm tỉnh Tây Ninh, từ lâu đã được đánh giá cao bởi vị trí và điều kiện thuận lợi để hình thành một khu đô thị mới. Xét về vị trí địa lý, Hoà Thành quốc lộ 22B đi qua, đường thuỷ có sông Vàm Cỏ Ðông và cảng Bến Kéo kết nối giao thương giữa Tây Ninh - TP.Hồ Chí Minh 90km, biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 25km về phía Tây, 40km về phía Bắc. Ðây được xem là đầu mối giao thông nối liền 5 huyện, thành phố trong tỉnh Tây Ninh với các tỉnh khác.

Thừa hưởng nhiều lợi thế về tự nhiên, Hoà Thành đang ngày càng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng. Hiện nay, tổng chiều dài các tuyến đường giao thông toàn huyện là 214km, trong đó có 31 tuyến đường đô thị dài 88km tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thị trấn đều được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh phủ mát.

Bên cạnh đó là tuyến đường sông Vàm Cỏ Ðông chảy qua đô thị 11km cho phép các phương tiện tải trọng lớn lưu thông, vận tải hàng hoá liên đô thị và liên tỉnh. Ðây cũng là tuyến giao thông thuỷ chính kết nối Tây Ninh với các cảng ở đồng bằng sông Cửu Long, như Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành Nguyễn Nam Hưng khẳng định: “Các công trình hạ tầng giao thông được đưa vào sử dụng đã mở ra cánh cửa kết nối với các vùng, giúp rút ngắn khoảng cách đến khu trung tâm; và việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn”.

Nhờ khai thác các tiềm năng lợi thế, Hoà Thành đã có nhiều hướng đi, giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt được kết quả đáng kể. Trong 3 năm trở lại đây (2015-2017), mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,28% (trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất 44,77%, thương mại - dịch vụ 43,94% và nông nghiệp chiếm 11,39%). 9 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 6.919 tỷ đồng, tăng 10,18%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, ở mức: nông nghiệp đạt 613 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng đạt 3.304 tỷ đồng và dịch vụ đạt 3.002 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 181,9 tỷ đồng.

Ðến nay, Hoà Thành đã có mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học phát triển đồng bộ, có 19 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm, chất lượng các dịch vụ y tế khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và y đức của người thầy thuốc được nâng lên, một số dịch vụ y tế được triển khai có hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành cho biết: “Những thành quả khởi sắc đạt được chính là hành trang vững chắc, là động lực thúc đẩy Hoà Thành tiếp tục bứt phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, tự tin vươn tầm trở thành đô thị loại IV vào năm 2020, phát triển thành đô thị loại III vào năm 2025”.

Tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng “du lịch xanh”

Hoà Thành là trung tâm của một tôn giáo lớn với hơn 90% hộ dân theo đạo Cao Ðài. Toàn bộ Toà thánh bao gồm gần 100 công trình lớn nhỏ khác nhau, có kiến trúc độc đáo, phối hợp giữa quan điểm triết học Ðông - Tây. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo mang tầm khu vực và quốc gia, nổi bật là các lễ Hội yến Diêu Trì cung của đạo Cao Ðài gắn liền với Toà thánh Tây Ninh, lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Báo Quốc Từ... hằng năm thu hút hàng triệu tín đồ cả nước đến tham quan, hành hương.

Có thể nói, điểm nhấn trong phát triển đô thị Hoà Thành là quy hoạch đô thị trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Tây Ninh. Phát huy tiềm năng của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoà Thành đã đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng bền vững của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo tồn tài nguyên nhân văn.

Ông Nguyễn Nam Hưng cho biết, để gắn kết phát triển du lịch của địa phương trong hệ thống phát triển du lịch của tỉnh, vùng Ðông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Hoà Thành chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Ưu tiên các sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh - tín ngưỡng, tham quan di tích văn hoá lịch sử, du lịch và dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái vườn, du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, văn hoá ẩm thực chay... hướng tới hình thành đô thị “Thương mại - dịch vụ - du lịch - sinh thái” mang những nét đặc trưng của đô thị Hoà Thành.

“Huyện đang triển khai xây dựng loại hình du lịch theo chuỗi “lịch sử tâm linh”, quy hoạch khu vực Trường Hoà - Long Thành Bắc phát triển loại hình homestay, farmstay theo hướng trải nghiệm “cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất nông nghiệp”, đồng thời phục hồi lại vườn cây ăn trái, phục vụ du lịch sinh thái vườn vốn đã có từ nhiều năm qua. Hiện tại, huyện đang quy hoạch 170 ha đất ở điểm chùa Gò Kén để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nhà ở miệt vườn, đồng thời phát triển mô hình du lịch, lịch sử tâm linh”, ông Hưng cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thu Thoa- người đầu tiên phát triển loại hình homestay khá thành công ở ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành) cho hay, homestay của gia đình bà hoạt động gần 3 năm nay, trong nhà bà lúc nào cũng có du khách đến ở. Họ đến từ các nơi trong và ngoài nước, đa số đến từ Úc, Nhật Bản, Anh, Canada… để tham quan các điểm du lịch như núi Bà Ðen, Toà thánh Cao Ðài, hồ Dầu Tiếng, hay đi dạo trong thôn xóm, đi ăn, uống, mua sắm, ngắm cảnh… bà Thoa chia sẻ, mỗi một người khách khi đến nhà, bà đều xem họ như người thân trong gia đình, tạo cho họ cảm giác như được ở ngay trong chính ngôi nhà của mình, cảm thấy gần gũi, thực tế hơn về cách sống và nền văn hoá của vùng đất mới.

“Mỗi người khách trước khi đi, họ đều để lại lời cảm ơn và nhắn gửi “sẽ quay trở lại với gia đình khi họ đến Tây Ninh”. Tôi nghĩ, chỉ cần mình đối xử tốt với du khách thì họ cũng có cảm tình với mình”, bà Thoa vui vẻ nói. Về dự kiến trong thời gian tới, bà Thoa cho biết, hiện bà đang xây dựng thêm một homestay khoảng 6 phòng với kiến trúc đơn giản, lấy không gian xanh làm chủ đạo để phục vụ những du khách thích du lịch “bụi”, thích khám phá thiên nhiên, đời sống văn hoá địa phương.

Một góc trung tâm thị trấn Hoà Thành (ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông).

Với lợi thế về cảnh quan, kiến trúc công trình độc đáo, văn hoá truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có, Hoà Thành đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đô thị có nền kinh tế phát triển dịch vụ, du lịch - công nghiệp và nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Tương lai không xa, Hoà Thành sẽ tạo lập cho mình hình ảnh đô thị hiện đại - xanh, thân thiện, phát triển bền vững, năng động với môi trường làm việc - sống lý tưởng, bởi không gian du lịch văn hoá - sinh thái mang đặc trưng giá trị lịch sử văn hoá, như Toà thánh Cao Ðài, chùa Gò Kén, cảnh quan thiên nhiên sông Vàm Cỏ Ðông, hệ thống kênh mương và vùng sinh thái nông nghiệp sạch thân thiện môi trường.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh